“Con trai em 21 tháng, cân nặng 12 kg, cao 86 cm. Bé đã đi nhà trẻ được 3 tháng. Tháng đầu tiên, bé phải nghỉ gần 20 ngày vì viêm họng và viêm phế quản. Tháng thứ 2 và 3 bé vẫn thường xuyên ốm, sốt và phải nghỉ ở nhà gần nửa thời gian. Bé còn có xu hướng biếng ăn và không tăng cân, thậm chí sút đi so với lúc trước khi đi nhà trẻ. Em rất lo lắng không biết có cách nào để tăng cường miễn dịch cho cháu, giúp cháu đi học mà đỡ bị ốm hay không” – Đây là tâm sự của Chị Hạnh ở Hà Nội cũng là lo lắng của nhiều bà mẹ lần đầu gửi con tới nhà trẻ.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ ốm, biếng ăn khi bắt đầu đi nhà trẻ là tình trạng phổ biến nhưng có thể khắc phục được nếu cha mẹ hiểu được nguyên nhân và có biện pháp phòng bệnh trước cho con.
Có ba nguyên nhân chủ yếu khiến bé dễ ốm khi bắt đầu đi nhà trẻ:
Đầu tiên là do cú shock về tâm lý khi lần đầu tiên trong đời bé rời xa vòng tay chăm sóc của cha mẹ, ông bà: Đa số các bé lần đầu đi nhà trẻ đều sợ hãi, khóc nhiều, bám mẹ, phản kháng và không chịu đến trường. Những căng thẳng tâm lý này khiến bé không muốn ăn, khóc đến khản đặc họng, tổn thương tâm lý và tác hại đến sức khỏe. Tiến sĩ Sigman thuộc Hiệp hội Y học Hoàng gia Anh cho biết việc trải qua những khoảng thời gian được người lạ chăm sóc trong những năm tháng đầu đời có thể làm tăng các loại hormone gây căng thẳng (stress) trong cơ thể bé. Việc tăng đột biến nồng độ chất cortisol này cũng liên quan đến giảm đề kháng của trẻ đối với các chứng viêm nhiễm hàng ngày, thậm chí có thể gây bệnh tim về lâu dài.
Thứ hai, việc cách ly và chăm sóc cho các bé bị ốm tại lớp thường rất khó khăn. Bé có thể dễ dàng bị nhiễm bệnh từ bé khác hoặc do cầm nắm, ngậm đồ chơi bẩn. Trong mùa dịch, các bệnh tay chân miệng, thủy đậu, sốt virus … cũng rất dễ dàng lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần.
Nguyên nhân thứ 3 làm cho bé mắc bệnh nhiều hơn, thời gian lâu hơn và hay tái đi tái lại khi bé bắt đầu đi trẻ chính là do hệ miễn dịch của bé chưa phát triển hoàn thiện, còn rất non yếu trước các tác nhân gây bệnh. Mặc dù trẻ sơ sinh nhận được các kháng thể miễn dịch từ sữa mẹ nhưng lượng kháng thể này sẽ giảm đi nhanh chóng khi trẻ qua 6 tháng hoặc bắt đầu ăn dặm.
Hệ thống miễn dịch của trẻ lúc này chưa quen chống chọi với các tác nhân gây bệnh từ môi trường bênh ngoài, khả năng tiêu diệt các tác nhân ngoại lai kém, nồng độ các kháng thể trong máu thấp hơn so với người lớn.
Ở giai đoạn sơ sinh, các thực bào hay còn gọi là bạch huyết cầu của trẻ có khả năng bám dính và thay đổi hình dáng kém, chúng di chuyển chậm và khả năng hoạt động còn rất hạn chế. Bổ thể cùng với các kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhiễm của vật ngoại lai.
Ở trẻ sơ sinh đủ tháng, bổ thể cũng chỉ đạt 50 - 60% nồng độ bổ thể huyết thanh của người lớn. Ở trẻ đẻ non, nồng độ bổ thể huyết thanh còn thấp hơn nhiều. IgG là kháng thể phổ biến nhất trong máu, sữa non và các dịch mô. Nó có chức năng phản ứng lại với những cấu trúc hoặc vật chất lạ, tập trung hóa hoặc vô hiệu hóa ảnh hưởng của những cấu trúc, vật chất lạ đối với cơ thể. Nồng độ IgG ở trẻ chỉ đạt được nồng độ của người lớn lúc trẻ 5 – 6 tuổi. Chính vì hệ miễn dịch còn non yếu như vậy, trẻ dễ dàng mắc bệnh khi chuyển sang môi trường mới, nhất là các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tai mũi họng, các bệnh do virus …
Vậy làm thế nào để tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho trẻ chuẩn bị đi nhà trẻ?
Cha mẹ nên chú ý tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho bé ngay trước khi bé bắt đầu đi nhà trẻ ít nhất một tháng.
Mẹ nên chọn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến dạng lỏng và chia làm nhiều bữa ăn nhỏ để giúp bé hấp thụ được tốt hơn. Nên cho bé hoạt động thể chất ngoài trời mỗi ngày từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng hoạt động thể chất hằng ngày giúp tăng sinh các tế bào và kháng thể miễn dịch trong cơ thể trẻ.