Thu phí vào nội đô

GD&TĐ - Phương án thu phí phương tiện vào nội đô mà Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất một lần nữa lại vấp phải phản đối của cả giới chuyên gia và người dân.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Phản ứng này là dễ hiểu và lý do không phải chỉ bởi đề xuất này chạm tới túi tiền của người dân.

Nói “một lần nữa” là bởi Hà Nội đã nhiều lần cho thấy quyết tâm sẽ thu phí phương tiện xe cá nhân vào thành phố nhưng không thành. Lần này, Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” (do đơn vị tư vấn Đại học Giao thông Vận tải xây dựng) đề xuất lập 87 trạm thu phí ở vành đai 3, hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ hàng ngày và dự kiến thu phí ô tô vào trung tâm thành phố từ năm 2025.

Mục đích nhằm điều chỉnh hành vi của người điều khiển phương tiện khi không cần thiết đi vào vùng thu phí, đồng thời khuyến khích sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, qua đó nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong phạm vi thu phí.

Căn cứ kết cấu hạ tầng và mật độ giao thông, dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào vành đai 3.

Dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50 nghìn đồng; còn theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi thì dự kiến mức thu khoảng 100 nghìn đồng.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, thu phí xe di chuyển vào nội đô là một giải pháp hiệu quả để giải quyết bài toán kẹt ô tô ở nội đô. Tuy nhiên, không phải kinh nghiệm nào cũng áp dụng được và việc áp dụng phải kèm theo những điều kiện nhất định.

Thu phí vào nội đô sẽ được người dân ủng hộ nếu đi kèm với đó là chương trình cải thiện năng lực giao thông của thành phố, bảo đảm người dân có phương tiện giao thông công cộng di chuyển một cách thuận lợi với chi phí hợp lý.

Theo tính toán của các chuyên gia, để giảm được xe cá nhân thì thành phố phải có một tỷ lệ lớn phương tiện công cộng, giải quyết trên 50% nhu cầu đi lại của người dân. Vậy nhưng, ở Hà Nội hiện nay phương tiện công cộng mới đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại. Vì thế, thu phí xe vào nội đô rất khó nhận được sự ủng hộ của người dân.

Mọi phương pháp quản trị sẽ chỉ thực sự đạt được sự đồng thuận và phát huy hiệu quả, khi tiếp cận từ lợi ích của người dân. Vì thế, chính quyền Hà Nội cần đánh giá tác động, tính toán tốc độ tăng phương tiện và những thiệt hại, ảnh hưởng mà người dân gặp phải. Nếu chứng minh được lợi ích vượt trội của việc thu phí vào nội đô thì mới nên triển khai. Lợi ích vượt trội ở đây là nội đô sẽ không tắc đường nữa.

Nhưng liệu Hà Nội có dám cam kết khi triển khai thu phí vào nội đô thì sẽ hết tắc đường? Câu trả lời có lẽ là không, bởi người đi ô tô cá nhân thường có thu nhập cao nên họ vẫn chấp nhận trả phí và mục đích giảm xe cá nhân không đạt được. Trong khi đó, gánh nặng chi phí rất có thể sẽ chất lên nền kinh tế (khi các xe kinh doanh vận tải phải đóng phí) và gián tiếp tác động tới đời sống toàn bộ người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ