Làm thế nào Nam Tư bắn hạ máy bay tàng hình F-117 Mỹ?

GD&TĐ - Ngày 27/3/1999, Nam Tư đã bắn rơi một máy bay tàng hình F-117 Nighthawk của Mỹ bằng tên lửa S-125 Neva (NATO định danh SA-3 Goa) do Liên Xô sản xuất.

Máy bay tàng hình F-117 Nighthawk.
Máy bay tàng hình F-117 Nighthawk.

Vụ bắn hạ lịch sử

Trong cuộc trò chuyện với hãng thông tấn RIA, Trung tá Không quân Mỹ Karen Kwiatkowski đã gọi vụ bắn hạ làm nên lịch sử và đánh dấu lần đầu tiên trên thế giới một chiếc máy bay tàng hình bị bắn rơi trong chiến đấu thực tế.

Được đưa vào sử dụng cách đây hơn bốn thập kỷ vào cuối năm 1983, chiếc F-117 cuối cùng của Không quân Mỹ đã được cho nghỉ hưu vào năm 2008 chỉ 25 năm sau khi hoạt động.

Việc F-117 hưu non được cho là vì máy bay tàng hình mới và tốt hơn đã xuất hiện, nhưng thực sự bởi vì chiếc máy bay này đã trở nên lỗi thời sau khi bị phá hủy bởi tên lửa SAM của Liên Xô được thiết kế vào những năm 1950 để đối đầu với máy bay thế hệ hai trong khi chiếc F-117 thuộc thế hệ 5.

Khi lần đầu tiên được công bố vào những năm 1980, Lầu Năm Góc nghĩ rằng họ đã chạm tay vào một chiếc máy bay vô hình và bất khả chiến bại, với chiếc F-117 trị giá 111 triệu USD được trang bị lớp sơn tán xạ sóng radar công nghệ cao, hình dạng góc cạnh độc đáo và radar đặc biệt.

Với cấu tạo đặc biệt và công nghệ đỉnh cao, Mỹ tin rằng máy bay phản lực này có thể xâm nhập sâu vào hệ thống phòng không của Liên Xô và thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân nếu Chiến tranh Lạnh trở nên nóng bỏng.

Trong trí tưởng tượng của nhiều người, công nghệ tàng hình của Mỹ những năm 80, bao gồm F-117 và Northrop Grumman B-2 Spirit, được coi là thứ gì đó giống với siêu vũ khí - có khả năng một mình giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Moscow.

Cảm giác ưu việt tự mãn đó ở Lầu Năm Góc đã tan biến chỉ sau một đêm cách đây 25 năm, khi Đội 3 thuộc Lữ đoàn tên lửa số 250 thuộc Lực lượng Phòng không Nam Tư do Đại tá Zoltan Dani chỉ huy nhận nhiệm vụ gần Buđanovci, Serbia, Nam Tư.

Dani và binh sĩ của ông đã theo dõi F-117 trong suốt chuyến bay bằng radar tầm mét, chứng tỏ có khả năng phát hiện máy bay tàng hình dễ dàng hơn dự kiến.

"Chỉ khi máy bay còn cách đủ gần, tôi mới ra lệnh khóa mục tiêu và ra lệnh cho xạ thủ Senad Muminovich nhấn nút phóng, tên lửa đã được phóng và bắn trúng chiếc F-117", Dani nhớ lại trong cuộc phỏng vấn với thông tấn Nga năm 2019.

"Chúng tôi chúc mừng nhau và thế là xong. Cảm giác rất tuyệt vời, như thể chúng tôi ghi bàn trong một trận đấu thể thao rất quan trọng.

Buổi sáng có một sĩ quan cấp cao đến, anh ấy chúc mừng chúng tôi và hỏi chúng tôi có biết mình đã bắn hạ được thứ gì không. Tôi trả lời 'Tôi đã bắn hạ một số mục tiêu. Và sau đó viên sĩ quan nói với chúng tôi rằng đó là một chiếc F-117", sĩ quan Dani nói.

Đoạn phim người dân Buđanovci vừa nhảy múa bên cánh chiếc máy bay bị bắn rơi vừa hô vang "Xin lỗi, chúng tôi không biết nó vô hình" lan nhanh như cháy rừng trên khắp thế giới và trở thành đòn giáng mạnh vào liên minh NATO, tiếp thêm sức mạnh cho người dân Nam Tư tiếp tục chống lại chiến dịch ném bom của phương Tây.

Hơn 20 năm sau, vào tháng 12 năm 2020, Trung tá Charlie Hainline, một phi công F-117 khác tham gia ném bom Nam Tư, tiết lộ rằng chiếc F-117 thứ hai do người cùng phi đội của ông điều khiển đã bị trúng hỏa lực phòng không Nam Tư, gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng vẫn cố gắng trở về căn cứ.

Sốc

"Tôi mơ hồ nhớ lại đây là một cú sốc – đó là máy bay tàng hình hàng đầu thời đó", Trung tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu và cựu nhà phân tích cấp cao của Bộ Quốc phòng Karen Kwiatkowski nói khi nhớ lại sự kiện ngày 27 tháng 3 năm 1999.

"Chiến dịch Nam Tư của Mỹ và NATO được chúng tôi coi là 'dễ dàng' ở chỗ nó chủ yếu là một chiến dịch không kích của liên minh với một bên trang bị vũ khí thời Liên Xô trong thời kỳ hậu Xô Viết.

Tuy nhiên, chiến thuật và an ninh hoạt động kém của Mỹ/NATO đã dẫn đến điều bất ngờ này. Tôi rất ngạc nhiên vì chuyện này đã xảy ra 25 năm trước và tôi từng là thành viên của lực lượng không quân được cho là mạnh nhất thế giới", Kwiatkowski cho biết.

Bỏ khả năng của S-125 sang một bên, Kwiatkowski cho biết an ninh lỏng lẻo trong hoạt động của NATO đã góp phần dẫn đến việc F-117 bị phá hủy, cũng như sự tự mãn của Không quân Mỹ khi gọi F-117 là siêu vũ khí và đối đầu với vũ khí lạc hậu do Liên Xô phát triển là chuyện dễ dàng.

Sự tự mãn này xuất phát từ việc nhìn chiến tranh (và thế giới) hoàn toàn từ trình độ công nghệ. Suy cho cùng, hầu hết người Mỹ và những người trong quân đội tin rằng chính sự tự mãn về quân sự và công nghệ của Mỹ đã khiến chương trình F-117 phải nghỉ hưu sớm.

Bà Karen Kwiatkowski cho biết: "Bản thân Nam Tư được coi là một cuộc chiến an toàn với liên minh NATO do năng lực quốc phòng của Nam Tư bị đánh giá yếu kém".

Bà Kwiatkowski nói thêm rằng, những ưu thế về vũ khí và công nghệ không đủ để đánh bại tinh thần của Đại tá Dani và binh sĩ của ông.

"Đại tá Dani chiến đấu cho đất nước, gia đình, nhân dân và đất đai của mình. Đối thủ của anh chỉ đơn giản là làm một công việc theo chỉ dẫn và hy vọng có một câu chuyện hay để kể sau này.

Chúng ta đã thấy điều này trong bất kỳ cuộc chiến nào, trong quá khứ và hiện tại, trong đó việc sử dụng sự sáng tạo với những thứ gì bạn có trong tay từ thông tin tình báo, mạng lưới, vũ khí và các loại công cụ có thể gây ra những hậu quả lớn cho đối thủ trong trận chiến".

Vụ việc ngày 27 tháng 3 năm 1999 tại Buđanovci đã "vạch trần" huyền thoại về công nghệ tàng hình bất khả chiến bại F-117 được Lockheed bán cho chính phủ Mỹ, đồng thời buộc Mỹ và các cường quốc không quân lớn khác phải tiếp tục cải tiến công nghệ, tăng cường an ninh trong các hoạt động trên không.

"Tôi không có ấn tượng rằng giới lãnh đạo quân sự Mỹ nói chung dành sự tôn trọng nào với đối thủ và hệ thống phòng không thời Liên Xô của họ, nhưng tôi nghĩ các phi công F-117 đã làm được điều đó, nhưng như vậy chưa đủ để máy bay này bất khả chiến bại", bà Kwiatkowski nhấn mạnh.

Clip Nam Tư bắn rơi máy bay F-117 Nighthawk của Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ