Khảo sát của Đại học Kinh tế quốc dân trên gần 500 doanh nghiệp trong 6 lĩnh vực khác nhau cho biết, 80% doanh nghiệp được hỏi không nhận được hỗ trợ từ Chính phủ trong đợt dịch.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, doanh nghiệp quy mô nhỏ nhận được ít hỗ trợ hơn so với doanh nghiệp quy mô lớn trong khi họ là đối tượng tổn thương nhiều vì đại dịch. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ đều dưới 20%, trừ chính sách gia hạn nộp thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nguyên nhân khiến gói hỗ trợ lần thứ nhất thất bại cũng được các chuyên gia "mổ xẻ" tại hội thảo "Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế" do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 15/10. Trong đó, lý do chủ yếu là doanh nghiệp và cá nhân không đáp ứng được điều kiện hoặc không tiếp cận được thông tin do thiếu hướng dẫn chi tiết, nhất quán. Quy trình thủ tục cũng rườm rà và nhiều chỉ tiêu đặt ra không sát với thực tế.
Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lần một, các chuyên gia nhận định gói hỗ trợ lần hai muốn khả thi và hiệu quả, cần được xây dựng dựa trên những nguyên tắc nhất định, không nên đơn thuần chỉ là gói giải cứu, mà cần ưu tiên các mục tiêu phục hồi, hỗ trợ phát triển kinh tế.
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh nguyên tắc đầu tiên là chính sách phải nhanh. Là người đóng góp từ đầu cho việc hoạch định chính sách và theo dõi quá trình thực hiện, ông nhận định, với Việt Nam, "thực thi chính sách tốt còn quan trọng hơn làm ra chính sách tốt".
Chính sách đúng và kịp thời nhưng việc thực thi không nhanh và quyết liệt. Có ban chỉ đạo chống dịch nhưng lại không có ban chỉ đạo về kinh tế. Quốc hội đồng hành nhưng không trao quyền cho Chính phủ, đơn cử như muốn giảm thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cũng phải chờ Quốc hội giơ tay, ông Thành nói. Ông chia sẻ: "Cá nhân tôi cũng rất tiếc, gói hỗ trợ lần hai lẽ ra cần đưa ra trong tháng 9 nhưng đến nay vẫn chưa xong".
Với gói hỗ trợ lần hai, ông Thành cũng như nhiều chuyên gia khác đều đồng tình "phải đủ quy mô, đủ thời gian và độ bao phủ".
Chính phủ có thể phải chấp nhận thâm hụt ngân sách để đưa ra gói hỗ trợ quy mô đủ lớn, thời gian hỗ trợ kéo dài ít nhất tới 2021 và bao phủ trên diện rộng, đặc biệt tính tới các đối tượng SME và gần 29 triệu người lao động phi chính thức – vốn gần như nằm ngoài vòng hỗ trợ trước đây.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, quy mô của gói hỗ trợ lần một được lượng hoá chỉ khoảng 3% GDP. Việc hỗ trợ tuỳ thuộc vào tính chất, diễn biến dịch bệnh ở mỗi quốc gia, nhưng quy mô các gói hỗ trợ của Việt Nam vẫn thấp so với con số 15% GDP của các nước đã phát triển, mức 10-12% GDP của các nước mới nổi tương đương và mức 2-7% tại các nước Đông Nam Á.
Ông Lực đề xuất gói hỗ trợ lần hai với quy mô 150.000 tỷ, tương đương 2,5% GDP, song song với việc tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ thứ nhất vẫn dang dở. Ở các nước trên thế giới, các gói hỗ trợ không chỉ nhằm mục đích giải cứu, phục hồi mà còn làm tăng khả năng chống chịu, bền vững và có tính dài hơi, "chứ không phải hỗ trợ là xong". Đồng quan điểm, nhiều chuyên cho rằng thời gian hỗ trợ lần hai nên kéo dài ít nhất tới năm 2021.
Theo các chuyên gia, gói hỗ trợ lần hai cần tính tới những người lao động phi chính thức – nhóm đối tượng bị tác động mạnh bởi dịch bệnh nhưng lại đang đứng ngoài vòng chính sách hỗ trợ. Với khoảng 27-29 triệu người lao động phi chính thức hiện nay, ông Lực ước tính nếu gói chính sách lần hai hỗ trợ mỗi người hàng tháng 1 triệu (trong 3 tháng), ngân sách cần chi ra khoảng 86.000 tỷ.
Tuy nhiên, việc xác định lao động chính thức trên thực tế có thể vấp phải khó khăn nên có chuyên gia cho rằng nên dùng giải pháp công nghệ để quản lý người thụ hưởng một cách minh bạch và dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nguồn lực hỗ trợ nên dành cho doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Nếu hỗ trợ hôm nay nhưng mai doanh nghiệp đóng cửa thì chính sách không hiệu quả. Doanh nghiệp cũng phải có cam kết không sa thải nhân viên (hoặc sa thải ở mức độ cụ thể) và phải tái cơ cấu hoạt động khi nhận hỗ trợ.
Qua quá trình tương tác với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Bùi Đức Thọ, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân nói, mong muốn của doanh nghiệp là được hỗ trợ giảm chi phí sản xuất. Doanh nghiệp kỳ vọng lớn về việc Chính phủ tiếp tục hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách dừng đóng bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kiến nghị giảm bớt các đợt thanh kiểm tra của cơ quan nhà nước trong giai đoạn khó khăn này.
Với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ một số hiệp hội, ông Thọ cho rằng đây là giải pháp tốt để kích cầu tiêu dùng nhưng đặt ra lo ngại Chính phủ không đủ nguồn lực nếu áp dụng đại trà cho toàn bộ doanh nghiệp. Theo ông, cần xác định đúng nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách này như các lĩnh vực du lịch, lưu trú, nhà hàng ăn uống... vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
Còn theo Cấn Văn Lực, Chính phủ cần cân nhắc kỹ giải pháp này. Việc giảm VAT áp dụng cho một số lĩnh vực khó khả thi, còn giảm VAT một cách đại trà sẽ gây thâm hụt ngân sách. VAT đóng góp cực kỳ quan trọng với nguồn thu ngân sách và theo ước tính, chỉ cần giảm 1% VAT cho toàn bộ doanh nghiệp, ngân sách hụt thu 38.000 tỷ đồng.
Theo chuyên gia này, Chính phủ nên nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay doanh nghiệp bằng cách cấp bù lãi suất để ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung. Năm 2009, Chính phủ đã có gói hỗ trợ lãi suất quy mô 1 tỷ USD nhưng không hiệu quả vì triển khai đại trà cho tất cả lĩnh vực.
Vì thế nếu bây giờ có hỗ trợ lãi suất, theo ông, nhất định phải lựa chọn lĩnh vực để hỗ trợ, dứt khoát không thực hiện đại trà. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần tăng vốn cho quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như kích hoạt lại quỹ bảo lãnh tín dụng vốn hoạt động èo uột trong chục năm qua – nhằm hỗ trợ SME tiếp cận nguồn tín dụng.
Về mặt định hướng, ông Nguyễn Văn Thạo, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, khi Việt Nam xác định đã vượt qua giai đoạn bùng phát Covid-19, các giải pháp hiện nay không chỉ dừng lại cứu trợ mà cần tập trung vào phục hồi và phát triển kinh tế, bởi theo ông, phục hồi kinh tế là vấn đề mấu chốt giải quyết các vấn đề xã hội.