John T. Cacioppo, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Chicago, chỉ ra rằng: “Điều quan trọng không phải là bạn đang sống một mình hay không, mà là bạn cảm thấy cô đơn hay không. Cô đơn là cảm giác có thể khiến một người kiệt cùng về cảm xúc”.
Một đánh giá về 70 nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy, những người cảm thấy cô đơn có nguy cơ tử vong cao hơn 26% so với những người không cảm thấy cô đơn.
Tuy nhiên, cô đơn không phải lúc nào cũng tiêu cực. Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew tại Hoa Kỳ cho thấy 85% số người được hỏi tin rằng ở một mình là “quan trọng” và 55% tin rằng nó “rất quan trọng”.
Có một sự khác biệt cơ bản giữa cô đơn và cô độc. Ở một mình là một khả năng tích cực, trong khi cô đơn là một trạng thái cảm xúc tiêu cực.
Kenneth Rubin, một nhà tâm lý học phát triển tại Đại học Maryland, tin rằng sự cô độc có lợi đòi hỏi một số điều kiện: tự nguyện, điều chỉnh cảm xúc hiệu quả, khả năng tham gia các nhóm xã hội bất cứ lúc nào và duy trì các mối quan hệ hỗ trợ với những người quan trọng khác.
Nếu chúng ta có thể làm chủ được khả năng ở một mình, chúng ta sẽ dễ dàng kết nối lại với chính mình trong sự cô độc và giải tỏa áp lực xã hội.
Nhưng làm thế nào để đối phó với sự cô đơn và nuôi dưỡng khả năng ở một mình? Dưới đây là 5 giải pháp hiệu quả:
Phát triển sở thích ở một mình
Hiểu xem bạn có thực sự thích ở một mình không và sắp xếp thời gian ở một mình một cách hợp lý. Một số người sinh ra đã thích ở một mình, trong khi những người khác cần phải dần thích nghi. Hiểu được sở thích của bản thân là điều kiện tiên quyết để nuôi dưỡng khả năng ở một mình.
Có rất nhiều người lầm tưởng rằng ở một mình sẽ rất cô đơn. Thực tế, cô đơn là cảm giác bị động khi chúng ta không nhận được sự quan tâm, yêu thương của người khác, còn một mình là khoảng thời gian và không gian mà chúng ta chủ động tạo ra cho bản thân.
Những ai đã quen ở một mình thường chín chắn hơn trong việc đối nhân xử thế, biết kiểm soát bản thân để trở nên hoàn thiện hơn. Ở một mình là một trong những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hiện đại.
Giữ liên lạc với những người quan trọng khác

Ngay cả khi bạn ở một mình, bạn vẫn nên duy trì tần suất giao tiếp nhất định với gia đình và bạn bè. Có thể là một bữa tối hàng tuần hoặc các cuộc gọi video thường xuyên. Những kết nối này khiến bạn cảm thấy “có ai đó bên cạnh” khi bạn ở một mình.
Tìm sự kích thích thoải mái
Ở một mình không có nghĩa là hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới. Bạn có thể chọn xem phim, đi dạo hoặc thử một vài sở thích mới. Điều quan trọng là tìm những hoạt động khiến bạn cảm thấy thoải mái và trọn vẹn.
Tăng cảm giác về mục đích sống
Ở một mình giúp bạn “có thêm” thay vì là “trừ bớt”. Nếu bạn cảm thấy cô đơn và trống rỗng, bạn cũng có thể đặt cho mình một số mục tiêu nhỏ, chẳng hạn như theo dõi quá trình hoa nở hoặc thú cưng lớn lên. Điều này sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa và giá trị trong sự cô đơn.
Chấp nhận sự cô đơn
Đôi khi, chúng ta rơi vào sự cô đơn một cách vô tình. Trong trường hợp này, đừng chống cự mà hãy cố gắng chấp nhận nó. Tập trung vào cảm xúc bên trong của bạn, biết đâu sẽ có sự tự khám phá bất ngờ nào đó.
Ở một mình là một kỹ năng đòi hỏi chúng ta phải luyện tập và trau dồi liên tục. Nhờ trải nghiệm ở một mình, chúng ta học cách tìm thấy chính mình trong sự cô đơn và cảm nhận sự hiện diện của người khác trong sự cô độc.
Cuối cùng, chúng ta có thể tìm thấy nơi mà chúng ta cảm thấy dễ chịu nhất, đạt được sự phát triển bản thân và sự bình yên nội tâm.