Những điều các cặp đôi nhất định phải nhớ nếu muốn hôn nhân hạnh phúc

GD&TĐ - Để có cuộc hôn nhân hạnh phúc, trong cuộc sống hàng ngày các cặp đôi nhất định phải nhớ những điều này.

Những điều các cặp đôi nhất định phải nhớ nếu muốn hôn nhân hạnh phúc

Hôn nhân muốn hạnh phúc thì yêu cầu nhiều khía cạnh khác nhau nhưng trong đó có một số điều mà nhất định các cặp đôi phải nhớ: Đó là đừng bao giờ chuyện nhỏ biến thành to, cứng nhắc trong trách nhiệm, bỏ mặc không cố gắng, không thống nhất trong cách nuôi dậy con cái và không đứng vững lập trường.

“Bé xé ra to”

Trong cuộc sống, hai người từ hai hoàn cảnh khác nhau, trở thành người một nhà sau ngày cưới. Thế nên, làm sao có thể hòa hợp ngay lập tức. Luôn có những điều nhỏ nhặt trong mối quan hệ có thể khiến bạn phát điên.

Vợ/chồng của bạn sẽ làm những điều mà bạn không thích hoặc không hiểu. Hai người sẽ dẫn đến bất đồng, rồi từ việc nhỏ xíu (ví dụ như để giày dép không đúng nơi quy định; kem đánh răng để văng vãi…), họ không bỏ qua cho nhau “xé thành to” rồi có khi lăng mạ, cãi vã.

Đừng vì chuyện nhỏ mà phá hỏng hôn nhân (hình minh họa).

Đừng vì chuyện nhỏ mà phá hỏng hôn nhân (hình minh họa).

Khi để đến những điều nhỏ nhặt – người ta đã vô tình trở nên lấn át hết điểm tốt đẹp ở đối phương. Dường như người ta chỉ thấy đối phương bừa bộn, lôi thôi, luộm thuộm, mà không thấy rằng người ấy có đức tính nhân hậu, đặt gia đình là số 1.

Chưa hết, cãi vã vì điều nhỏ nhặt ban ngày, rồi ban đêm lại dằn vặt nhau, làm cho đêm dài mất ngủ, sáng sớm hôm sau mệt mỏi, không muốn đi làm nhưng vì ghét nên chỉ muốn “đi cho khuất mắt nhau”. Một lần đã đành, rồi cứ thế lần sau, lần sau nữa lặp lại, kết quả là hôn nhân không còn chỗ cho vui vẻ, hạnh phúc.

Không linh hoạt vai trò của mỗi người

Tâm niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” là tốt để lo cho gia đình mình luôn hiện diện tiếng cười. Đàn ông được cho là làm những việc nặng, còn phụ nữ thì đảm đang việc nhẹ nhàng như cơm nước, phơi đồ… Thế nhưng, đừng cứng nhắc, thi thoảng, cần đổi vai cho nhau càng tốt. Hãy làm quen với điều ấy để không phải rơi vào tình trạng bất ngờ nếu chẳng may thiếu vắng một người.

Các cặp đôi muốn hạnh phúc cần hiểu rằng, khi đã về một nhà, đều cần phải linh hoạt trong chia sẻ trách nhiệm. Đừng nghĩ rằng “cô ấy mạnh mẽ rồi thì cần gì phải giúp đỡ. Việc cô ấy xách nước có gì mà không làm được”. Chồng có khi nề hà làm những việc “của đàn bà” khi vợ vắng nhà và ngược lại, khi đàn ông vắng nhà thì phụ nữ cứ chờ anh ta về khi bóng điện bị cháy. Cứ thế thụ động mà không gọi ai đến nhờ vả hoặc thuê làm.

Mới yêu nhau còn thích e ấp, nương tựa để cho thi vị nhưng khi lấy nhau rồi, lại cần linh hoạt chủ động. Vợ đi làm về trễ thì chồng có thể nấu cơm thay. Chồng bận thì vợ có thể đem xe ra hàng rửa. Không tự nguyện có trách nhiệm, không tự nguyện phân chia, thì làm sao có bao dung. Không có bao dung, hôn nhân làm sao bền chặt.

Không nỗ lực cố gắng

Bất cứ mối quan hệ nào cũng cần phải cố gắng, dù ít dù nhiều. Cố gắng ở đây bao gồm nhiều khía cạnh: cố gắng hiểu nhau, cố gắng gạt bỏ cái tôi, cố gắng dung hòa, cố gắng thu hút đối tác của mình hoặc khiến họ muốn ở bên mình cả đời, cố gắng tạo niềm vui từ những điều giản dị.

Nếu hôn nhân không có vun vén của cả hai, sớm hay muộn cũng sẽ gặp rắc rối. Có rất nhiều cặp đôi xem hôn nhân như thử nghiệm cuộc sống, không cần cố gắng, không cần bón chăm. Kết quả là hôn nhân bị trôi dạt, bị phó mặc và đương nhiên, chỉ có theo chiều hướng xấu. Đừng rơi vào trạng thái tự mãn khi  cho rằng "cô ấy biết cảm giác của tôi" hoặc "anh ấy biết rằng tôi yêu anh ấy" nên không còn cố gắng hoặc chủ động làm những điều cho người kia thấy tình yêu ấy như thế nào. Kết quả, họ dần thấy nhạt đi trong mắt nhau, rồi nhìn thấy người hàng xóm tốt đẹp hơn. Hôn nhân lúc ấy thật tồi tệ.

Không đứng cùng phe trong nuôi dạy con cái

Không cần biết hai người lúc trước như thế nào nhưng khi có con, điều quan trọng là cùng phải luôn ở cùng một đội, về cùng một phe. Hai người nếu không thống nhất được cách dạy dỗ con cái, khả năng cao là con sẽ khó kính trọng cha mẹ và vâng lời người lớn.

Nếu một người nói “con phải học bài mới được đi chơi” thì người kia đừng bao giờ lại lên tiếng “thôi đi mà, nghỉ một buổi đi chơi thì có sao”. Hoặc khi vợ nói “con không nên mặc phong phanh thế kia. Trời đang mưa bão” thì chồng chớ có nói “con trai sợ gì lạnh, mẹ mày chỉ lo xa”. Điều đó có nghĩa là nếu chẳng may một người có nói rồi thì phải ngầm thống nhất câu nói tiếp theo của người còn lại.

Cả hai cần phải thể hiện thống nhất và cùng nhau chống lại bất cứ điều gì xảy ra theo cách phản kháng của con cái. Nếu không, cả hai sẽ gặp phải vấn đề, sau này con sẽ không coi trọng tiếng nói của bố mẹ.

Không đứng vững lập trường

Nếu chẳng may bạn nghe được câu nói người ngoài nhận xét về vợ/chồng của mình như “vợ cậu nhìn kém hình thức hơn cậu”; “chồng bạn không galăng”.. bạn lập tức cảm thấy tồi tệ “ừ nhỉ, đúng là vợ mình không xinh thật”; “đúng rồi, chồng mình không ga lăng, không lãng mạn, không tặng hoa tặng quà nhiều cho mình”.

Bạn không có lập trường. Nếu bạn chê vợ/chồng mình và thấy họ xấu, họ không lãng mạn thì ngay từ ban đầu, cưới nhau làm gì để rồi sau này nghe người ngoài nhận xét mới thấy buồn? Trở về nhà, bạn gây gổ hoặc cà khịa với đối phương cho bõ tức. Vô tình, tự bạn gây ra cãi vã, làm cho hôn nhân mất vui.

Bạn không nghĩ rằng, dù đã lấy nhau rồi thì phải chịu trách nhiệm cho những gì bạn đã quyết định. Sự thật là, mối quan hệ của bạn cần phải là thứ phù hợp với bạn. Nếu bạn chấp nhận về chung một nhà, có nghĩa là đã chấp nhận về cô ấy không xinh như hoa hậu hoặc anh ta không lãng mạn như tài tử điện ảnh. Một khi lập trường không vững vàng, hôn nhân sẽ ngày một ngày hai trở thành gánh nặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.