Văn chương có vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ. Văn chương mang lại cho trẻ tình yêu với cuộc sống và con người.
Cha mẹ phải biết tạo hứng thú cho trẻ trong việc nghe, đọc tác phẩm văn chương. Từ đó, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ cũng như trí sáng tạo.
Làm quen với văn chương từ nhỏ
Văn học là một loại hình nghệ thuật mang tính sáng tạo gần gũi gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người từ thuở ấu thơ. Văn học phản ánh cuộc sống và thế giới xung quanh chúng ta thông qua các bài ca dao, đồng dao, bài thơ, câu chuyện. Làm quen với văn học là yếu tố đóng có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục và phát triển về mọi mặt cho trẻ.
Các chuyên gia cho biết, để trẻ làm quen với văn chương từ nhỏ sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục và phát triển về mọi mặt cho các bé. Việc cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học từ nhỏ sẽ là phương tiện giáo dục tốt nhất, mang lại cho các bé những cảm xúc lành mạnh. Đồng thời, hình thành ở trẻ những tình cảm đạo đức tốt đẹp, giúp các bé phát triển khả năng ghi nhớ, trí tưởng tượng sáng tạo, làm giàu vốn từ và phát triển ngôn ngữ. Từ đó, tạo điều kiện để trẻ tiếp thu các môn học khác một cách dễ dàng.
Chị Dương Thuý Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội), có con học tiểu học chia sẻ: “Ngay từ nhỏ, gia đình tôi đã chú trọng tới việc để con làm quen với văn chương. Thực tế, đến với mỗi câu chuyện, bài thơ là trẻ lại được bước vào một thế giới vừa thực, vừa ảo, với bà tiên, ông bụt, cùng những nhân vật đáng yêu và cả đáng ghét.
Tôi cho rằng, việc tạo cho con được tiếp xúc với văn chương từ nhỏ, không những giúp trẻ nhận thức thế giới xung quanh mà còn phát triển khả năng tư duy, chú ý, ghi nhớ”.
Theo chị Quỳnh, nhờ cho con làm quen với văn chương từ sớm, khả năng ngôn ngữ của bé Đậu nhà chị được phát triển mạnh mẽ. Thông qua các câu chuyện với ngôn ngữ giàu hình ảnh, vốn từ của bé cũng phong phú hơn. Ngay từ khi 4 tuổi, Đậu đã có thể nói đủ câu, rõ ràng, mạch lạc. Thậm chí, bé còn nhớ những câu thơ, nội dung truyện được nghe và kể lại cho ông bà.
Trong khi đó, phụ huynh Ngô Quỳnh Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết thường mua truyện thiếu nhi cho con đọc và gợi ý cho trẻ học cách tả con vật sao cho sinh động, ngộ nghĩnh.
Theo nữ phụ huynh này, việc khuyến khích con chăm đọc sách, cùng trẻ quan sát mọi thứ xung quanh sẽ giúp bé học văn tốt hơn, vốn từ cũng được mở rộng.
“Các cô bác xung quanh thường trêu đùa con tôi rằng, mẹ văn vẻ, thơ phú thế thì kiểu gì con chả giỏi văn giống mẹ. Tôi nghĩ, bất cứ cha mẹ nào cũng có thể giúp con phát triển ngôn ngữ nếu chúng ta hướng dẫn con cách quan sát, ngắm nghía đồ vật, cây cối, vật nuôi xung quanh, chỉ cho con biết cây cối thay đổi theo mùa, con vật ngộ nghĩnh đáng yêu ra sao và nhất là lúc dạy con thì đừng quát mắng trẻ”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.
![Phụ huynh nên tạo lập cho con thói quen đọc sách ngay từ nhỏ. Ảnh minh họa. cung-con-me-van-hoc3.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/01d9bdbe00638231f04160fb3645397487cefefa6502560fdde3ed703b42f54a826b53b48bf6543999310bae5225c7f0c8252cd66da87c280a236b269b817d13/cung-con-me-van-hoc3.jpg)
Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ
Theo giáo viên Ngô Thị Kim Cúc - Trường Mầm non Tây Đằng (Hà Nội), các câu chuyện, bài thơ mà trẻ tiếp xúc còn là những bài học giáo dục đạo đức, thẩm mỹ cho các bé. Ở lứa tuổi mẫu giáo nói chung, nhất là các bé lớp 3 - 4 tuổi, trẻ chưa biết đọc, viết. Do đó, trẻ dựa vào ngôn ngữ, lời nói của cô giáo, kết hợp với đồ dùng trực quan trong tiết học.
Qua đó, trẻ có thể tìm tòi, khám phá mọi sự vật hiện tượng xung quanh. Ở lứa tuổi này, trẻ cũng thường xuyên đặt ra những câu hỏi như: Tại sao? Cái gì? Ai? Vì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra?… để người lớn trả lời. Do đó cô giáo giữ một vị trí vô cùng quan trọng, là người bắc nhịp cầu nối để đem các tác phẩm văn học đến với trẻ.
Theo giáo viên Nguyễn Hương Ly - Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội), văn học có vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em cả về ngôn ngữ, đạo đức, trí tuệ, tình cảm và thẩm mỹ: “Ở lứa tuổi mầm non cũng như tiểu học, với tâm hồn non nớt, trẻ chưa có nhiều trải nghiệm, nhận thức về thế giới xung quanh. Vì vậy, văn học thiếu nhi góp phần rất lớn hình thành nên tính cách, tạo nên “thế giới quan” sơ khai cho trẻ, giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp về một thế giới bao la đầy âm thanh, màu sắc và sự huyền bí”.
Giáo viên Hương Ly dẫn chứng, trong truyện cổ tích, trẻ được gặp ông Bụt, bà Tiên tốt bụng với những phép biến hóa thần thông, những nàng công chúa xinh đẹp, chàng hoàng tử thông minh, can đảm… Trong truyện, trẻ lại gặp lối nhân hóa và sự tưởng tượng nghệ thuật. Ở đó, các con vật, cỏ cây, hoa lá hiện lên một cách sinh động, thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc giữa con người với thiên nhiên. Trẻ thơ vốn đã sẵn trong đầu trí tưởng tượng phong phú nên khi gặp những yếu tố kì ảo, đẹp đẽ trong các tác phẩm văn học thì trí tưởng tượng ở trẻ càng được thăng hoa. Từ đó, giúp các em phát triển trí tuệ và thưởng thức cái đẹp, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế hơn.
![Cha mẹ có thể tác động đến nhân cách trẻ em thông qua con đường văn học. Ảnh minh họa. cung-con-me-van-hoc-2.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/01d9bdbe00638231f04160fb3645397487cefefa6502560fdde3ed703b42f54ab7ece68d7d56605a4e200f9060bcc1cca8904041fc31274acb4faf5c0a71469e/cung-con-me-van-hoc-2.jpg)
“Văn học thiếu nhi có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ, cung cấp cho trẻ một vốn từ ngữ khổng lồ, đặc biệt là những từ ngữ nghệ thuật. Vì vậy, khi trẻ thường xuyên tiếp xúc với các tác phẩm văn học, vốn từ ngữ của trẻ phong phú và sống động hơn. Từ đó, trẻ tự hình thành cho mình khả năng diễn đạt vấn đề một cách mạch lạc, giàu hình ảnh và biểu cảm. Đối với trẻ mầm non, sự phát triển ngôn ngữ ấy thể hiện qua hoạt động bắt chước lời nói, việc làm của các nhân vật hoặc cách diễn đạt trong tác phẩm”, giáo viên Hương Ly chia sẻ.
Theo cô Nguyễn Hương Ly, quá trình trẻ được nghe kể chuyện, thơ và được trực tiếp tham gia vào hoạt động đọc, kể lại truyện, thơ sẽ giúp các em tích lũy và phát triển thêm nhiều từ mới. Điều này giúp cha mẹ có thể dễ dàng hơn trong việc rèn luyện khả năng biểu cảm ngôn ngữ nói, ngôn ngữ miêu tả, ngôn ngữ đối thoại với trẻ.
“Văn học thiếu nhi có nội dung phù hợp với thị hiếu, tâm lý trẻ thơ và hướng dẫn tới cái đẹp chân - thiện - mỹ. Việc phát huy phương tiện giáo dục này có lẽ là một điều cần thiết để làm thay đổi những cách giáo huấn khô khan, những lời dạy dỗ cứng nhắc song ít hiệu quả mà lâu nay chúng ta vẫn áp dụng với trẻ. Vì thế, trong môi trường giáo dục gia đình, cha mẹ cần tác động đến nhân cách trẻ em thông qua con đường văn học”, nữ giáo viên nhận định.
Trẻ em ở lứa tuổi mầm non chưa biết đọc, biết viết nên việc tiếp xúc với văn học thiếu nhi chủ yếu là qua lời đọc, lời kể của ông bà, cha mẹ, thầy cô... Điều quan trọng là cha mẹ phải biết cách tạo hứng thú cho trẻ với việc đọc sách. Phụ huynh cũng cần nắm được những đặc điểm tâm lý của con để chọn những tác phẩm phù hợp với tính cách trẻ.
Văn học thiếu nhi có có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Mảng văn học cung cấp cho trẻ thơ một vốn từ ngữ khổng lồ, đặc biệt là những từ ngữ nghệ thuật. Khi trẻ thường xuyên tiếp xúc với các tác phẩm, vốn từ ngữ của các em phong phú và sống động hơn. Các em tự hình thành cho mình khả năng diễn đạt mạch lạc, giàu hình ảnh và biểu cảm. Bởi, khi tiếp xúc với tác phẩm văn chương, các em đã vô thức học được cách diễn đạt sinh động của tác giả.
Chia sẻ về phương pháp giáo dục văn học cho trẻ, giáo viên Nguyễn Hương Ly cho biết: “Với các bé mầm non, cha mẹ cần tác động đến nhân cách trẻ qua con đường văn học. Đặc biệt, cần quan tâm đến sở thích của trẻ. Những hình tượng nghệ thuật giàu giá trị nhân văn kết hợp vần điệu, nhạc điệu trong tác phẩm sẽ gây được những ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn trẻ. Điều quan trọng là cha mẹ phải biết gây hứng thú với trẻ trong việc nghe, đọc tác phẩm văn chương”.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần tạo lập cho con thói quen đọc sách ngay từ nhỏ. Lưu ý, cần chọn nội dung văn học phù hợp với trẻ. Bởi, trẻ nhỏ đặc biệt được kích thích bởi những câu chuyện có màu sắc sặc sỡ, hình khối đa dạng, và không quá nhiều chữ. Phụ huynh cũng có thể đọc sách cùng trẻ. Đồng thời, tạo ra môi trường đọc sách phù hợp, ví dụ: Khoảng không gian đọc, nơi có kệ sách gia đình.
Sau đó, cha mẹ nên đặt câu hỏi, tương tác gợi nhớ những tác phẩm trẻ đã nghe, đọc.
“Văn chương giúp hình thành tâm lý và hướng trẻ tới cái đẹp chân - thiện - mỹ. Điều quan trọng là cha mẹ phải biết cách tạo hứng thú cho trẻ với việc nghe, đọc sách. Cần nắm được những đặc điểm tâm lý của trẻ để chọn những tác phẩm phù hợp với tính cách các bé”, nữ giáo viên cho biết.