Kỹ thuật đảo ngược giúp Iran tạo ra siêu UAV

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Wall Street Journal (WSJ), Iran đã khiến giới quân sự phương Tây kinh ngạc bởi khả năng chiến đấu của máy bay không người lái (UAV) Gaza.

UAV Gaza của Iran.
UAV Gaza của Iran.

Nguyên mẫu UAV thế hệ mới được Iran trưng bày tại triển lãm vũ khí quốc tế vừa diễn ra ở Doha, Qatar. Mỗi chiếc UAV Gaza có khả năng mang tới 13 quả bom dẫn đường và bay xa hơn 2.000 km, đủ sức vươn tới nhiều mục tiêu tại Israel.

Nhà sản xuất Iran cho biết, việc UAV mới được đặt tên là Gaza nhằm thể hiện tình đoàn kết với người dân Palestine ở Dải Gaza, nơi Israel đang mở chiến dịch tấn công đẫm máu từ cuối tháng 10/2023 nhằm xóa sổ lực lượng Hamas.

UAV Gaza, còn có tên là Shahed-149, có sải cánh hơn 20 mét, được trang bị động cơ tuốc bin cánh quạt và hệ thống dẫn đường bằng định vị vệ tinh. Đây là lần đầu tiên Iran trưng bày UAV Gaza ở nước ngoài.

Máy bay có thể đạt độ cao hơn 10.000 mét, tầm hoạt động hơn 2.000 km. Điểm nổi bật của UAV Gaza là khả năng mang theo tới 13 quả bom dẫn đường chính xác cao, nhiều gấp ba lần so với mẫu tiền nhiệm là Shahed-129.

Kích thước, hình dáng và chức năng của UAV Gaza tương tự dòng MQ-9 Reaper của Mỹ và được cho là phiên bản sao chép bằng kỹ thuật đảo ngược của dòng UAV này.

Tờ WSJ cho rằng, các lực lượng ủy nhiệm trong "trục kháng chiến" chống Israel và phương Tây do Iran thành lập đã nhiều lần bắn hạ MQ-9 Reaper và khả năng cao đã chuyển xác chiếc UAV cho Tehran để nghiên cứu.

Máy bay MQ-9 Reaper do tập đoàn General Atomics của Mỹ chế tạo cho không quân nước này, có giá xuất xưởng khoảng 30 triệu USD mỗi chiếc. MQ-9 có tải trọng tối đa 1,7 tấn, với vũ khí gồm tên lửa đối đất AGM-114 Hellfire, bom dẫn đường laser GBU-12 hoặc dẫn đường vệ tinh GBU-38.

Tuy nhiên, phát ngôn viên tập đoàn vũ khí General Atomics, Mark Brinkley cho rằng dòng Gaza của Iran chỉ có tải trọng vũ khí bằng 1/3 sản phẩm của họ.

"Có rất nhiều phiên bản bắt chước, nhưng không sản phẩm nào có thể sao chép giống MQ-9 hoàn toàn", ông cho biết.

Iran là nhà cung cấp vũ khí lớn trên thế giới và đã chuyển giao nhiều khí tài cho các đồng minh và lực lượng ủy nhiệm nhiều năm qua, song mới chỉ được phép bán drone vũ trang và tên lửa đạn đạo trên thị trường quốc tế từ tháng 10/2023, thời điểm các lệnh cấm kéo dài 13 năm của Liên Hợp Quốc đối với hoạt động xuất, nhập khẩu các sản phẩm này của Iran hết hạn.

Cuối năm ngoái, Iran cũng đã công bố UAV Shahed-238, phiên bản nâng cấp sâu của dòng Shahed-136, mẫu UAV tự sát được cho là Nga đang sử dụng phổ biến tại chiến trường Ukraine.

Hiện Tehran chưa công bố đặc tính kỹ thuật chi tiết của Shahed-238, song giới phân tích nhận định UAV này sẽ có tốc độ và trần bay lớn hơn so với phiên bản Shahed-136 nhờ được trang bị động cơ phản lực tối tân và mạnh mẽ hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ