Làm từ thiện “đến nơi đến chốn“

GD&TĐ - Từ việc đóng góp cho các tổ chức đến việc bỏ tiền túi, kêu gọi, vận động kinh phí để chính mình đứng ra làm từ thiện, chị không chỉ đã giúp đỡ cho những hoàn cảnh đáng thương mà còn thắp lên ngọn lửa thiện nguyện trong cộng đồng, giúp mọi người có cơ hội đóng góp sức lực của mình cho xã hội. Chị là Nguyễn Diệu Hiền, nhân viên văn phòng ở TPHCM.

Đến với các bệnh nhi trong bệnh viện
Đến với các bệnh nhi trong bệnh viện

Tấm lòng của người mang ơn cộng đồng

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng Tam Kỳ, Quảng Nam, cô bé Diệu Hiền sớm thấu hiểu được nổi khổ của những người có hoàn cảnh như mình.

Ngày đó, chính nhờ sự giúp đỡ, quyên góp của bà con hàng xóm mà bố chị mới có tiền phẫu thuật sau khi gặp tai nạn lao động. Lớn lên một chút, chị cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè, họ hàng mới đủ tiền đóng học phí ở 2 trường đại học.

Khi đó, Diệu Hiền đã ý thức được ý nghĩa của lòng nhân ái và sức mạnh của cộng đồng. Thế nên, khi ra trường và có công việc ổn định, chị bắt đầu tham gia công tác từ thiện như một cách đền đáp những gì mình từng nhận được.

Ban đầu, Diệu Hiền chọn cách đơn giản nhất là trích một phần thu nhập hằng tháng của mình gửi cho các tổ chức từ thiện. Nhưng dần lâu, chị cảm thấy băn khoăn:

“Họ có nhận được sự giúp đỡ đúng lúc không? Có phù hợp với hoàn cảnh hay không? Sau đó cuộc sống của họ có biến chuyển tích cực hay không?”... Chị nghĩ mình cần phải làm một điều gì đó thiết thực hơn, sâu sát hơn, và “đến nơi đến chốn” hơn.

Chị Diệu Hiền bên những em bé nghèo ở vùng cao

Chị Diệu Hiền bên những em bé nghèo ở vùng cao

Từ đó, thay vì đóng góp cho các tổ chức từ thiện, chị tự mình đến thăm hỏi từng hoàn cảnh khó khăn. “Một cây làm chẳng nên non”, chị bắt đầu quyên góp từ người thân trong gia đình, rồi đến bạn bè, đồng nghiệp… Dần lâu, chuyện cô “Diệu Hiền siêng làm từ thiện” bắt đầu được nhiều người biết đến, việc kêu gọi sự đóng góp nhờ đó cũng ổn định hơn.

Lúc bấy giờ, chị là nhân viên công tác tại hội sở một ngân hàng lớn ở TPHCM. Tận dụng hệ thống chi nhánh rộng khắp cả nước của ngân hàng, chị liên kết với đồng nghiệp ở các địa phương, tìm kiếm và xác minh thông tin về những trường hợp ở vùng xa chưa được quan tâm chăm sóc.

Rất nhiều hoàn cảnh đáng thương nhờ sự có mặt kịp thời, sâu sát của chị và các bạn tình nguyện đã phần nào vượt qua được khó khăn.

Từ giúp đỡ cá nhân đến tương trợ cộng đồng

Cô “Diệu Hiền yêu thiện nguyện” ngày càng nhận được sự cảm mến và tin tưởng của cộng đồng. Các mạnh thường quân, những người yêu thích làm từ thiện tìm đến chị nhiều hơn.

Nhóm của Diệu Hiền bắt đầu hướng đến những hoạt động lớn hơn, có ý nghĩa thiết thực hơn. Nhóm đã về những xã vùng sâu vùng xa miền Tây để xây cầu từ thiện; phối hợp với các hội nhóm thiện nguyện khác ở miền Trung giúp đỡ nâng cao đời sống cộng đồng dân tộc các vùng miền núi huyện Nam Trà My, tổ chức phát áo quần và thậm chí nấu các bữa ăn có thịt cho trẻ em ở đây.

Là một người mẹ từng phải vào viện chăm con bệnh, chị Diệu Hiền thấu hiểu được sự khó khăn của những người nghèo phải rời quê lên thành phố nuôi con bệnh. Với họ, chi phí cho mỗi bữa ăn ở bệnh viện là quá đắt đỏ Chính vì vậy, một bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng cho những đối tượng này là rất đáng quý.

Thế là chị bắt đầu tổ chức nấu và phát cơm từ thiện tại các bệnh viện, mà phải là các bệnh viện ở xa trung tâm, ít được quan tâm như Bệnh viện Nhiệt Đới, Bệnh viện Quận 8, Bệnh viện Củ Chi, Bệnh viện Tâm Thần Thủ Đức… Ý tưởng mở một quán cơm chay cũng từ từ được nhen nhóm.

Chị cho biết: “Rất nhiều người, trong đó có những người dân lao động, các bạn sinh viên rất muốn làm việc thiện, chia sẻ với cộng đồng. Tuy nhiên, họ thường ngại ngùng khi không thể đóng góp được nhiều như những người khác. Vì vậy nên mình tìm cách tạo cơ hội cho mọi người làm việc tích đức”.

Nghĩ là làm, dù bộn bề công việc cơ quan, việc gia đình, việc từ thiện…, chị Diệu Hiền vẫn quyết định mở một quán cơm chay mang tên mình tại một con đường nhỏ ở TPHCM. Đây vừa là nơi kinh doanh tạo thêm nguồn thu ổn định cho nhóm vừa là nơi để chị và những tình nguyện viên tổ chức nấu cơm, làm bánh từ thiện, thu gom quần áo, sách vở cũ...

Từ bi đi liền trí tuệ

Chị Diệu Hiền tâm tình: “Bản thân mình làm từ thiện vì thích, vì đam mê, và thấy vui mới làm chứ không đẩy mọi việc lên quá mức kiểm soát, khiến tất cả trở thành gánh nặng mất đi ý nghĩa ban đầu. Từ thiện là tự nguyện, xuất phát từ tấm lòng cho đi mà không cầu nhận lại, không ai ép buộc mình phải làm, vì vậy xin đừng bao giờ kể lể”.

Dù vậy, trong suốt 8 năm miệt mài đóng góp tâm sức cho cộng đồng, chị Hiền cũng không tránh khỏi những lúc hụt hẫng, buồn rầu. Đó là khi chị gặp những người lợi dụng việc làm từ thiện để mưu cầu lợi ích riêng.

Theo chị, người làm công tác từ thiện cần phải có một cái tâm thật sáng và tấm lòng hướng thiện kiên định mới có thể làm đúng được với nhiệm vụ mà những nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và cả xã hội tin tưởng giao phó.

Sau 8 năm miệt mài làm công tác thiện nguyện với nhiều hình thức đa dạng, chị Diệu Hiền đã trở nên sâu sắc và bản lĩnh hơn. Chị cho biết: “Từ bi phải trí tuệ - người làm từ thiện cũng cần tỉnh táo, xác minh chính xác thông tin và có hướng kiểm tra cụ thể từng trường hợp, trước, trong và sau khi nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng. Tránh để nguồn lực quý báu của xã hội rơi vào tay những kẻ không xứng đáng”.

Chị Hiền (áo trắng) trong lễ khánh thành cầu Núi Trầu tại Kiên Lương, Kiên Giang

Chị Hiền (áo trắng) trong lễ khánh thành cầu Núi Trầu tại Kiên Lương, Kiên Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.