Làm sao lấy lại nồng nhiệt ban đầu khi hôn nhân phai nhạt cảm xúc?

GD&TĐ - Hôn nhân của chúng tôi đã gặp một số trở ngại lớn, có lúc tưởng chừng chẳng thể vượt qua.

Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu cam đảm, bao nhiêu quyết tâm, bao nhiêu cảm xúc, bao la tình, để rồi cuối cùng sóng gió đã nguôi ngoai, thử thách đã vãn hồi. Đám cưới giản dị nhưng ấm cúng và lần lượt 2 con ra đời.

Hạnh phúc ban đầu khi yêu đến từ những điều đơn giản. Cái nắm tay, ôm siết, nụ hôn… Những điều giản dị đã làm cho cả hai say sưa trong giấc nồng tình ái. Mọi vui buồn đều có nhau, chia sẻ và thấu hiểu. Tôi tự hào vì có được người yêu như thế, người ấy hạnh phúc vì có tôi.

Thế rồi, sau những tháng năm hạnh phúc đó, sau khi cưới, dần dần tôi cảm giác mất dần xúc cảm, không còn hồi hộp, mong chờ hoặc nhớ nhung nhiều như lúc trước nữa. Thực sự không biết rõ lý do vì sao lại vậy. Không phải vì có ai khác, cũng không phải vì người ấy không tốt... anh vẫn thế, vẫn tốt, vẫn nhiệt tình và vẫn rất yêu.

Chỉ là ở phía tôi, những mặn nồng của thuở nào đã bị thay thế bằng những lạnh nhạt một cách không chủ ý. Tôi không còn say đắm với những cuộc hẹn hò, không còn cảm giác hồi hộp và sung sướng mỗi khi bên nhau nữa.

Ngồi bên vợ mà khoảng cách cứ như cả một khoảng trời xa, tim không còn đập loạn nhịp khi gần gũi. Những nụ hôn nồng nhiệt xưa kia giờ chỉ là những cái hôn gió. Những xiết chặt xưa kia trở nên hờ hững. Có lẽ, yêu thương chưa hẳn là hết, song yêu thương ấy không còn say men nồng, nó đã bị nguội lạnh và chỉ còn chút tàn dư mà thôi.

Có lúc nhạt cảm xúc nhưng đừng bi quan (hình minh họa).

Có lúc nhạt cảm xúc nhưng đừng bi quan (hình minh họa).

Tình yêu và hôn nhân thật kì lạ, nay tưởng chừng như thiếu nhau, không thể sống nổi nếu không được bên nhau, nhưng mai lại có thể chán nhau ngay được. Đã từng có lúc tôi si mê và nghĩ rằng tương lai sẽ còn nhiều hơn nữa. Phải chăng vì sự yêu thương quá nhiều như thế nên giờ đây là cảm giác chán chường, lạnh nhạt?

Tôi không phải kẻ đa tình. Cũng chẳng phải “cả thèm chóng chán”, càng không phải “đứng núi này trông núi nọ”, mà chỉ đơn giản, cảm xúc tình yêu dường như đi du ngoạn đâu đó. Bỏ lại cái vỏ ngoài một hình hài miễn cưỡng bên nhau. 

Thế mới biết, chẳng bao giờ có chuyện người ta sẽ yêu thương nhau cả đời một con người - Đó chính là sự nghiệt ngã của tình yêu trong hôn nhân!

Tôi cũng như bạn, đừng giả vờ lên gân cốt, đừng giả bộ chuyên chính thủy chung, đừng hô hào rằng tình yêu là vĩnh cửu, là sống mãi, là đắm say bất tử. Chỉ có giây phút đang được sống, được trải nghiệm trong tình yêu mới chính là bất tử mà thôi. Đó là khoảnh khắc, là thời gian cảm nhận sự run rẩy, tan chảy và thăng hoa trong nhau.

Ông trời ban cho loài người có cảm xúc run rẩy trong ngất ngây, có sự tinh tế trong dâng trào khi cảm xúc mạnh. Đồng thời ông trời cũng nghiệt ngã ban cho họ cảm giác tẻ nhạt, ngao ngán khi nhàm chán và sự bứt dứt, khó chịu, ghê sợ trong gượng ép cảm xúc.

Việc cứ lặp đi lặp lại bộ mặt ấy, hình dáng ấy, hành động ấy, cách ứng xử làm tình ấy, điệu bộ lên đỉnh ấy… làm cho người ta mất dần cảm giác thích thú, thậm chí thấy nhạt nhẽo đến đáng sợ.

Sự nhạt nhẽo, nhàm chán trong tình yêu đôi khi rất đúng với một cuộc làm tình. Có giai đoạn dạo đầu – giai đoạn hồi hộp nhất, nâng niu nhất để khơi dậy sự ham muốn. Giai đoạn đầu của tình yêu cũng là lúc người ta hấp dẫn nhau nhất, muốn khám phá, muốn tìm hiểu xem đối phương cuốn hút ở điểm nào.

Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn dồn dập trong cuộc truy hoan, muốn dâng hết tinh binh sinh lực cho người tình mà không cần biết sức lực đó bỏ ra tốn bao nhiêu calo và sự an toàn cần được quan tâm, miễn sao để cảm nhận vị sung sướng bản thân và mang đến sự thèm muốn tột độ cho đối tác. Có thể ví giai đoạn này trong tình yêu là khi biết rõ nhau, hiểu rõ nhau, làm cho nhau vui, được ví như giai đoạn đỉnh của tình yêu, là khi có nhu cầu bên nhau nhiều hơn.

Giai đoạn kế tiếp là đỉnh điểm của thăng hoa, cao trào lên vút, sướng muốn rên rỉ, chạm max và rồi “rơi bịch” một cái, tụt xuống hố sâu chơi vơi. Trong cảm xúc, đây là giai đoạn buồn chán nhất, hết vị, hết muốn khám phá.

Rất may ở chỗ là sau một cuộc làm tình, người ta khi được hồi sức, khi được ăn uống no đủ, được tái tạo năng lượng, người ta lại có nhu cầu cho cuộc làm tình mới.

Thế nên, trong tình yêu hôn nhân, đôi khi người ta có cảm giác chán nản, nhưng chưa chắc phải là điều tồi tệ. Đôi khi, tình yêu trong hôn nhân cần phải ngừng lại một thời gian để làm mới hoặc để “hồi sức”, lâu hay nhanh thì tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh.

Đừng cố chấp bằng được rằng tình yêu là mãi mãi đắm say, tình cảm sẽ có thể càng thêm nhạt nhòa. Tình yêu đôi khi cũng cần những khoảng lặng để nạp thêm năng lượng duy trì và nuôi dưỡng, phát triển bền vững.

Chán nhưng đừng vội buông tay! Gặp nhau đã khó, yêu nhau càng khó, giữ được bên nhau lại còn khó gấp bội phần.

Câu chuyện sớm yêu, chiều chán thực ra là lẽ thường tình. Đừng quá shock vì một sự thật hiển nhiên. Đừng lý tưởng hóa tình yêu trong hôn nhân, đừng giả vờ lừa dối cảm xúc bản thân, cũng đừng trách tình bạc bẽo.

Thật ra, mỗi một mối tình đều phải trải qua thăng trầm, thậm chí đau đớn nức nở. Khi quá nhàm chán, người ta sẽ dễ bị lôi kéo vào một cuộc vui nào đó mà không có đối phương bên cạnh. Cuộc vui đó có thể là đi chơi xa, có thể là đám đúm cùng đám bạn thời phổ thông, có thể là một mình đóng kín cửa tự kỷ với ly cà phê. Tuy vậy, dù có lúc nào đó từng chán cũng đừng vội quá đau lòng và đổ lỗi cho người kia.

Đó là chuyện tự nhiên mà chúng ta cần phải hiểu về quy luật của cảm xúc để có những ứng xử thích hợp cho bản thân và cho người! Và tôi may mắn hiểu được điều ấy, nên dẫu cho năm lần bảy lượt chán chường, tình yêu đến nay vẫn ngang nhiên sống tốt, hôn nhân vẫn sừng sững hơn 20 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.