Làm gì để giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động?

Làm gì để giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động?

(GD&TĐ) - An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một trong những chính sách kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt vấn đề này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên trên thực tế, đâu đó vẫn còn một số nơi, đơn vị sử dụng lao động và người lao động còn chủ quan và quan tâm chưa đúng mức về ATVSLĐ. Do đó việc triển khai các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ là điều cần thiết hơn bao giờ hết. 

c
Thực hiện ATVSLĐ là điều cần thiết đối với người sử dụng lao động và người lao động (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tai nạn lao động ở nước ta trong những năm qua có chiều hướng tăng. Trong đó, bình quân giai đoạn 2001-2012, mỗi năm đã xảy ra tới gần 6.000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 6.000 người bị nạn, trong đó có 500 vụ tai nạn gây chết người với hơn 600 người lao động bị thiệt mạng.

Tuy nhiên, số liệu thống kê tại các bệnh viện, cơ sở y tế về số người nhập viện do tai nạn lao động thường nhiều gấp ba lần số liệu được báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, cụ thể mỗi năm có tới 1.700 người lao động bị thiệt mạng do tai nạn lao động gây ra.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động có cả yếu tố chủ khách quan và chủ quan của người sử dụng lao động cũng như người lao động.

Anh Nguyễn Anh Xuân quê ở Thanh Hoá - một nạn nhân của tai nạn lao động làm nghề khoan cắt bê tông, vẫn không thể nào quên được cái ngày mà anh vẫn cho là kinh hoàng ấy. Chỉ một chút sơ ý do chủ quan khi làm việc, một ngón tay áp út bên trái đã đứt hẳn và vĩnh viễn không còn tồn tại trên bàn tay của anh. Giờ đây mỗi khi nhìn lên bàn tay bốn ngón của mình anh lại thấy hối hận và đau sót “ Giá như mình cẩn thận hơn”.

Trường hợp của anh Xuân chỉ là một ví dụ trong vô vàn trường hợp tương tự, mà hậu quả của nó là không lường. Chúng tôi có dịp mục sở thị tại một số địa điểm xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, hà Nội. Qua quan sát cho thấy, hầu hết các công nhân xây dựng đều không sử dụng đồ bảo hộ lao động. Trên đầu không một chiếc mũ bảo vệ, tay trần, chân đất làm việc, thậm trí có những người làm việc chỉ với bộ quần áo cộc. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn lao động.

Chúng tôi tiếp cận với một nhóm thợ đang thực hiện thi công xây dựng cho một nhà dân tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Hơn 10 công nhân làm việc đều không sử dụng đồ bảo hộ lao động. Qua trao đổi được biết: Mặc dù không phải họ không biết, vệ sinh an toàn lao động cần phải đảm bảo những yếu tố như thế nào. Lý do duy nhất để họ không sử dụng bảo hộ khi lao động sản xuất là vướng víu, khó làm việc.

Rõ ràng, nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động, trước hết là chính sự chủ quan của người lao động. Bên cạnh đó, còn là trách nhiệm của các đơn vị, những người trực tiếp sử  dụng lao động, còn chưa kiên quyết hoặc là không có quy định bắt buộc buộc công nhân phải sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc.

Trước thực tế trên, đòi hỏi các cấp, các ngành, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên lĩnh vực này, nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động về sự cần thiết phải đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, các đơn vị sản xuất, người sử dụng lao động, phải tự động hoá, cơ giới hoá các dây truyền sản xuất, bởi điều này không chỉ giúp tăng năng suất lao động mà còn giảm thiểu tới mức tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố nguy hiểm, có hại cho người lao động, góp phần đáng kể trong việc giảm nguy cơ gây tai nạn lao động.

Bên cạnh đó, áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường trong các quá trình sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả sinh thái và giảm thiểu rủi ro con người.

Minh Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ