Làm gì khi con đổ lỗi cho nhau?

GD&TĐ - Nhà đông con, việc trẻ đổ lỗi cho nhau rất dễ gặp. Làm quan tòa trong trường hơp này luôn là bài toán thách đố các bậc cha mẹ trong việc dạy con biết nhận lỗi và sửa khuyết điểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: INT.
Ảnh minh họa. Nguồn: INT.

Đau đầu khi trẻ luôn chối tội

Những pha chối tội của trẻ luôn khiến cha mẹ đau đầu. Họ mong muốn con dũng cảm nhận lỗi, rút kinh nghiệm từ những việc làm chưa đúng của mình. Chị Mai Thuỷ (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ cách xử lý tình huống Yến Vy (6 tuổi) từ chỗ không chịu nhận lỗi còn đổ lỗi cho chị Hà Phương (8 tuổi) đến biết lỗi và nói lời xin lỗi một cách chân thành.

Chị Mai Thuỷ kể: Trong bữa cơm hai chị em Vy đã nô đùa dẫn đến Yến Vy làm vỡ cốc. Nhưng chị không quát mắng hay phạt con ngay trong bữa ăn mà đợi khi bữa ăn kết thúc mới xử lý. Chị phân tích cho hai con hiểu được lỗi đã mắc phải và nói rõ cho con biết rằng “làm vỡ cốc chỉ là tai nạn thôi, làm vỡ cốc bố mẹ không mắng. Nhưng phạt vì đùa nghịch trong bữa ăn để dẫn tới làm vỡ cốc”.

Khi chị Mai Thuỷ nhẹ nhàng hỏi Yến Vy “Ai làm vỡ cốc hả con?”, Yến Vy lí nhí nói “Là chị Hà Phương làm ạ”. Trước hành động đổ lỗi của Yến Vy, chị Mai Thuỷ chỉ ra một lỗi nữa của Yến Vy là đổ lỗi cho chị Hà Phương: “Con làm sai con phải nhận, không được đổ lỗi cho chị”. Đến lúc này, Yến Vy vẫn chưa chịu nhận lỗi, chị Mai Thuỷ vẫn giọng kiên nhẫn: “Ai làm vỡ cốc hả Yến Vy? Sẽ ổn thôi nếu con nhận lỗi. Con phải nhận lỗi nếu lỗi đó là của con. Con không thể đổ lỗi cho chị. Bởi như thế là không công bằng”.

Một lần nữa, chị Mai Thuỷ phân tích lại lỗi hai con đã mắc phải trong bữa ăn và chỉ ra việc cần làm sau khi mắc lỗi: “Yến Vy làm vỡ cốc phải không con? Vì con đã đùa nghịch trong khi ăn và một sự cố đã xảy ra là chiếc cốc bị vỡ. Nếu là sự cố thì không sao nhưng con phải nhận lỗi của mình. Rồi con xin lỗi và mọi chuyển sẽ ổn thôi. Giờ con xin lỗi bố mẹ đi”.

Cuối cùng, Yến Vy đã chịu nhận lỗi và nói xin lỗi bố mẹ. Chị Mai Thuỷ cũng không quên nhắc nhở: “Yến Vy, con cũng phải xin lỗi chị vì con đã nói chị làm vỡ cốc”, “Em xin lỗi chị ạ”, “Được rồi, không sao đâu. Hai chị em ôm nhau nào!”.

Kết thúc bằng một cái ôm của hai chị em nhưng chị Mai Thuỷ vẫn nhấn mạnh một lần nữa để các con nhớ bài học: “Giờ các con rút ra bài học gì nào? Lần sau ăn uống phải như thế nào? Có nên đổ lỗi cho người khác không?”.

Như vậy, từ một cô bé mắc lỗi nghịch ngợm làm vỡ cốc, đổ lỗi cho chị, kiên quyết không nhận lỗi nhưng với sự nhẹ nhàng, bình tĩnh xử lý tình huống của mẹ mà Yến Vy đã biết lỗi và chịu nói lời xin lỗi. 

Ảnh minh họa. Nguồn: INT.

Ảnh minh họa. Nguồn: INT.

Giúp con dũng cảm nhận trách nhiệm

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình, người sáng lập Coach Bình An giải đáp thắc mắc tại sao Yến Vy đổ lỗi cho chị và không nhận trách nhiệm về việc mình làm bởi trong tâm trí của bé luôn nghĩ rằng: “Con ước gì chị Hà Phương làm vỡ cốc chứ không phải con” và khi bật thành lời nói sẽ là “chị Hà Phương làm ạ”.

“Một trong những nguyên nhân mà trẻ đặc biệt lứa tuổi mẫu giáo hay đổ lỗi cho anh (chị), bạn chơi về hành vi không ngoan của mình là vì trẻ chưa hiểu rõ được hành động của mình, không muốn gặp rắc rối, cảm thấy xấu hổ hoặc sợ bị phạt” – ThS. Nguyễn Thị Bình nói.

Vì vậy, cách ứng xử tốt nhất là cha mẹ hãy tránh trừng phạt hoặc giận dữ với trẻ. Hãy giải thích cho trẻ hiểu sai ở đâu, sai như thế nào và nhắc con nói lời xin lỗi.

Cách xử lý của chị Mai Thuỷ là một trong những lời giải hay cho bài toán thách đố mà các cha mẹ có thể tham khảo. Quá trình thay đổi đó diễn ra chỉ trong ít phút nhưng nếu không có cách nói nhẹ nhàng, tâm lý mà đầy dứt khoát, công bằng của mẹ, chắc chắn rằng bé Yến Vy vẫn không nhận ra lỗi sai của mình. Tuy nhiên, mỗi độ tuổi khác nhau, lời giải thích và tinh thần nhận trách nhiệm đặt ra với trẻ cũng cần đa dạng.

Theo Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Thị Lanh, Công ty Tư vấn đào tạo và Huấn luyện Minh Trí Thành: Khi trẻ làm sai và đã hiểu ra lỗi sai nằm ở phía mình, hãy dạy trẻ nói “Đây là lỗi của con” hoặc “Con xin lỗi ạ”. Xin lỗi là hành động quan trọng, thể hiện trẻ đã nhận thức được lỗi sai về những hành vi chưa đúng của mình. Nhưng nó chỉ thực sự chân thành khi trẻ đã nhận ra lỗi và mong muốn sửa đổi.

Cha mẹ có thể nói: “Mẹ chắc con không cố tình làm điều này, chỉ là một sự cố. Hai mẹ con mình cùng lau sạch chỗ này nhé”. Nó thể hiện rằng, cha mẹ biết lỗi này là do trẻ nhưng cũng thông cảm với lỗi của con. Điều quan trọng là hướng trẻ đến việc khắc phục vấn đề một cách tự giác.

Cha mẹ nên yêu cầu trẻ không chỉ giải quyết hậu quả, chẳng hạn: Dọn đống bề bộn hoặc lau vết bẩn trên tường mà trẻ còn phải xin lỗi người đã bị đổ lỗi. Bởi vì, người bị đổ lỗi thực sự buồn vì điều đó.

Từ khi trẻ bắt đầu tập vận động, học nói đã có thể dạy trẻ về những bài học đầu tiên về việc nhận trách nhiệm bởi những việc mình làm. Trẻ vấp ngã thì đừng “đánh” các chướng ngại vật. Làm hỏng đồ chơi của anh chị nhất thiết phải xin lỗi. Muốn dùng đồ của người khác nhất thiết phải xin phép… Những quy tắc này nếu được dạy dỗ nghiêm túc, cha mẹ sẽ vô cùng nhàn hạ khi có một đứa con ngày càng có trách nhiệm khi lớn hơn.

“Khi trẻ đã nhận ra lỗi của mình, cha mẹ không nên dừng việc chỉ bảo và huấn luyện. Việc đổ lỗi cho anh (chị) đã trở thành thói quen của trẻ thì rất khó thay đổi trong một sớm một chiều. Trẻ sẽ tiến bộ nhanh hơn nếu được cha mẹ chỉ ra lỗi sai và hướng khắc phục cụ thể với thái độ nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc.
Vì vậy, nhiệm vụ của cha mẹ là liên tục lặp lại các phương pháp, duy trì nguyên tắc nuôi dạy. Cha mẹ tuyệt đối không nên làm ngơ trước thói quen xấu này của con” – ThS Nguyễn Thị Lanh đưa ra lời khuyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.