UBTVQH cho rằng, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT được cấp cho người học đã học xong chương trình GDPT nhưng không dự thi tốt nghiệp hoặc thi không đạt, không nằm trong văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Tuy nhiên, giấy chứng nhận này có giá trị xác nhận người học đã hoàn thành kiến thức văn hóa THPT, đáp ứng chuẩn đầu vào các trình độ GDNN theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, được dùng để đăng ký dự thi THPT và tiếp tục học trình độ cao hơn. Quy định này nhằm góp phần thúc đẩy phân luồng, liên thông giữa GDPT, GDNN và GDĐH.
Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được cấp cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS học trình độ trung cấp trong cơ sở GDNN sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT (Điều 34). Giấy chứng nhận này có giá trị để đăng ký dự thi THPT (thí sinh tự do) hoặc đăng ký tuyển sinh vào cao đẳng theo đúng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định dạy học khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN và người đứng đầu cơ sở giáo dục cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
Về vấn đề này UBTVQH có ý kiến như sau: Hiện nay học sinh học hết THCS khi chuyển sang GDNN, để có thể tiếp tục học các trình độ cao hơn cần phải học tích lũy đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
Nhằm tạo thuận lợi cho người học, Dự thảo Luật bổ sung quy định việc học sinh trong cơ sở GDNN được học khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
Sau khi đã học, thi đạt yêu cầu thì người học được người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
Dự thảo Luật giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GDNN (Điều 28).
Một số đại biểu đề nghị quy định cụ thể về cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX), chức năng, nhiệm vụ của GDTX với ý nghĩa là một cơ chế học tập linh hoạt, thúc đẩy học tập suốt đời; đề nghị quy định về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) phát triển, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập; đề nghị đánh giá hiệu quả của TTHTCĐ để xem xét, cân nhắc việc tiếp tục duy trì mô hình cơ sở giáo dục này.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về cơ sở GDTX trong hệ thống giáo dục quốc dân (Điều 44), quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của GDTX; cơ chế, chính sách để GDTX cùng với giáo dục chính quy góp phần xây dựng hệ thống giáo dục mở, liên thông, thúc đẩy học tập suốt đời (Mục 2, Chương II).
Về mô hình TTHTCĐ, tính đến nay trong cả nước đã có trên 11.000 TTHTCĐ gắn với địa bàn cấp xã và được bố trí nguồn lực tuỳ thuộc vào nhu cầu phát triển và điều kiện thực tiễn của từng địa phương; dẫn tới hiệu quả hoạt động của các trung tâm này không đồng đều, một số nơi không tổ chức được hoạt động, do đó cần có sự đánh giá, tổng kết việc thực hiện mô hình này để có các giải pháp phù hợp.
Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, TTHTCĐ là địa điểm để triển khai các hoạt động giáo dục theo tinh thần xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho người dân trên địa bàn. Việc bảo đảm các điều kiện cho TTHTCĐ hoạt động căn cứ vào nhu cầu, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ như quy định tại Dự thảo Luật (Điều 44).