Hải Phòng bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường

GD&TĐ - Nhiều phát biểu, tham luận của các sở, ngành, đơn vị liên quan để đưa ra giải pháp phòng chống bạo lực học đường.

Có nhiều loại bạo lực học đường (ảnh minh hoạ).
Có nhiều loại bạo lực học đường (ảnh minh hoạ).

Chiều 21/12 tại Hải Phòng đã diễn ra Hội thảo về phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ). Tham gia Hội thảo có Phó chủ tịch thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, kiêm chủ tịch Hội đồng phổ biến, giáo dục Pháp luật cùng đại diện các Sở, ban, ngành, quận huyện và trường học trên địa bàn thành phố.

Nhiều chuyên đề tham luận của các Sở, ngành, đoàn thanh niên, chuyên gia tâm lý tại hội thảo nêu rõ các dạng bạo lực, nguyên nhân, giải pháp xử lý việc bạo lực học đường, công tác hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực học đường…

Nhiều hình thức bạo lực học đường

BLHĐ xuất hiện dưới nhiều dạng thức, không chỉ là bạo lực về thể chất mà còn là bạo lực về tinh thần, bạo lực vật chất. Về cơ bản BLHĐ có thể chia ra làm các loại: Bạo lực lời nói, bạo lực thân thể, bạo lực xã hội, bạo lực trên môi trường mạng…

Hiện nay vẫn còn sự hiểu lầm chỉ những hành vi xích mích bạo lực thân thể như đánh, đấm, tát để lại vết thương trên cơ thể hoặc la mắng, chửi nhau trong phạm vi trường học mới được xem là bạo lực học đường. Thực chất, khi trẻ kêu gọi tẩy chay bạn bè, hùa nhau nói xấu bạn trên mạng xã hội, lan truyền thông tin sai lệch và lặp lại những hành vi tương tự trong một khoảng thời gian dài, tức là trẻ đang thực hiện hành vi bạo lực học đường.

Việc nhận dạng các loại BLHĐ sẽ giúp cha mẹ và thầy cô dễ nhận ra các dấu hiệu nếu trẻ bị bắt nạt hoặc đang bắt nạt bạn khác. Đây là một bước quan trọng giúp ngăn chặn quá trình bạo lực học đường.

Hội nghị về phòng, chống BLHD tại TP Hải Phòng.

Hội nghị về phòng, chống BLHD tại TP Hải Phòng.

Có nhiều nguyên nhân gây ra BLHĐ gây nên những hậu quả rất nặng nề. Hậu quả này không ảnh hưởng đến nạn nhân bị bạo lực học đường mà còn ảnh hưởng đến những người chứng kiến hoặc chính kẻ gây ra bạo lực.

Lứa tuổi dễ bị bạo lực là học sinh THCS, đây là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành và được phản ánh bằng những tên gọi khác nhau như: “Thời kỳ quá độ”, “Tuổi khó bảo”, “Tuổi khủng hoảng”, “Tuổi bất trị”. Đây cũng là lứa tuổi có bước nhảy vọt về thể chất lẫn tinh thần.

Các em khó làm chủ được cảm xúc của mình, khó kiềm chế trước xúc động mạnh. Dễ bị kích động, dễ bực tức, cáu gắt, mất bình tĩnh... Những đặc điểm này cũng tạo ra yếu tố kích thích hành vi gây hấn ở học sinh THCS khi chịu áp lực hoặc gặp phải những kích thích không mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, trường Đại học Hải Phòng nhận định: BLHĐ làm cho môi trường học đường ở một số nơi mất an toàn, suy giảm niềm tin của xã hội với thầy cô giáo và nhà trường. Nếu không sớm ngăn chặn, BLHĐ với các biểu hiện như hành hạ, ngược đãi thể chất, tinh thần; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; quấy rối, xâm hại tình dục... sẽ phá hỏng môi trường giáo dục.

Đánh giá những yếu tố tác động đến hành vi BLHĐ của học sinh trung học, tìm ra nguyên nhân để từ đó xây dựng các biện pháp phòng ngừa là một trong những vấn đề cốt lõi để giảm thiểu hành vi BLHĐ, góp phần xây dựng nhà trường hạnh phúc.

Nhiều giải pháp

Đoàn thanh niên thành phố Hải Phòng đã đưa ra nhiều biện pháp để phòng chống BLHĐ như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Diễn đàn: Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường được tổ chức hàng năm tại 100% các trường Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.

Từ đầu năm 2019 tới quý 3 năm 2022, Thành đoàn Hải Phòng đã tổ chức 4 Hội nghị để học tập, quán triệt các Nghị quyết, Chương trình và Kế hoạch của Đảng và của Đoàn dành cho khối các trường Trung học phổ thông, Trung tâm dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Đoàn các trường tổ chức tổng cộng 178 hội nghị học tập chuyên đề và 212 chuyên đề về phòng chống bạo lực học đường lồng ghép trong các hội nghị bồi dưỡng cho đoàn viên ưu tú và đoàn viên mới được kết nạp.

Đoàn các trường đã tổ chức 59 buổi sinh hoạt Đoàn, tọa đàm, diễn đàn với chủ đề “Xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới giai đoạn 2018 - 2022" nhằm góp phần xây dựng lớp thanh niên có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước; có đạo đức, lối sống văn hóa, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, yêu chuộng hòa bình; có tri thức, sức khỏe, hoài bão và khát vọng vươn lên; luôn nêu cao tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, dấn thân, vượt khó...

Nhiều cơ quan, đoàn thể đưa ra các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.

Nhiều cơ quan, đoàn thể đưa ra các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.

Trong khuôn viên các nhà trường và các lớp học, Bộ quy tắc ứng xử trong trường học được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành được đặt tại vị trí dễ quan sát để các em học sinh nhanh chóng tiếp cận và ghi nhớ. Bên cạnh đó, Bộ quy tắc ứng xử được lồng ghép vào trong các bài giảng, các tiết học kỹ năng sống, giáo dục công dân, chuyên đề, sinh hoạt chi đoàn giúp cho nội dung đến gần hơn với các em học sinh. Bộ quy tắc ứng xử được tuyên truyền thông qua các kênh thông tin, trang mạng xã hội của nhà trường nhằm lan toả rộng hơn và thường xuyên hơn tới các em học sinh và các bậc phụ huynh.

Đổi mới phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân thông qua các bài học người giáo viên sẽ trang bị, hình thành cho học sinh những phẩm chất, những chuẩn mực, hành vi đạo đức cần thiết trong cuộc sống một cách có hệ thống, đúng phương pháp, đúng quy trình.

Phía đại diện tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng có kiến nghị cần tích cực hoàn thiện bộ rèn luyện kỹ năng sống và đưa bộ môn dạy kỹ năng sống vào trong nhà trường. Tổ chức các hoạt động mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp trong bản thân.

Nhà trường tăng cường giáo dục học sinh, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn việc tụ tập trước cổng trường học. Tổ chức tuyên truyền gia đình học sinh cần tạo môi trường sống lành mạnh, yêu thương con cái, phối hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm kịp thời nắm bắt tình hình của học sinh, sự thay đổi về tâm sinh lý... để có biện pháp kết hợp cùng giáo dục giữa nhà trường và gia đình.

Tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho người dưới 18 tuổi có các sân chơi, bãi tập, các hình thức sinh hoạt bổ ích, lành mạnh nhằm thu hút học sinh và người dưới 18 tuổi tham gia học tập, rèn luyện, sử dụng thời gian nhàn rỗi có ích và thiết thực…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.