Làm sao để 'thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội' không… nằm trên giấy?

GD&TĐ -Vấn đề thu phí phương tiện ô tô vào nội đô Hà Nội đang được dư luận đặc biệt quan tâm, thu hút ý kiến phản biện xã hội.

Việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội có giảm tắc đường giờ cao điểm?
Việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội có giảm tắc đường giờ cao điểm?

Câu chuyện được đặt ra là đề án này cần thiết thực, có tính khả thi, không dừng lại… trên giấy, không gây lãng phí cho nguồn lực xã hội.

Phương án dựng gần 100 trạm thu phí

Theo Sở GTVT Hà Nội, năm 2017, HĐND thành phố có Nghị quyết 04 thông qua đề án: Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án này, Hà Nội xác định có 37 giải pháp để xử lý vấn đề trên.

Trong đó, có giải pháp xây dựng đề án: Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào (sau đây tạm gọi là thu phí ô tô vào nội đô - PV).

Sở GTVT Hà Nội giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố (Tramoc) nghiên cứu và xây dựng đề án. Tramoc ký hợp đồng tư vấn với Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải thuộc Trường Đại học GTVT để nghiên cứu và xây dựng đề án.

Kết quả nghiên cứu sau đó đưa ra phương án thực hiện bên trong đường vành đai 3. Lộ trình thực hiện của đề án được chia làm 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện thí điểm thu phí theo điểm (theo vị trí) nhằm giảm lưu lượng xe ô tô từ xa. Mục tiêu làm giảm tình trạng ùn ứ giao thông trên một số trục chính. Các vị trí thu phí gồm có các đường và tuyến phố: Trần Duy Hưng, Giải Phóng, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Ngô Gia Tự, QL 1A… Tổng cộng trong giai đoạn này dự kiến xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí.

Giai đoạn 2 được khởi động sau khi thí điểm, đánh giá việc thu phí giai đoạn 1 mang lại hiệu quả. Giai đoạn này tiếp tục đầu tư xây dựng 59 cổng thu phí tại 46 vị trí. Mục tiêu mở rộng thu phí toàn bộ đường vành đai 3 phía bờ Nam sông Hồng.

Giai đoạn 3 sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 13 cổng thu phí tại 13 vị trí nhằm mở rộng khu vực thu phí sang bờ Bắc sông Hồng.

Sau giai đoạn 3, dự kiến cũng sẽ có 68 vị trí với 87 cổng thu phí. Vị trí các cổng thu phí đặt bên trong ranh giới khu vực thu phí (bố trí trên các đường hướng tâm từ bên ngoài vào trung tâm thành phố) để các phương tiện quá cảnh lưu thông trên vành đai không phải trả phí.

Nhiều nghi ngại, phản biện cần được lắng nghe

Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong quá trình xây dựng đề án Tramoc cùng đơn vị tư vấn đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực liên quan. Quan điểm chung là để thu phí ô tô vào nội đô phải triển khai các điều kiện về công nghệ, năng lực vận tải công cộng và kết cấu hạ tầng giao thông.

Trước tiên là phải bảo đảm điều kiện về công nghệ thu phí (số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng giao thông…) không gây ùn tắc giao thông tại các khu vực thu phí.

Vận tải công cộng phải có năng lực đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại của người dân. Điều này có ý nghĩa: Để người đi xe ô tô cá nhân có thể chuyển đổi phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.

Theo kết quả điều tra xã hội học của Tramoc cho thấy, khoảng 22.300 đồng/lượt là mức phí người dân chấp nhận được. Phương án tổ chức giao thông theo Tramoc đưa ra: Trước khi xe tới các cổng thu phí sẽ có các biển báo cảnh báo, chỉ dẫn cho người điều khiển phương tiện biết rằng họ sắp đi vào khu vực thu phí.

Phương án cũng đề cập đến việc kết nối giao thông tại các điểm trung chuyển, các điểm dừng xe buýt phục vụ vùng thu phí, phân luồng, tổ chức giao thông, bố trí các bãi đỗ xe và trung chuyển (bãi Park&Ride - P&R).

Trước thông tin thu phí ô tô vào nội đô, anh Bùi Minh Thiện (trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho rằng: Giao thông công cộng tốt, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại.

“Công việc của tôi thường xuyên vào nội thành. Nếu đi ô tô ngoài lo tắc đường tôi còn lo phí gửi xe. Vì vậy, thu phí vào nội đô sẽ rất tốn kém cộng tắc đường, chưa kể nếu gửi xe bên ngoài có bảo đảm việc kết nối phương tiện công cộng không, hay sinh ra nhiều loại phí? Nếu vận tải cộng cộng bảo đảm thuận tiện thì lãnh đạo thành phố Hà Nội mới nên tính đến đến chuyện thu phí vào nội đô...

Xây dựng đề án thì phải bảo đảm tính thực tiễn, có tính khả thi cao. Tôi nghĩ buýt nhanh là một bài học để lãnh đạo Hà Nội nhìn nhận, tránh việc tốn kém nguồn lực của thành phố, của xã hội”, anh Thiện bày tỏ.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, giao thông công cộng hiện đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cũng nêu rõ quan điểm là: Để triển khai thu phí sẽ không đơn giản và phải đối mặt với hàng loạt bài toán khó. Trong đó tiền đề quan trọng nhất để triển khai được là vận tải công cộng phải đáp ứng đến ngưỡng nào đó. Bởi giao thông công cộng là nguyên tắc là phải có lựa chọn thay thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.