Lạm dụng thiết bị điện tử: Báo động 'đỏ'

GD&TĐ - Sau nghỉ hè, số lượng trẻ bị tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị gia tăng đáng kể.

Trẻ mắc tật khúc xạ khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC
Trẻ mắc tật khúc xạ khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Sau nghỉ hè, số lượng trẻ bị tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị gia tăng đáng kể. Các chuyên gia lý giải, nguyên nhân chính là do trẻ lạm dụng các thiết bị điện tử: Tivi, iPad, điện thoại, máy tính…, ít các hoạt động ngoài trời trong kỳ nghỉ.

Vấn nạn liên quan đến sức khoẻ và kinh tế

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết, khoảng 2 tuần gần đây, số lượng trẻ tới thăm khám vì mắc tật khúc xạ như cận thị, loạn thị gia tăng đột biến.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trung bình 1 ngày đơn vị tiếp nhận từ 15 - 20 trẻ tới thăm khám vì mắc tật khúc xạ như cận, loạn thị. Con số này tăng từ 4 - 5 lần so với thời điểm trước đó.

Tương tự, tại Khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai, rất nhiều trẻ được cha mẹ cho đến kiểm tra lần đầu hoặc tái khám. Trong số này, nhiều trẻ bị tăng độ cận, loạn trong thời gian nghỉ hè.

BSCKII Phùng Thị Thuý Hằng, Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Bạch Mai thông tin: “Sau đợt nghỉ hè, chúng tôi ghi nhận con số trẻ bị cận thị tăng đáng kể do cả kỳ nghỉ hầu hết chỉ ở trong nhà xem tivi và sử dụng máy tính, điện thoại thông minh nhiều, hạn chế tiếp xúc với không gian, ánh sáng bên ngoài khiến thị lực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tăng độ cận thị do chơi game và sử dụng các thiết bị công nghệ”.

Tình trạng này cũng được ghi nhận tại hầu hết các phòng khám mắt trên địa bàn Hà Nội. Tại một phòng khám trên đường Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), nhân viên tại đây cho biết, trung bình 1 ngày, nơi này có từ 30 - 40 trẻ tới thăm khám vì mắc tật khúc xạ như cận, loạn thị. Con số này tăng từ 4 - 5 lần so với thời điểm trước đó.

Thực tế, cận thị đang trở thành một vấn nạn liên quan đến sức khỏe và kinh tế xã hội toàn cầu và là loại tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Theo thống kê từ Bộ Y tế, cả nước có gần 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó hơn 70% trường hợp là cận thị. Tỷ lệ cận thị học đường luôn chiếm tỷ trọng cao từ 20 - 40% ở thành thị và 10 - 20% ở nông thôn.

Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè, trẻ càng dễ bị cận thị, tăng độ hoặc nhanh mỏi mắt khi đi học trở lại. Hiện tượng này xảy ra do thói quen và các hoạt động kém lành mạnh như đọc sách, truyện trong môi trường thiếu ánh sáng hay với cự ly gần trong thời gian dài; chơi game trên điện thoại, trên máy vi tính; xem tivi… quá nhiều. Từ đó, khiến mắt trẻ phải điều tiết liên tục, gây mệt mỏi, đau và nhức mắt.

Theo BSCKII Phùng Thị Thuý Hằng, tật khúc xạ, cận thị tuy không quá nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái trong cuộc sống và sinh hoạt. Đáng chú ý, cận thị bệnh lý đi kèm với nhiều nguy cơ giảm thị lực trầm trọng, thoái hoá võng mạc ở bệnh nhân cận thị nặng tăng có nguy cơ gây đục dịch kính, glôcôm, rách võng mạc, bong võng mạc… người bệnh sẽ phải điều trị phẫu thuật phức tạp hơn, ảnh hưởng rất lớn đến học tập và lao động của người bệnh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh nhân cận thị cao trên 6 đi-ốp có nguy cơ bị đục thủy tinh thể gấp 5 lần người bệnh cận thị thấp (từ 1 - 3 đi-ốp). Người bị cận thị cao cũng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh thiên đầu thống gấp 14 lần người có độ cận thị thấp; nguy cơ bong rách võng mạc gấp 22 lần người cận thị thấp; thoái hoá hoàng điểm cận thị cao gấp 41 lần người bệnh cận thị thấp.

Phương pháp kiểm soát, điều trị

Theo các bác sĩ, hiện có nhiều cách để kiểm soát, điều trị tật khúc xạ, nhưng chủ yếu là đeo kính mắt hoặc phẫu thuật. Trong đó, kính gọng là phương pháp phổ biến, dễ sử dụng, tiện lợi, chi phí hợp lý và thuận tiện thay đổi nhưng dễ quên mang theo, hay gẫy hỏng. Kính áp tròng (kính tiếp xúc), phù hợp với lứa tuổi thanh niên, người lớn. Phương pháp nhỏ gọn, thẩm mỹ, người ngoài khó nhận biết được người sử dụng.

Tuy nhiên, việc đeo kính áp tròng cũng có những bất tiện nhất định như tháo lắp, ngâm rửa hàng ngày, dễ gây trầy xước giác mạc, viêm nhiễm trùng nếu không cẩn thận. Kính cũng có thể gây dị ứng ở một số người.

“Phẫu thuật khúc xạ có nhiều biện pháp như Lasik, PRK, ReLEs SMILE, Phakic ICL, thay thủy tinh thể và đặt thuỷ tinh nhân tạo. Mỗi loại phẫu thuật đều mang đến những hiệu quả và ưu điểm nhất định”, bác sĩ Phùng Thị Thúy Hằng cho hay.

Tuy nhiên, ngoài vấn đề chi phí, còn phụ thuộc vào nhiều tiêu chí đánh giá, tình trạng của người bệnh để có những khuyến cáo cụ thể. Bên cạnh đó, phương pháp phẫu thuật cũng có những rủi ro ngoài mong muốn. Vì vậy, người bệnh cần tìm hiểu kỹ và khám chữa, điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa đảm bảo chất lượng và tham vấn ý kiến bác sĩ.

Các chuyên gia cho rằng, việc phụ huynh cho trẻ khám mắt vào đầu năm học mới giúp phát hiện kịp thời các bệnh về mắt, đảm bảo một đôi mắt khỏe giúp trẻ có trải nghiệm thị giác tốt hơn và đạt hiệu quả cao hơn trong học tập. Song, phụ huynh cũng nên cho con đi khám mắt định kỳ theo độ tuổi.

Cụ thể, trẻ nên được khám mắt lần đầu khi được 6 tháng tuổi, sau đó nên khám định kỳ vào lúc 3 tuổi, 6 tuổi trước khi đi học và mỗi năm học mới. Riêng với trẻ phải đeo kính nên thăm khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ