Lâm Đồng: Đầu tư hơn 167 tỷ đồng xây dựng trường lớp

GD&TĐ - Gần chục năm qua, huyện vùng cao Lâm Hà- nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống- đã được TP Hà Nội đầu tư hơn 167 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường học. Lâm Hà- mảnh đất đặc biệt- là vùng kinh tế mới của Thủ đô Hà Nội vừa tròn tuổi 30.

Trường tiểu học Hoài Đứv 1- Trường đạt chuẩn quốc gia của xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà
Trường tiểu học Hoài Đứv 1- Trường đạt chuẩn quốc gia của xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà

Điều đáng trân trọng nhất là: Giai đoạn từ năm 2009- 2014, có 8 trường mầm non, tiểu học và THCS của Lâm Hà, đã được các quận- huyện thuộc TP Hà Nội hỗ trợ nguồn vốn trên 159 tỷ đồng xây dựng trường lớp.

Vẫn tình cảm hỗ trợ sâu nặng đó, giai đoạn 2016- 2020, ngân sách các quận -huyện của TP Hà Nội cũng đã dự trù tiếp tục đầu tư 285 tỷ 652 triệu đồng, giúp ngành GD&ĐT huyện Lâm Hà xây mới- nâng cấp cơ sở vật chất 15 trường học.

Sự ra đời của huyện Lâm Hà, gắn liền với biết bao mồ hôi- công sức của hàng vạn tuổi trẻ tình nguyện rời quê cha- đất tổ Thủ đô, vào xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội trên đất Lâm Hà 30 năm trước.

Qua 30 năm hình thành, phát triển và đổi mới (1987- 2017), đến nay sự nghiệp “trăm năm trồng người” của Lâm Hà khởi sắc mạnh mẽ, toàn diện, nhiều năm liền là một trong những đơn vị luôn đứng ở tốp đầu của ngành GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng.

Trường tiểu học Cilcus- hơn 98% là HS dân tộc thiểu số của xã Mê Linh, Lâm Hà, sắp khánh thành với vốn đầu tư hơn 13 tỷ đồng.
Trường tiểu học Cilcus- hơn 98% là HS dân tộc thiểu số của xã Mê Linh, Lâm Hà, sắp khánh thành với vốn đầu tư hơn 13 tỷ đồng.   

Hiện nay, huyện có diện tích 930.23 km2, gồm 2 thị trấn và 14 xã, 188 thôn. Dân số Lâm Hà đã lên tới 141.969 người (tăng hơn 3 lần so với ngày thành lập huyện)- gồm 31 dân tộc anh em đến từ 63 tỉnh, thành cả nước, trong đó các dân tộc thiểu số: Cill, Mạ, K’ho, Thái, Tày, Nùng... chiếm ¼ dân số. Nhân dân trong huyện chủ yếu sống bằng nghề nông, kinh tế phụ thuộc nhiều vào cây chủ lực là cà phê, bên cạnh đó là các loại cây tiêu, dâu tằm- tơ, chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Gắn liền với Kế hoạch xây trường đạt chuẩn quốc gia và Chương trình xây dựng Nông thôn mới, tính riêng năm học 2016- 2017 vừa qua, từ nhiều nguồn vốn, đã có 12 công trình trường học của Lâm Hà được đầu tư xây mới cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, với tổng kinh phí lên tới 92 tỷ 481 triệu đồng (riêng ngân sách huyện đã chi gần 25 tỷ đồng).

Cả nước ta, hiếm có địa phương nào đã, đang và sẽ được sự ưu tiên đầu tư xây trường- dựng lớp hết sức vô tư và đầy hiệu qủa, như Thủ đô Hà Nội với mảnh đất xa xôi, bé nhỏ Lâm Hà! Mong sao nghĩa tình sâu nặng đặc biệt này ngày càng nhân rộng trên toàn quốc.

Những cư dân hôm nay trên đất Lâm Hà- nhất là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường- có lẽ mãi mãi không quên những mái trường nghèo tạm bợ, thuở ông- cha yêu qúy, 30 năm trước từ Thủ đô vào mảnh đất cao nguyên nhỏ bé, xa xôi, khai phá, mở mang, chung lưng, đấu cật xây trường- dựng lớp, để có được quê hương kinh tế mới Lâm Hà rạng rỡ hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ