Làm rõ vai trò 1 kiểm sát viên trong vụ cựu công an “chạy án”

GD&TĐ - Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đang điều tra bổ sung vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Môi giới hối lộ” và “Đưa hối lộ” đối với các bị cáo Phạm Quang Tiến (cựu cán bộ Công an TPHCM) và 3 bị cáo khác.

Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm.
Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm.

Trong đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm yêu cầu làm rõ vai trò của 1 kiểm sát viên.

Không đúng với kết luận giám định

Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND Cấp cao tại TPHCM cho rằng việc chưa làm rõ hành vi của một kiểm sát viên sẽ ảnh hưởng đến các bị cáo khác, đồng thời có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên đã hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Môi giới hối lộ” và “Đưa hối lộ” đối với các bị cáo Phạm Quang Tiến (55 tuổi, cựu cán bộ Công an TPHCM), Trần Thị Diệu Trang (50 tuổi), Nguyễn Vũ Thanh Thủy (46 tuổi) và Nguyễn Long (39 tuổi, cùng ngụ quận Bình Tân, TPHCM).

Cụ thể, HĐXX cấp phúc thẩm hủy án do có dấu hiệu cho thấy cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm (hiện là kiểm sát viên Viện KSND TPHCM), đồng thời việc chưa làm rõ hành vi của người này làm ảnh hưởng đến việc xác định tội danh và hình phạt đối với Tiến và các bị cáo khác.

Chứng cứ thể hiện khoảng thời gian xảy ra vụ án, Tiến có sáu tin nhắn gửi kiểm sát viên này nhưng cơ quan điều tra lại không cho trích xuất cụ thể nội dung tin nhắn…

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Trang, Thủy và Long xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo. Cụ thể, Thủy và Long (chị và anh của Nguyễn Duy) khai nhận việc Long giao tiền cho Tiến để nhờ giúp cho em trai không bị bắt.

Long khai rằng tại quán cà phê, bị cáo để bọc tiền trên bàn và đẩy qua chỗ Trang thì Trang đẩy qua chỗ Tiến ngồi. Sau đó Long cầm bọc tiền đi ra trước, lát sau thì Tiến đi ra. Sau này Nguyễn Duy vẫn bị bắt nên họ tố cáo.

Trong khi đó, bị cáo Tiến cho rằng hồ sơ còn nhiều uẩn khúc, đề nghị xem xét bị cáo không lừa ai, không nhận tiền của ai. Long là người cầm bọc tiền, Tiến không cầm tiền của Long.

Đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm vì đã xử đúng người, đúng tội và đã xử phạt mức hình phạt tương xứng. Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm lại cho rằng cấp sơ thẩm chưa làm rõ hành vi của ông H., có dấu hiệu cho thấy đã bỏ lọt tội phạm nên quyết định hủy án để điều tra lại.

Cụ thể, HĐXX phúc thẩm cho rằng: Các lời khai từ ngày 22/11/2018 đến ngày 25/8/2020 của Tiến đều thể hiện nội dung tại quán cà phê, khi gần về, người thanh niên (Long) đưa một bịch bên trong không biết là gì cho Trang, Tiến.

Tiến hỏi thì người thanh niên trả lời là tiền để nhờ ông H. giúp, khoảng 300 triệu đồng. Tiến cầm nhưng không đếm, cũng không biết số lượng tiền. Sau đó Tiến chạy xe đến bên hông Viện KSND TPHCM gặp ông H. và đưa bịch tiền, không đếm, đưa xong Tiến đi về.

Đồng thời, HĐXX phúc thẩm nhận định: Theo kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an thì việc không đủ điều kiện để giám định là do mẫu tiếng nói so sánh của ông H. chất lượng kém (tiếng nói nhỏ, nội dung lời nói không đúng trọng tâm với mẫu cần giám định).

Như vậy, việc không giám định được không phải là do chất lượng ghi âm của mẫu cần giám định nhưng cơ quan điều tra không thu lại mẫu tiếng nói của ông H. để trưng cầu giám định lại.

Đồng thời, cáo trạng ngày 2/10/2020 của Viện KSND TPHCM lại xác định: “Kết luận giám định về mẫu tiếng nói của ông H. do Tiến cung cấp chất lượng kém, không đủ điều kiện để giám định” là không đúng với kết luận giám định.

Sắp về hưu thì bị bắt vì nhận tiền “chạy án”

Trước đó, tai phiên tòa sơ thẩm ngày 29/12/2020, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Phạm Quang Tiến mức án 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan tới vụ án, bị cáo Trần Thị Diệu Trang bị tuyên phạt mức án 4 năm 6 tháng tù về tội môi giới hối lộ; bị cáo Nguyễn Vũ Thanh Thủy và Nguyễn Long bị tuyên phạt mức án 3 năm tháng 6 về tội đưa hối lộ.

Theo nội dung vụ án, ngày 15/11/2018, Nguyễn Duy (ngụ huyện Bình Chánh) gọi điện thoại cho mẹ nuôi là bà Trần Thị Diệu Trang và cho biết Duy đang bị Công an quận Tân Phú truy bắt vì có liên quan đến một vụ trộm cắp tài sản.

Duy nhờ mẹ nuôi tìm giúp người lo lót để không bị công an bắt. Bà Trang đồng ý và gọi điện thoại cho Phạm Quang Tiến (bạn của em gái Trang) nhờ giúp đỡ. Tiến lúc này đang là cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TPHCM.

Sau khi nghe bà Trang trình bày, Tiến đồng ý  và “báo giá” 300 triệu đồng. Trang lập tức gọi điện thoại kêu Duy đưa 320 triệu đồng để lo lót “chạy án”. Cùng ngày Duy gọi điện thoại kể lại sự việc cho chị ruột là Nguyễn Vũ Thanh Thủy và nhờ Thủy báo lại với gia đình để lo sẵn tiền.

Sau đó, Thủy cùng Nguyễn Long (em trai của Thủy) đã trực tiếp đến khách sạn L.D. (tại quận Bình Tân) do bà Trang làm chủ, đưa tiền cho bà Trang 2 lần vào các ngày 16 và 19/11/2018. Trong quá trình giao nhận tiền, chị N.T.T.D. (em dâu của Thủy) dùng điện thoại ghi âm, ghi hình lại để làm bằng chứng.

Sau khi nhận đủ 320 triệu đồng, bà Trang gói lại số tiền đưa cho Long giữ và cùng bị cáo Long và T.T.D.L. (em gái bà Trang) đến một quán cà phê gần sân vận động Thống Nhất (P.6, Q.10) để gặp Tiến.

Tại đây, qua sự giới thiệu của bà Trang, Long trực tiếp nhờ Tiến giúp đỡ lo cho em trai không bị công an bắt và đưa gói tiền cho Tiến. Tuy nhiên, sau khi đưa tiền cho Tiến thì Nguyễn Duy vẫn bị công an truy bắt. Bị cáo Thủy và Long nghi ngờ đã bị bà Trang lừa đảo nên đã nộp đơn tố cáo.

Tại phiên tòa, bị cáo Tiến khai mình có thực hiện hành vi như cáo trạng truy tố nhưng không đồng ý tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Viện KSND truy tố. Các bị cáo Trang, Thủy, Long khai do không hiểu biết pháp luật nên mới có hành vi không đúng, các bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.