Thanh Hóa: Huyện Bá Thước cảm ơn và tiếp thu thông tin phản ánh vụ phá rừng

GD&TĐ - Sau khi Báo GD&TĐ đăng tải bài viết: “Phá rừng tràn lan ở huyện miền núi Bá Thước” (ngày 22/11/2019), đến ngày 3/12/2019, ông Võ Minh Khoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước đã ký công văn số 1683/UBND – NN, ngày 3/12/2019, gửi về tòa soạn Báo GD&TĐ, xin cảm ơn và tiếp thu những phản ánh của báo.

Gỗ rừng bị đốn hạ trái pháp luật ở xã Điền Thượng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa).
Gỗ rừng bị đốn hạ trái pháp luật ở xã Điền Thượng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa).

Lãnh đạo huyện tiếp thu thông tin

Theo công văn của UBND huyện Bá Thước, nêu: “Ngày 22/11/ 2019, Báo GD&TĐ, phản ánh tình trạng khai thác rừng trái pháp luật tại các xã Điền Hạ và xã Điền Thượng, huyện Bá Thước.

Tiếp thu phản ánh của báo GD&TĐ đã nêu, Chủ tịch UBND huyện - Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Bá Thước, giai đoạn 2016-2020 đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các xã Điền Hạ, Điền Thượng tiến hành kiểm tra, xác minh và có kết quả, như sau:

Cuối tháng 10/2019, Hạt Kiểm lâm huyện báo cáo có tình trạng khai thác rừng trái pháp luật tại 2 xã Điền Hạ và Điền Thượng. Ngày 1/11/2019, UBND huyện Bá Thước đã ban hành công văn số 1495/UBND-KL, yêu cầu UBND các xã, chủ rừng tăng cường các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái phép, phá rừng để chuyển đổi sai mục đích sử dụng; ngày 5/11/2019 Chủ tịch UBND huyện thông báo kết luận số 147/TB-UBND về việc xử lý vi phạm khai thác rừng trái pháp luật, trong đó có giao nhiệm vụ thực hiện cụ thể cho từng đơn vị; ngày 8/11/2019 có Công văn số 64/PNV-KĐKL, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân trong quản lý địa bàn được giao phụ trách, để xảy ra khai thác, phá rừng trái phép, trong đó có tập thể UBND, Chủ tịch UBND xã Điền Hạ và Điền Thượng.

Kết quả kiểm tra ban đầu, tại xã Điền Hạ, cho thấy diện tích rừng tại lô 69, 86 khoảnh 1, tiểu khu 311 (2,06 ha), thuộc thôn Bứng, xã Điền Hạ; đối tượng rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trạng thái rừng thường xanh, phục hồi; số cây bị chặt hạ trái phép 89 cây gỗ tạp SP nhóm 6,7; đường kính từ 16- 30cm; khối lượng 18,908 m3. Trong đó, diện tích rừng trong quy hoạch lâm nghiệp 1,33 ha, số cây bị chặt hạ 50 cây, khối lượng 11,412 m3; diện tích ngoài quy hoạch lâm nghiệp 0,73 ha, số cây bị chặt hạ 39 cây, khối lượng 7,496 m3. Toàn bộ số gỗ, củi đã lấy hết ra khỏi rừng với mục đích sử dụng tại chỗ và lấy đất trồng rừng.

Gỗ rừng ở huyện Bá Thước bị "lâm tặc" chặt hạ chưa kịp đưa ra khỏi rừng.
Gỗ rừng ở huyện Bá Thước bị "lâm tặc" chặt hạ chưa kịp đưa ra khỏi rừng.  

Qua điều tra, xác minh đã xác định được chủ rừng có diện tích bị phá, khai thác trái phép, gồm: 5 hộ gia đình được giao quản lý, bảo vệ, sử dụng trong đó có 2 hộ được UBND huyện Bá Thước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, thời hạn 50 năm, theo Nghị định số 02/CP năm 1995; 3 giấy chứng nhận được cấp năm 1999, theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP;

Đối tượng vi phạm được xác định có 11 đối tượng thuộc thôn Bứng, xã Điền Hạ đã khai thác gỗ, củi, phá rừng trái phép trong diện tích 2,06 ha; các đối tượng vi phạm là người dân tộc Mường, Thái, Kinh. Các đối tượng vi phạm đã thừa nhận hành vi vi phạm về phá rừng, khai thác rừng, xâm lấn rừng trái phép với mục đích lấy đất trồng cây gỗ keo.

Còn tại xã Điền Thượng, lực lượng chức năng huyện Bá Thước đã kiểm tra rừng tại 13 lô, 7 khoảnh, 2 tiểu khu thuộc 3 chủ rừng quản lý, bảo vệ; phát hiện 86 cây gỗ tạp từ nhóm 6-7 bị chặt hạ, đường kính từ 15-40cm; khối lượng 25,561 m3.

Trong đó, rừng sản xuất 83 cây, khối lượng 24,394 m3; rừng phòng hộ 3 cây, khối lượng 1,122 m3. Cụ thể: Rừng sản xuất diện tích của 3 lô, bị chặt hạ trái phép 42 cây, khối lượng 12,142 mđược giao cho 2 hộ gia đình quản lý bảo vệ thuộc xã Điền Thượng, gồm: Gia đình ông Hà Phúc Tiên, trú tại Thôn Bít Bả, xã Điền Thượng và hộ ông Nguyễn Văn Quế (chết năm 2019), vợ là Phạm Thị Thanh, trú tại thôn Chiềng Má, xã Điền Thượng.

Có những cây gỗ rừng rất lớn ở khu vực Thung Chấn, xã Điền Thương, huyện Bá Thước bị "lâm tặc" chặt hạ trái phép
Có những cây gỗ rừng rất lớn ở khu vực Thung Chấn, xã Điền Thương, huyện Bá Thước  bị "lâm tặc" chặt hạ trái phép 

Rừng sản xuất do Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc quản lý, bảo vệ bị chặt hạ trái phép 41 cây, khối lượng 12,297 m3; Trên diện tích này, Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc đã giao khoán cho nhiều hộ gia đình, cán bộ, công nhân trong Công ty quản lý, bảo vệ. Rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành quản lý, kiểm tra tại lô 148, khoảnh 1, tiểu khu 315, trạng thái rừng tự nhiên núi đất nghèo kiệt, bị chặt hạ 3 cây, khối lượng 1,122 m3, gỗ đã lấy hết ra khỏi rừng”

Sẽ xử lý những người liên quan vụ phá rừng

Cũng theo công văn của UBND huyện Bá Thước, sau khi kiểm tra, xác minh thông tin Báo GD&TĐ nêu, hiện tại lãnh đạo huyện Bá Thước đang tích cực chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền 2 xã Điền Hạ, Điền Thượng kiểm tra, xác minh cụ thể khu vực bị phá, bị khai thác trái phép; xác định đối tượng khai thác, lập hồ sơ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo huyện Bá Thước cũng đang chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND 2 xã Điền Hạ, Điền Thượng trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp nhưng để rừng bị phá, bị khai thác chưa có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn.

 
Công văn tiếp thu của UBND huyện Bá Thước.
Công văn tiếp thu của UBND huyện Bá Thước. 

UBND huyện Bá Thước cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành; Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc; Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Thung Chấn và những cá nhân có liên quan, trong việc để rừng bị khai thác trái phép nhưng không báo cáo, không phối hợp đấu tranh, ngăn chặn.

Đề nghị Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Hạt trưởng Kiểm lâm Bá Thước, Phó Hạt trưởng phụ trách tuyến, Trạm trưởng Kiểm lâm Điền Lư và Kiểm lâm viên công tác tại địa bàn xã Điền Hạ, Điền Thượng, trong việc quản lý, giám sát tình hình an ninh rừng trên địa bàn được giao quản lý, nhưng phát hiện chậm, để rừng bị phá, khai thác trái phép nhưng không có giải pháp đấu tranh ngăn chặn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ