Làm rõ khái niệm và đặc trưng mô hình “Công dân học tập”

GD&TĐ - Ngày 19/12, tại TP Việt Trì, Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ phối hợp với Sở GD&ĐT và Trường ĐH Hùng Vương tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Xây dựng mô hình “Công dân học tập tỉnh Phú Thọ”.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

Dự và chỉ đạo buổi tọa đàm có các đồng chí: Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ; GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam; Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT; Nguyễn Thị Kim Hải – Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Phú Thọ...

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ và GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá cao việc tổ chức buổi tọa đàm và cho rằng đây là việc làm rất cần thiết nhằm trao đổi kinh nghiệm để từng bước định hình hóa, lượng hóa, làm rõ khái niệm và đặc trưng của mô hình “Công dân học tập”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San phát biểu tại buổi tọa đàm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San phát biểu tại buổi tọa đàm

Từ đó rút ra những vấn đề về lý luận, thực tiễn quan trọng, sát với thực tế địa phương, giúp cho cấp ủy, chính quyền cùng với hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, có chiều sâu, chất lượng các hoạt động GD&ĐT, hướng nghiệp dạy nghề; phát huy truyền thống hiếu học, khuyến học, khuyến tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công việc của từng công dân trong các lĩnh vực công tác; góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

Tham gia trao đổi, thảo luận tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ GD, khuyến học, mặt trận, quản lý doanh nghiệp... đã làm rõ những đặc trưng của mô hình “Công dân học tập”, cơ sở lý luận, sự cần thiết phải xây dựng, ban hành bộ tiêu chí đánh giá “Công dân học tập tỉnh Phú Thọ” và những giải pháp thực hiện bộ tiêu chí; tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung của bộ tiêu chí nhằm phản ánh đầy đủ bản chất của học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, thể hiện rõ mối quan hệ mật thiết của các nhóm tiêu chí tạo nên mẫu hình “Công dân học tập” với những chỉ số đo lường cụ thể về năng lực, phẩm chất, phù hợp với điều kiện dân trí, dân sinh, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương...

Kết luận buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nguyễn Thị Kim Hải đã tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu. Bà Hải mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác khuyến học, khuyến tài của địa phương.

Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến bổ sung nhằm hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá mô hình “Công dân học tập” của tỉnh; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, khái niệm và những đặc trưng cơ bản của mô hình “Công dân học tập”, qua đó nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư về vai trò, tầm quan trọng của việc học trong đời sống xã hội, đặc biệt là nâng cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng, học thường xuyên, học suốt đời trong mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, đơn vị và trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ