Lâm Đồng: Hơn 22.000 nhà giáo bị dừng chi trả phụ cấp thâm niên

GD&TĐ - Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo. Ước tính có hơn 22.000 giáo viên trên địa bàn chịu ảnh hưởng của quyết định này.

Quang cảnh Lễ tôn vinh Giáo viên dạy giỏi của Ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Sở GD&ĐT Lâm Đồng)
Quang cảnh Lễ tôn vinh Giáo viên dạy giỏi của Ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Sở GD&ĐT Lâm Đồng)

Theo công văn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng ký ngày 28/5, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh này tạm dừng thực hiện chi trả phụ cấp thâm niên (PCTN) đối với nhà giáo và tạm thời chưa thu hồi PCTN nhà giáo đã chi trả cho đến khi có chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, như đề xuất của Sở Tài chính.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổng hợp số đối tượng, kinh phí thực hiện chi trả, thu hồi (nếu có); tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện sau khi có ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, chế độ PCTN được thực hiện theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực. Theo đó, nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn nào về thực hiện chế độ tiền lương.

"Các địa phương trong tỉnh vẫn thực hiện chi trả PCTN đến tháng 3. Tuy nhiên, đến tháng 4, một vài nơi không thực hiện chi trả nữa nên giáo viên có ý kiến. Vì vậy, Sở Tài chính tỉnh  đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thống nhất tạm dừng chi trả PCTN trong toàn tỉnh", đại diện Sở GD&ĐT cho hay.

Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Đức Trọng - Lâm Đồng cho biết, qua phản ánh, tại một số đơn vị trường học, huyện đã tạm ngưng thực hiện PCTN hoặc đã chi trả rồi thu hồi lại. Động thái này khiến nhiều nhà giáo  băn khoăn, vì ảnh hưởng đến quyền lợi, thu nhập của bản thân.

Một lãnh đạo ngành GD&ĐT địa phương chia sẻ, vợ chồng là giáo viên, mỗi tháng sẽ không còn 5 triệu đồng, vì không còn PCTN, nên hoàn cảnh gia đình rơi vào khó khăn. Từ thực trạng trên, đã có đơn vị giáo dục làm văn bản gửi Sở Tài chính Lâm Đồng đề nghị xem xét thực hiện PCTN theo Nghị định 54 của Chính phủ.

Công văn của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định 54 của Chính phủ.
Công văn của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc dừng chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định 54 của Chính phủ.

Đơn cử  là Trường THCS Tân Thành, huyện Đức Trọng, ngày 26/4 trường này đã có văn bản gửi Sở Tài chính.

Để giải quyết nội dung này, ngày 7/5, Sở Tài chính có văn bản  gửi UBND tỉnh Lâm Đồng với  ý kiến: Chính phủ chưa có văn bản chính thức về việc thực hiện chi trả chế độ PCTN nhà giáo, nên Sở chưa có cơ sở tiếp tục thực hiện.

Sở Tài chính “xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh việc tạm dừng thực hiện chi trả PCTN đối với nhà giáo để thực hiện thống nhất chung trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, tạm thời chưa thực hiện thu hồi PCTN nhà giáo đã chi trả”.

Ngày 31/5, Sở GD&ĐT Lâm Đồng có văn bản đề nghị các đơn vị trực thuộc Sở tạm dừng thực hiện chi trả PCTN đối với nhà giáo từ ngày 1/6 và tạm thời chưa thu hồi PCTN đã chi trả cho đến khi có hướng dẫn của Trung ương. 

Trước thắc mắc của các giáo viên, ông Nguyễn Vĩnh Hiến - Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT Lâm Đồng nêu quan điểm nên chờ văn bản hướng dẫn thực hiện của Chính phủ, đồng thời trước mắt thống nhất thực hiện chung một phương án trên địa bàn toàn tỉnh...

Trao đổi về những khó khăn của giáo viên sau khi bị dừng chi trả PCTN, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Di Linh Phan Đình Đồng cho biết, khoản phụ cấp này phụ thuộc vào thời gian công tác và cống hiến của mỗi giáo viên.

Cụ thể giáo viên công tác được 5 năm thì được hưởng khoản PCTN là 5% hệ số lương, các năm tiếp theo sẽ được cộng thêm 1% hệ số lượng. Do đó, giáo viên công tác trong ngành càng lâu thì được hưởng khoản PCTN càng cao. 

"Trước đây, giáo viên đang có khoản phụ cấp thâm niên này, nay bị ngưng,  quả là khó khăn thật", ông Đồng chia sẻ.

Việc chi trả PCTN đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện như thế nào từ sau ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực là băn khoăn của nhiều địa phương hiện nay. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ; hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011, sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC- BLĐTBXH ngày 20/11/2015 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.

Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 2446/BGDĐT ngày 6/7/2020 báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện PCTN nhà giáo. Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

"Hiện tại, chính sách tiền lương và phụ cấp của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện theo quy định của Chính phủ. Theo đó, các chính sách về chế độ tiền lương (trong đó có chế độ phụ cấp thâm niên) đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi có các quy đinh hướng dẫn mới" – ông Đặng Văn Bình cho hay. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.