Sự thách thức ở trẻ em là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là ở lứa tuổi mới biết đi và thanh thiếu niên.
Không hẳn là thách thức
Theo các chuyên gia, sự chống đối là một phần bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Thái độ chống đối có thể được thể hiện qua các hành vi như cãi lại hoặc không vâng lời cha mẹ, giáo viên và những người lớn khác.
Ở trẻ em trong độ tuổi đi học, sự chống đối có nhiều khả năng được thể hiện ở dạng tranh cãi hoặc không làm điều gì đó mà phụ huynh yêu cầu. Hoặc, trẻ thực hiện điều đó rất, rất chậm, chứ không phải chỉ thể hiện sự giận dữ.
Tình trạng giận dữ có nhiều khả năng thường xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn. Trong những tình huống như vậy, trẻ có thể đang cố gắng kiểm soát một tình huống hoặc tuyên bố độc lập. Trẻ có thể đang thử nghiệm giới hạn. Hoặc trẻ có thể bày tỏ sự không thích đối với một nhiệm vụ được giao, như làm việc nhà.
Trong một số trường hợp, những gì có vẻ như là sự thách thức có thể chỉ đơn giản là do trẻ chậm chạp vì quá tập trung vào một hoạt động. Hiểu những gì đằng sau hành vi của trẻ là một phần quan trọng giúp các phụ huynh giải quyết vấn đề.
Hành vi thách thức kéo dài trong một thời gian và cản trở thành tích của trẻ ở trường cũng như mối quan hệ của chúng với gia đình hoặc bạn bè. Đó có thể là dấu hiệu của rối loạn thách thức chống đối (ODD).
Ở những trẻ mắc chứng ODD, sự thách thức thường đặc trưng bởi các hành vi, chẳng hạn như nổi cơn thịnh nộ hoặc hung hăng, thường có vẻ không phù hợp với lứa tuổi của bé.
Trẻ em mắc chứng ODD cũng có thể biểu hiện các vấn đề khác như trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Nếu nghi ngờ con mình có thể mắc chứng ODD, cha mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc cố vấn trường học để được trợ giúp và cung cấp thông tin.
Sự chống đối là một phần bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. |
Quản lý sự chống đối ở trẻ em
Nếu sự chống đối của trẻ không ở mức độ ODD, cũng như không bị ảnh hưởng bởi một số mối lo ngại tiềm ẩn khác, thì có nhiều cách để cha mẹ cải thiện hành vi đó.
Đặt kỳ vọng
Cha mẹ hãy đảm bảo rằng, mình hiểu rõ về các quy tắc và công việc trong nhà. Đồng thời, những quy tắc và nhiệm vụ đó phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Một đứa trẻ năm hoặc sáu tuổi có thể cảm thấy quá sức khi được yêu cầu dọn phòng. Do vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi trẻ từ chối làm việc đó. Chúng có thể hoàn thành công việc tốt hơn nếu phụ huynh chia thành những nhiệm vụ nhỏ, chẳng hạn như thu dọn đồ chơi trên sàn.
Tìm gốc rễ của hành vi
Phụ huynh hãy tìm nguyên nhân khiến trẻ chống đối và cố gắng theo dõi sự thách thức của con. Liệu, có những điều cụ thể nào đó mà trẻ không thích hoặc không muốn làm? Trẻ có tỏ ra thách thức khi mọi thứ bận rộn hoặc vội vã không?
Sau khi tìm nguyên nhân, phụ huynh có thể thực hiện các bước để điều chỉnh tình huống sao cho trẻ giảm dần xu hướng chống đối.
Giúp trẻ có hành vi tốt
Cố gắng tránh những tình huống trong đó trẻ có nhiều khả năng sẽ chống đối hoặc thể hiện những hành vi xấu khác. Ví dụ, nếu biết con mình có xu hướng cáu kỉnh khi có quá nhiều việc phải làm, cha mẹ hãy cố gắng không giao quá nhiều nhiệm vụ sau giờ học hoặc vào cuối tuần.
Nếu trẻ ghét sự thay đổi đột ngột, hãy cố gắng dành thêm một chút thời gian khi yêu cầu con chuyển từ việc này sang việc khác.
Đối xử với con theo cách cha mẹ muốn được đối xử
Giống như người lớn, đứa trẻ ngoan ngoãn bình thường có thể cũng cần ngày nghỉ. Trẻ có thể ở trong tâm trạng tồi tệ, hoặc cảm thấy choáng ngợp và cần thời gian nghỉ ngơi.
Hãy kiên quyết về những gì trẻ phải làm. Tuy nhiên, cha mẹ hãy nói chuyện với con một cách yêu thương và thấu hiểu. Khi cha mẹ làm gương tốt về cách bày tỏ ý kiến hoặc không đồng ý nhưng vẫn thể hiện sự yêu thương và tôn trọng, trẻ sẽ noi theo.
Tận dụng các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ
Khi đối phó với hành vi chống đối, cha mẹ có con trong độ tuổi đi học có một lợi thế khác biệt so với phụ huynh của những bé mới biết đi. Cụ thể, trẻ lớn hơn có thể nói ra những gì con nghĩ. Khi đó, cha mẹ hãy bình tĩnh thảo luận với trẻ về những gì con muốn. Sau đó, cố gắng tìm ra giải pháp phù hợp với cả hai bên.
Cha mẹ hãy bình tĩnh thảo luận với trẻ về những gì con muốn. |
Thiết lập các quy tắc cơ bản tuyệt đối
Hãy chắc chắn rằng, trẻ nắm rõ các quy tắc gia đình. Ví dụ, nói chuyện một cách thiếu tôn trọng là điều tuyệt đối không nên làm trong gia đình. Khi đó, cha mẹ hãy nói rõ rằng, hành động vi phạm sẽ dẫn đến hậu quả.
Cha mẹ sẽ không thỏa hiệp hay cho trẻ cơ hội thứ hai. Hãy chắc chắn chọn một hình phạt mà phụ huynh sẵn sàng thi hành, chẳng hạn như yêu cầu trẻ không xem tivi vào thời gian rảnh trong ngày. Hoặc, trẻ sẽ phải làm thêm việc nhà. Như vậy, trẻ sẽ không phớt lờ các yêu cầu của cha mẹ.
Thỏa hiệp khi có thể
Trẻ nhất quyết muốn mặc chiếc váy mùa Hè xinh xắn khi trời thu se lạnh? Thay vì tham gia vào một “trận chiến” cha mẹ hãy cố gắng thỏa hiệp, như yêu cầu trẻ mặc quần bó với váy.
Nói chung, cha mẹ nên nhượng bộ khi con muốn kiểm soát một thứ gì đó nhỏ nhặt.
Thảo luận tùy chọn
Đôi khi, một đứa trẻ có thể thể hiện hành vi thách thức vì chúng muốn nói nhiều hơn về thời điểm hoặc cách làm mọi việc. Một cách để giúp trẻ cảm thấy mình có nhiều quyền kiểm soát hơn là cho trẻ lựa chọn.
Ví dụ, sau khi thiết lập các quy tắc như: “Đồ chơi phải được cất đi”, cha mẹ hãy cùng trẻ xác định thời điểm con sẽ thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ, đồ chơi có thể được cất đi bất cứ lúc nào trước khi đi ngủ.
Ứng xử khi trẻ mắc ODD
Đôi khi tất cả trẻ em đều tỏ ra ngang ngược. Đó là điều bình thường. Song, những trẻ mắc chứng rối loạn thách thức chống đối hầu như lúc nào cũng tỏ ra ngang ngược. ODD là một chứng rối loạn hành vi bắt đầu trước khi trẻ lên 8 tuổi và kéo dài suốt những năm thiếu niên. Với sự can thiệp và điều trị sớm, các triệu chứng có thể được cải thiện.
Khi mắc chứng ODD, các vấn đề về hành vi của trẻ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Trẻ có khả năng gặp khó khăn trong giáo dục. Trẻ có thể bị tụt lại phía sau trong học tập do hành vi sai trái hoặc có thể không lên lớp do không chịu làm bài tập.
Trẻ em mắc chứng ODD cũng có xu hướng gặp khó khăn trong các mối quan hệ. Trẻ có thể đấu tranh để duy trì tình bạn do mức độ nghiêm trọng của các vấn đề hành vi. Hành vi của trẻ cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ với anh chị em và các thành viên khác trong gia đình.
Các triệu chứng của ODD là: Hung hăng; Đổ lỗi cho người khác về lỗi lầm; Cố ý làm phiền người khác; Cãi nhau quá nhiều với người lớn. Trẻ mắc ODD cũng thường xuyên giận dữ, nổi cơn thịnh nộ, từ chối tuân theo các quy tắc, cay nghiệt với người khác.
Không có một nguyên nhân nào cụ thể gây ra ODD, nhưng có một số giả thuyết khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, trẻ em mắc chứng ODD khi gặp khó khăn với việc phát triển quyền tự chủ trong những năm chập chững biết đi. Kết quả là trẻ tiếp tục thể hiện thái độ tiêu cực trong suốt những năm còn lại của tuổi thơ.
Trong khi đó, giả thuyết khác cho rằng, ODD đại diện cho hành vi trẻ muốn thu hút sự chú ý từ người lớn. Ví dụ, một đứa trẻ bị chú ý vì hành vi sai trái có thể có xu hướng tiếp tục hành động như vậy.
Các nghiên cứu ước tính, có từ 1 - 16% trẻ em trong độ tuổi đi học mắc chứng ODD. Bệnh phổ biến ở bé trai hơn bé gái. Đôi khi, ODD xảy ra cùng với các rối loạn hành vi hoặc vấn đề sức khỏe tâm thần khác, như ADHD, trầm cảm và lo lắng.
Nuôi dạy một đứa trẻ mắc chứng ODD đôi khi có thể khiến phụ huynh bực bội và mệt mỏi. Vì vậy, điều quan trọng là các cha mẹ phải tìm kiếm sự hỗ trợ cho chính mình. Cân nhắc việc tham gia nhóm hỗ trợ cùng với các cha mẹ khác có con mắc chứng ODD. Kết nối với những phụ huynh khác có thể cung cấp hỗ trợ tinh thần cũng như các nguồn lực thực tế. Phụ huynh có thể tìm hiểu những chiến lược và nguồn lực mà các cha mẹ khác thấy hữu ích nhất.
Một đứa trẻ mắc chứng ODD có thể cần các dịch vụ đặc biệt ở trường để kiểm soát hành vi. Do đó, phụ huynh hãy trao đổi với nhà trường về các lựa chọn để có thể hỗ trợ tốt nhất cho việc học của con mình.