Các nhà nghiên cứu từ Đại học Southampton (Anh) và Đại học Maastricht (Hà Lan) đã tiến hành khảo sát hồ sơ sức khỏe của khoảng 30.000 bệnh nhân tim mạch. Họ nhận thấy những bệnh nhân dùng aspirin để ngăn ngừa đột quỵ có nguy cơ mắc chứng đau tim cấp tính cao gấp 1,9 lần so với những người dùng warfarin, một loại thuốc chống đông máu kháng vitamin K (Vitamin K Antagonists - VKA)
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Pharmacology của Anh, loại thuốc kháng đông đường uống (Direct Oral Anticoagulants – DOAC) cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim.
Aspirin được kê đơn để ngăn ngừa các cục máu đông. Ảnh: Getty Images.
Nhóm nghiên cứu tiến hành xem xét lịch sử dùng thuốc và các vấn đề về tim mạch của các bệnh nhân. Trong đó có 15.400 người sử dụng aspirin, 13.098 người sử dụng VKA, 1.266 người sử dụng DOAC và 382 người uống lẫn lộn các loại thuốc.
Những người dùng DOAC được theo dõi tình trạng sức khỏe trong thời gian một năm, những người dùng VKA và aspirin được theo dõi trong ba năm.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Leo Stolk, từ Đại học Maastricht, cho biết: “Điều trị và phòng huyết khối tĩnh mạch bằng thuốc kháng vitamin K là nền tảng cho việc phòng ngừa đột quỵ trong suốt nhiều thập kỷ qua. Chúng tôi đã xác định được những người đang và đã sử dụng aspirin có nguy cơ bị đau tim cao hơn so với dùng các loại thuốc VKA. Chúng tôi nghĩ rằng dùng aspirin sẽ có hại nhiều hơn có lợi đối với bệnh nhân bị rung tâm nhĩ”.
Rung tâm nhĩ (Atrial Fibrillation) là một loại rối loạn nhịp tim, khiến tim đập nhanh, loạn nhịp, làm tăng nguy cơ đột quỵ và có thể dẫn tới tử vong. Bệnh ảnh hưởng tới khoảng 900.000 bệnh nhân ở Anh, nhưng có đến 1/7, tương đương với khoảng 120.000 bệnh nhân vẫn đang dùng aspirin mặc dù nó ít mang lại hiệu quả.
Nguyên nhân của tình trạng trên là trong suốt gần một thập niên qua, các bác sĩ tim mạch luôn được khuyến khích kê aspirin trong đơn thuốc, vì người ta cho rằng nó có thể ngăn ngừa các cục máu đông gây đột quỵ.
Nhưng bằng chứng gần đây cho thấy aspirin làm tổn hại niêm mạc dạ dày, loét dạ dày tá tràng, thậm chí xuất huyết dạ dày. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy aspirin ít có hiệu quả hơn các loại thuốc chống cục máu đông khác như warfarin và một số loại NOACS (New Oral Anticoagulants) bao gồm: rivaroxaban,dabigatran và apixaban.