Liên quan vụ phá tan hoang hàng chục ha rừng thông ở huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá để trồng cây ăn quả hồi đầu năm 2022, gây xôn xao dư luận mà Báo GD&TĐ phản ánh, mới đây, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Sở TN&MT, UBND huyện Hoằng Hoá và các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng yêu cầu lập hồ sơ xử lý nghiêm những người có hành vi vi phạm (nếu có).
Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện và có phản hồi thông tin tới Báo GD&TĐ.
Thực hiện chỉ đạo, chiều 14/7, Đoàn công tác của Sở NN&PTNT cùng đại diện một số sở, ngành, địa phương liên quan đã đi kiểm tra hiện trường và xác minh tình trạng khai thác gỗ rừng trồng thông tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa.
Theo báo cáo, tổng diện tích rừng của 4 chủ rừng khai thác và trồng lại rừng là 37,88ha, trong đó có 3 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) từ năm 1995, 1 hộ được cấp GCNQSDĐ từ năm 2002.
Các hộ được giao đất vào mục đích sử dụng trồng rừng.
Rừng được trồng từ năm 1993 - 1995 do dự án 661, dự án 327 hỗ trợ.
Toàn bộ diện tích rừng nêu trên được quy hoạch là rừng sản xuất.
Nhiều ha rừng thông bị phá tan hoang khiến dư luận xôn xao. (Ảnh: NT) |
Qua kiểm tra, xác định 4 hộ gia đình cơ bản đã khai thác đúng theo phương án đã xây dựng.
Tuy nhiên, do địa hình không đồng nhất, mật độ cây trồng không đồng đều nên kích thước băng chặt, băng chừa và mật độ cây còn lại không đảm bảo theo phương án, có băng rộng hơn, có băng hẹp hơn 20m (băng chặt rộng từ 14,3 - 43m, băng chừa rộng từ 12 - 33m).
Cây trồng chính là dổi ăn hạt xen với mít, dừa, xoài theo hướng lấy ngắn nuôi dài, lâm - nông kết hợp để tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích đất.
Dù đã chỉ ra vi phạm, nhưng Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho rằng không đủ cơ sở để xử lý vi phạm của 4 hộ trên vì đây là rừng trồng, theo pháp luật lâm nghiệp quy định về phương thức khai thác là "khai thác trắng theo băng, đám hoặc toàn bộ diện tích rừng do chủ rừng tự quyết định”.
Trước đó, như Báo GD&TĐ đã thông tin, người dân xã Hoằng Trường phản ánh, từ đầu năm 2022 đến nay, hàng chục ha rừng thông trên núi Linh Trường (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị đốn hạ tan hoang, khiến người dân lo lắng, bất bình.
Theo hồ sơ UBND xã Hoằng Trường cung cấp, đầu năm 2022, có 4 hộ dân xã Hoằng Trường gửi đơn tới các cơ quan chức năng xin khai thác rừng thông (kèm theo đơn là phương án khai thác và trồng lại rừng) với tổng diện tích 68,4ha.
Ông Lê Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, sau đó đã ký văn bản đồng ý cho 4 hộ trên được khai thác gỗ rừng thông đã trồng theo đơn đề nghị.
Trong văn bản, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa khẳng định khu vực rừng mà người dân đề nghị khai thác có nguồn gốc được trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (dự án 661 và 327).
Theo quy hoạch 3 loại rừng năm 2017, diện tích rừng của các hộ dân là rừng sản xuất.
Việc các hộ gia đình xây dựng phương án khai thác theo băng là phù hợp với thực tế, tạo các đường băng cản lửa phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng, phát huy vai trò, chức năng phòng hộ của rừng ven biển trong việc bảo vệ môi trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Từ đó, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đề nghị các chủ rừng khai thác theo băng chặt, băng chừa (chiều rộng 20m), phải đảm bảo mật độ cây thông còn lại ít nhất 600 cây/ha; yêu cầu chủ hộ không được tác động, làm biến dạng địa hình khu vực khai thác.
Các chủ hộ phải trồng ngay rừng trên các băng sau khi khai thác.
Chỉ đạo là thế, nhưng theo ghi nhận thực tế, hàng chục ha rừng thông được khai thác gần như trơ trọi, các đường băng giữ lại nhiều nơi chẳng còn một cây thông nào, nếu có thì lưa thưa theo từng chòm nhỏ, không đảm bảo phải giữ lại 600 cây/ha.