Làm sách nổi thực hiện Chương trình mới: Hành trình từ trái tim

GD&TĐ - Giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM) đã chủ động chuyển đổi nội dung sách giáo khoa chữ in sang sách chữ nổi (chữ Braille).

Giáo viên hướng dẫn học sinh dò đọc sách đã được thầy cô vừa chuyển sang chữ nổi.
Giáo viên hướng dẫn học sinh dò đọc sách đã được thầy cô vừa chuyển sang chữ nổi.

Điều này giúp học sinh khiếm thị có thể tiếp cận Chương trình GDPT 2018 một cách thuận lợi, nhanh chóng.

Mùa hè không nghỉ

Cô Nguyễn Thị Thanh Huệ luôn quan tâm chia sẻ những khó khăn của học sinh.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huệ luôn quan tâm chia sẻ những khó khăn của học sinh.

Giáo viên trong trường đều xác định, dạy học sinh khiếm thị khó khăn hơn dạy học sinh bình thường rất nhiều lần. Do đó, khi nhận nhiệm vụ thầy cô luôn xác định đổi mới về tư tưởng, không hề nghĩ dạy các em sẽ áp lực. Trong những năm qua, nhà trường và giáo viên luôn cố gắng để đem lại một môi trường học tập chú trọng đến từng em, từ đó phát triển năng lực và kỹ năng tốt nhất giúp các em thành công ở những bậc học tiếp theo. Đặc biệt, thầy, cô giáo cũng luôn dạy dỗ các em biết quan tâm nhiều hơn đến người khác và thế giới xung quanh, biết chia sẻ và yêu thương.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huệ

Trước khi bước vào năm học 2022 - 2023, để học trò có thể bắt kịp kiến thức mới trong Chương trình GDPT 2018, giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đã dành nhiều thời gian để chuyển đổi sách giáo khoa thông thường sang sách chữ nổi cho học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Điều đáng nói không chỉ năm học này, mà cả những năm trước đó, giáo viên ở ngôi trường đặc biệt này hoàn toàn không nghỉ hè. Tất cả thầy cô đều tập trung ở trường làm sách giáo khoa chữ nổi cho trò.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, chia sẻ, ngay từ tháng 5/2022, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức họp các trường mù và phân đầu sách giáo khoa theo chương trình mới về các trường để thực hiện làm chữ nổi.

Trường Nguyễn Đình Chiểu được phân làm các môn của bộ sách Chân trời sáng tạo và Cánh diều lớp 3, lớp 7 và lớp 10 gồm Lý, Văn, Sinh, Tiếng Anh, Hóa. Các sách còn lại sẽ do các trường ở tỉnh, thành khác phụ trách, sau đó tổng hợp lại thành một bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh để giảng dạy. Kỳ nghỉ hè nhưng giáo viên không có ngày nghỉ, mọi người đều tập trung lên trường để làm sách từ sáng tới chiều, với mục tiêu phải xong chương trình của học kỳ I để đem đi thẩm định.

“Từ năm học 2020 - 2021 đến nay, cứ vào hè là thời gian cao điểm của việc làm sách. Ban ngày, các thầy cô chuyển đổi phần sách của mình sang chữ nổi. Ban đêm, mọi người kiểm tra lại sách do đồng nghiệp khác thực hiện, vừa làm vừa kiểm tra lẫn nhau, chỉnh sửa nhiều lần.

Ngoài thời gian nghỉ hè, giáo viên cũng đã tận dụng thời gian nghỉ phòng đợt dịch Covid-19 trong mấy tháng liền để cùng hoàn thành bộ sách. Nhờ sự nỗ lực của thầy cô mà hàng năm khi bước vào năm học mới, học sinh đã có sách để học tập như các trường bình thường”, cô Huệ chia sẻ.

Được biết, khi triển khai Chương trình GDPT 2018, ngoài việc tập huấn theo khung chung của Bộ GD&ĐT về chương trình mới, về dạy sách giáo khoa mới, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đã chủ động liên hệ mời các tác giả viết sách đến để có những hướng dẫn, trao đổi với các giáo viên.

“Sách giáo khoa bản in là thế, nhưng khi chuyển tải thành chữ nổi, hình ảnh không hề dễ dàng, nên cần phải trao đổi kĩ cũng như có những giải đáp từ phía tác giả viết sách”, cô Huệ nói.

Cũng theo chia sẻ của cô Huệ, học sinh thường nhìn thấy các hình ảnh, màu sách… nhưng các em khiếm thị lại khác. Các em phải sờ vào tranh, vào chữ để có thể hiểu được nội dung. Chính vì vậy, việc lựa chọn hình ảnh để chuyển sang hình nổi rất quan trọng.

Cô Huệ lấy ví dụ, với hình cụ già, phải cắt hình người, có cây gậy gắn vào, áo phải là giấy chà nhám để học sinh sờ vào có thể cảm nhận được, phải có tóc, râu… Giáo viên dùng dao, dùng cưa, dùng kéo để làm ra các hình nổi. Sau đó, hình nổi sẽ được in trên chất liệu giấy chuyên biệt để học sinh khiếm thị có thể nhận biết được đặc điểm của hình ảnh muốn truyền tải.

Những trang sách từ trái tim

Giáo viên dùng thước, bút chì để định vị vị trí sẽ dán hình nổi vào trang phôi sách.

Giáo viên dùng thước, bút chì để định vị vị trí sẽ dán hình nổi vào trang phôi sách.

Không chỉ dịp hè mà từ khi bước vào năm học mới, cứ chiều thứ Sáu hàng tuần, tại phòng thiết bị thư viện Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, gần 40 giáo viên của trường lại tập trung làm sách nổi. Mỗi người một công việc như đánh máy, dàn trang, dán hình, in ấn...

Cô Huệ cho biết: “Bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 được hoàn thành từ năm ngoái. Trước đây, công việc này chủ yếu tập trung vào dịp hè. Nếu như những năm trước chỉ tập trung làm sách GDPT mới cho lớp 2 và lớp 6 thì năm nay còn có thêm sách lớp 10.

Số lượng sách nhiều hơn những năm trước, trong khi đó năm nay trường đang thiếu 8 giáo viên nên nhân lực làm sách cũng vì thế mà giảm đi. Hè vừa rồi, mặc dù các thầy cô đã rất nỗ lực nhưng chỉ hoàn thành sách cho học kỳ I của lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Vì thế, các thầy, cô giáo đã thống nhất chiều thứ 6 hàng tuần sau khi họp chuyên môn sẽ bắt tay tiếp tục làm chữ nổi cho chương trình học kỳ II”.

Là giáo viên dạy Toán, làm chữ nổi tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu từ năm 2012, thầy giáo Nguyễn Văn Thống có nhiệm vụ chuyển từng trang bản mềm sách giáo khoa sang chữ nổi trước khi đem đi in bằng máy chuyên dụng.

Vừa làm việc thầy Thống vừa nói: “Nhờ có phần mềm chuyển đổi nên công việc nhanh hơn. Tuy nhiên, mọi người phải đọc lại kỹ để chỉnh lỗi. Thường gặp nhất là sai chính tả hay các công thức Toán, Lý, Hóa. Riêng đối với những trang sách có hình thì công việc phức tạp hơn. Giáo viên sẽ chọn hình có thể chuyển sang tài liệu chữ nổi, thiết kế qua máy tính rồi cắt và dán thành trang có ảnh kèm chữ nổi để tạo phôi, sau đó mang đi ép đóng thành cuốn sách hoàn chỉnh”.

Các thầy giáo tiến hành đóng sách thành từng cuốn.

Các thầy giáo tiến hành đóng sách thành từng cuốn.

Trong khi đó, các cô giáo thì cùng nhau làm các hình nổi trong sách môn Sinh học lớp 10 trước khi đem đi in. Các cô dùng thước, bút chì để định vị vị trí sẽ dán hình nổi vào trang phôi sách.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hân, giáo viên phụ trách khâu dán, cho biết, một buổi cô dán được khoảng 3 đến 4 trang, với những trang hình có nhiều chi tiết và nhiều chữ thì có khi cả buổi chỉ làm được 1 trang do phải liên tục tháo ra rồi làm lại.

Khoảng thời gian đầu làm sách mới chưa có máy móc, các cô phải cắt toàn bộ bằng tay, chi tiết nào cần làm nổi thì cắt nhiều hình dán chồng lên nên mất nhiều thời gian.

“Khó nhất là chuyển từ phần hình ảnh, bảng biểu của sách thành hình nổi. Bởi, không phải hình nào trong sách giáo khoa cũng có thể đưa vào sách nổi được. Chúng tôi phải chọn ảnh cần thiết nhất cho bài học hoặc hình nào mà học sinh khiếm thị sờ vào dễ dàng cảm nhận được. Tôi và mọi người phải chuyển làm sao để học sinh khi sờ vào có thể nhận biết được ý nghĩa của tấm hình ấy và có thể tư duy độc lập. Có những hình phức tạp, phải chuyển thành nhiều phần kèm theo mô tả”, cô Hân chia sẻ.

Trong ba tiếng làm sách vào buổi chiều thứ 6, tuỳ vào tay nghề, độ phức tạp của hình mà mỗi giáo viên làm được từ 2 đến 4 trang. Thậm chí, nhiều giáo viên còn mang về nhà. Thời gian nghỉ hè, họ gần như làm từ sáng đến tối, kể cả cuối tuần. Những trang sách nổi in xong lại được giáo viên cùng học sinh kiểm tra tiếp để xem còn các lỗi như chính tả, thiếu dấu, sai công thức, chữ nổi không đều...

Cô Hân bộc bạch: “Thực sự trong suy nghĩ, chúng tôi phải ráng làm sao để học sinh của mình khi sờ vào trang sách có thể đọc và hiểu được. Thầy cô cũng chỉ mong các em tiếp thu được nhiều kiến thức. Thấy các con học những cuốn sách chữ nổi do chính mình làm ra, mọi người ai cũng thấy hạnh phúc lắm!”.

Thuận lợi trong dạy và học

Giáo viên giảng dạy kiến thức theo Chương trình, sách giáo khoa mới cho học sinh.

Giáo viên giảng dạy kiến thức theo Chương trình, sách giáo khoa mới cho học sinh.

Ngày 14/2/2009, bộ sách giáo khoa chữ nổi do các thầy cô Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận kỷ lục “Bộ sách giáo khoa chữ nổi đầu tiên ở Việt Nam”. Trường đã tặng bộ sách này cho các trường khiếm thị của 20 tỉnh, thành.

Khi có bộ sách nổi theo Chương trình GDPT 2018, công việc giảng dạy của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu có nhiều thuận lợi, dễ dàng hơn. Trong quá trình dạy, thầy cô sẽ điều chỉnh thêm để phù hợp với học sinh, nhất là những em mới bước vào lớp 1.

Với học sinh tiểu học, thường giáo viên sẽ dạy đồng loạt, một bài cả lớp cùng học, cùng hoàn thành. Tuy nhiên, học sinh ở trường đặc biệt mỗi em một khả năng tiếp thu khác nhau, nên thầy cô dạy theo hướng cá thể. Cùng một lớp, nhưng có em học bài 5, có em vẫn loay hoay làm quen chữ nổi. Có em học 2, 3 năm mới xong lớp 1.

Cô Phạm Thị Thu Vân, giáo viên dạy lớp 1 Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu phụ trách gần 10 trẻ khiếm thị, cho biết, cô đang cho học sinh làm quen với chữ nổi. Khi các em thuần thục thì việc dạy học chương trình mới cũng sẽ thuận lợi hơn.

Đối với học sinh lớp 1, giai đoạn đầu năm học giáo viên phải hướng dẫn các em sờ được sách giáo khoa chữ nổi, sờ chữ, hình, tìm bài học. Học sinh khiếm thị cần rèn luyện xúc giác để sờ được chữ, có tư duy tưởng tượng tốt mới sờ được hình. Song, nhiều em việc rèn kĩ năng sờ chấm chữ khó khăn vô cùng, bởi khả năng xúc giác không tốt.

“Khi có bộ sách giáo khoa chuyển đổi, công việc cũng thuận lợi hơn, học sinh nhìn vào, sờ vào và nghe cô giáo giảng sẽ hiểu được nội dung của bài học. Dạy học theo cá thể, nên ở trường đặc biệt quan tâm sự tiến bộ của học sinh. Mỗi em là một giáo án riêng”, cô Vân chia sẻ.

Phan Huỳnh Khánh Linh, học sinh lớp 3 Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, chia sẻ: “Lúc đầu học sách nổi con cũng bỡ ngỡ lắm, phải mất gần 2 tháng mới quen được. Giờ đây, con đã thông thuộc sách nổi rồi. Nhờ có sách giáo khoa chữ nổi mà chúng con tiếp thu bài nhanh hơn. Các hình ảnh rõ nét, giúp con và các bạn hiểu và vận dụng vào bài tập hiệu quả hơn. Cảm ơn các thầy cô đã làm sách cho chúng con!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.