Đóng góp thầm lặng của người nữ chiến sĩ Trường Sơn giữa thời bình

GD&TĐ - Dũng sỹ diệt Mỹ chị Lê Thị An, nguyên là Phó Trưởng Ban Hậu cần của Ban Xây dựng 67; Phó phòng Hậu cần Binh trạm 16, đoàn 559 anh hùng thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Hiện nay chị là Phó Trưởng ban Hội cựu chiến binh các tỉnh phía Bắc, Ủy viên Ban chấp hành Hội nữ chiến sỹ Trường Sơn.

Đóng góp thầm lặng của người nữ chiến sĩ Trường Sơn giữa thời bình

Tuổi trẻ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc

Năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ quốc, cô nữ sinh 17 tuổi hoa khôi của trường cấp III Quảng Xương, Thanh Hóa đang học cuối lớp 10/10 đã xếp bút nghiên lên đường ra trận.

Ở mặt trận chị đã dũng cảm, nhiệm vụ nào cũng xuất sắc hoàn thành. Nhiều lần chị cận kề bên cái chết. Nhưng nhờ may mắn và nhanh trí mà chị đã thoát được lưỡi hái tử thần.

Có lần ở đường 9 Khe Sanh, khi các chị đang chuyển hàng vào kho thì máy bay Mỹ tới. Chị bị thương nặng, ngất đi, khi tỉnh dậy đã thấy mình ở bệnh viện quân đội 559, khắp người quấn băng trắng toát:

Chấn thương cột sống, bị hơi bom napan cháy bỏng toàn bộ phần từ bụng đến đầu gối, nhiều viên bom bi găm khắp cơ thể.

Lần khác sau khi đi chia hàng cho các đơn vị về thì máy bay địch ném bom. Một quả bom bi rơi trúng cửa hầm, chị đã nhặt quả bom ném ra xa. Hành động dũng cảm, thông minh ấy đã cứu chị và 15 đồng đội thoát chết. Trong đó có kỹ sư Đặng Tài – người bạn đời của chị sau này.

Có thể nói chiến tranh đã rèn luyện và nuôi dưỡng ở chị bản lĩnh kiên cường của người lính và tính quyết đoán của người chỉ huy, nên ở chị không chỉ có một trái tim ấm áp, nhạy cảm mà còn có sự cứng rắn, ý thức ự chủ, tinh thần vượt khó và tính sáng tạo rất cao.

Chị đã trải qua 7 lần mổ, với 3 ca đại phẫu. Chỉ sau khi mổ ít ngày chị đã gượng dậy đến phòng tập Yoga để rèn luyện sức khỏe, chiến thắng bệnh tật...

Chị là người phụ nữ đảm đang tháo vát, làm ăn giỏi và biết chi tiêu đồng tiền một cách hiệu quả. Những năm sau chiến tranh, đất nước đặc biệt khó khăn, chị đã dám đứng lên tự cứu gia đình mình bằng cách tự đóng gạch xây nhà, tự xin đất cấy lúa, trồng rau, bắt tôm, mò cá nuôi 5 con ăn học. Rồi chị mạnh dạn đưa 4 cô con gái sang nước ngoài lao động, học tâp và làm việc.

Dù đang là Phó Trưởng phòng Tài chính của Công ty Vận tải đường sông huyện Kiến Xương, Thái Bình chị dám xin nghỉ việc, đóng bảo hiểm 2 năm để sang xứ người, vừa học hỏi kinh nghiệm.

Bước chân đã đưa người đàn bà từng nhiều năm là lính Trường Sơn ấy đi qua 27 quốc gia đáng đến trên khắp hành tinh để rồi khi về nước chị đầu tư vào đâu là hầu như thắng đó.

Càng ngày, tài trí và sự khéo léo của người nữ cựu chiến binh ấy càng được phát huy. Chị làm gì cũng say mê vì thế cuộc sống của chị luôn tràn đầy năng lượng. Không chỉ làm ăn giỏi, quản lý gia đình giỏi, chị còn giao thiệp giỏi, còn có khả năng quy tụ, gắn kết và tạo được niềm tin đối với mọi người.

Tiền các con gửi về, chị đầu tư vào bất động sản và kinh doanh nhà hàng, khách sạn sinh lãi. Chị không lập công ty ồn ào nhưng chị là người điều hành rất hiệu quả nên đã mang lại công ăn việc làm ổn định cho nhiều người.

Đồng thời chị rất tích cực làm từ thiện. Mà cách làm từ thiện của chị rất văn hóa, thiết thực và vô cùng nữ tính. Chị tặng 31 chiếc nón lá già được khâu rất kỹ cho các bà, các chị một xóm nghèo ở Thanh Hóa.

Dù đã 70 tuổi chị vẫn theo xe từ Hà Nội vào tỉnh Thanh mua mấy trăm lít mắm ngon cho chị em hàng xóm ăn dần tránh độc hại từ vụ Formosa. Thật xúc động khi vừa mổ khớp gối xong, chị đã chống nạng đến thắp hương cho chồng một chị cựu chiến binh và tới thăm hỏi, tặng quà những đồng đội cao tuổi ở Yên Châu, Sơn La ngày 15/5/2017...

Cống hiến thầm lặng giữa thời bình

Chị say mê kiếm tiền và cũng say mê làm những việc công ích. Số tiền chị làm từ thiện mà tôi gián tiếp biết được cũng đã lên tới hàng tỉ đồng vì chỉ riêng hai khoản: Xây đường liên xã (820 triệu) và xây 37 căn nhà tình nghĩa (444 triệu) ở xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã là một số tiền rất lớn.

Ngoài ra, nhiều lần chị còn trực tiếp mang tiền của đi tìm mộ liệt sỹ ở Trường Sơn; công đức xây chùa chiền, nhà thờ họ; làm 50m đường nhựa dân sinh và con đường ra nghĩa địa ở Thái Bình.

Chị là “mạnh thường quân” thường xuyên đứng ra tài trợ các chuyến họp mặt về nguồn của các Chi hội Thanh niên xung phong và cựu chiến binh phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (nơi chị đang sống), huyện Kiến Xương (Thái Bình - quê chồng), huyện Quảng Xương (Thanh Hóa - quê chị).

Năm 2013, chị đã tài trợ cho anh chị em cựu Thanh niên xung phong Hà Nội đi gặp gỡ, thăm hỏi cựu TNXP ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Chị lập sổ tiết kiệm cho những chị em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, đóng quỹ nghĩa tình đồng đội của Cựu chiến binh và nghĩa tình đồng đội phường Quan Hoa, tài trợ cho Hội chữ thập đỏ Quan Hoa.

Chị đóng góp cho Trung tâm Truyền thống và giáo dục Lịch sử Việt Nam hàng trăm triệu đồng… Hành trình vì đồng đội của chị vẫn đang tiếp tục. Ngày 6 và 7/6/2017, vợ chồng chị đã đi thăm và tặng quà cho các cựu chiến binh ở xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Nhưng đáng nói hơn cả là giá trị văn hóa tinh thần do những việc làm của chị mang lại. Chúng có ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng và không ngừng lan tỏa tới môi trường xung quanh. Tấm lòng nhân hậu, thương người như thể thương thân, cách sống đẹp, sự nhiệt tâm, nghị lực, tinh thần vượt khó của chị đã tích cực góp phần xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh ở khu dân cư và lan tỏa tới những ai đã tiếp xúc với chị.

Chị là người ham học hỏi, chăm đọc sách và rất yêu nghệ thuật. Nghệ thuật giúp chị nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong trái tim chị lúc nào cũng như có lửa, ánh lửa của nghị lực và trí tuệ nên dù đã có tuổi nhưng tâm tính chị không già.

Dù đã 70, người nữ chiến sỹ Trường Sơn năm xưa vẫn lưng ong, da trắng, môi hồng… Từ đôi mắt đen biết nói, luôn toát lên một vẻ đẹp đầy cá tính, ấm áp mà tỏa sáng.

Chị Lê Thi An đã được quân đội, Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Hai, Huân chương giải phóng miền Nam Việt Nam hạng Nhì, nhiều huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen. Trong đó có bằng khen “Người tốt, việc tốt” toàn quốc. Chị được đi dự Đại hội “Dân tộc anh hùng truyền thống vẻ vang” – đại hội của anh hùng trong cả nước.

Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất mà chị nhận được chính là tấm lòng yêu thương, trân trọng của mọi người. Chị là người thật sự hạnh phúc bởi với chị hạnh phúc là cho đi để rồi nhận về rất nhiều những yêu thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ