Làm đẹp da bằng… cao hoa thanh long

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhóm nhà khoa học Trường Đại học Y Dược TPHCM vừa nghiên cứu thành công cao chiết từ hoa thanh long phát triển thành các sản phẩm bảo vệ da.

Hoa thanh long có thể là nguyên liệu cho các sản phẩm làm đẹp da lành tính.
Hoa thanh long có thể là nguyên liệu cho các sản phẩm làm đẹp da lành tính.

Hoạt chất flavonoid trong hoa thanh long giúp chống oxy hóa và ức chế enzyme tyrosinase (góp phần tổng hợp ra melanin tạo sắc tố da), có thể ứng dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.

Tận dụng hoa thanh long vứt bỏ

Nhóm các nhà khoa học gồm PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi, ThS Nguyễn Lê Thanh Tuyền, ThS Nguyễn Thị Kim Oanh, DS Vũ Thu Hiền và PGS.TS Trần Thị Vân Anh, Trường Đại học Y Dược TPHCM vừa nghiên cứu thành công cao chiết từ hoa thanh long bị vứt bỏ để phát triển thành các sản phẩm bảo vệ da.

PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi, trưởng nhóm, cho biết, thanh long là loại cây ăn quả được trồng phổ biến ở Việt Nam, tập trung nhiều nhất ở tỉnh Bình Thuận. Hoa thanh long khi nở có màu trắng đẹp như hoa quỳnh, trong dân gian được dùng chữa viêm phế quản, viêm hạch bạch huyết thể lao, giải độc rượu.

Theo nhiều nghiên cứu, hoa thanh long rất giàu chất chống oxy hóa, vitamin C, kali, và có khả năng kháng viêm… Trong hoa có hoạt chất flavonoid giúp chống oxy hóa và ức chế enzyme tyrosinase (góp phần tổng hợp ra melanin tạo sắc tố da), có thể ứng dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Tuy nhiên, những nghiên cứu về tác động bảo vệ da của hoa thanh long còn rất ít ở Việt Nam.

Trong khi đó, một cây thanh long có nhiều cành, mỗi cành có nhiều hoa, nhưng người dân chỉ giữ lại 1 - 2 hoa/cành để thụ phấn. Số hoa còn lại thường bị vứt bỏ, tự phân hủy, gây mùi khó chịu và ô nhiễm môi trường. Do vậy, nhóm tác giả Trường Đại học Y Dược TPHCM thực hiện Đề tài “Khảo sát tác động bảo vệ da của cao chiết từ hoa thanh long” từ năm 2019.

Nhóm thu hái hoa thanh long ruột trắng ở Bình Thuận và hoa thanh long ruột đỏ ở Long An. Sau đó, hoa được chiết với các dung môi và khảo sát khả năng ức chế enzyme tyrosinase.

Kết quả, cao chiết cồn 70% từ nụ hoa thanh long ruột trắng 8 - 18 ngày tuổi (tương ứng đến 2 - 3 ngày trước khi nở), thể hiện hoạt tính ức chế tyrosinase mạnh nhất và được chọn để chiết xuất cao tiềm năng cho giai đoạn thử tác động bảo vệ da.

Từ 3,4 kg nụ hoa thanh long khô, chiết ngấm kiệt với cồn 70%, nhóm thu được 1,09 kg cao tiềm năng có độ ẩm trung bình 15,92 ± 0,75%, hiệu suất chiết 30,06%. Cao thanh long có hàm lượng flavonoid và polyphenol toàn phần lần lượt khoảng 85 mg/gr cao và 9,57mg/gr cao.

Bảo vệ da tương đương viên uống chống nắng

Thử nghiệm độc tính cấp đường uống của cao nụ hoa thanh long trên chuột nhắt xác định được liều tối đa không gây chết chuột là 12,5 gr/kg. Trên mô hình gây tổn thương da chuột bằng tia UVB (có thể làm da bị cháy nắng, ung thư da), cao chiết từ hoa thanh long thể hiện tác động kháng viêm, chống oxy hóa.

Ngoài ra, cao chiết còn làm tăng hàm lượng Glutathione (GSH, chất tự nhiên do gan sản xuất, có tác dụng ngăn ngừa lão hóa) da 10 - 30%, giảm hàm lượng Malondialdehyde (MDA, một trong những sản phẩm của quá trình oxy hóa lipid) da 15 - 25%.

Ở lô uống cao liều thử 100 hoặc 200mg/kg, hàm lượng hydroxyprolin tăng khoảng 25% so với lô chứng bệnh. Khi phân tích cấu trúc vi thể da, cao nụ hoa thanh long liều 100mg/kg làm giảm tỉ lệ tổn thương da do UVB, trong khi liều 200 và 300mg/kg không làm giảm tổn thương da trên phân tích vi thể.

PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi cho biết, nhóm cũng thử nghiệm, so sánh và nhận thấy các tác dụng bảo vệ da của cao nụ hoa thanh long tương tự viên Nucos White (viên uống chống nắng, làm sáng da). Từ các kết quả trên, nhóm tác giả cho rằng, có thể sử dụng cao chiết hoa thanh long để phát triển thành các sản phẩm bảo vệ da.

Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục cải thiện hiệu quả của cao chiết bằng cách điều chế sản phẩm dùng qua da hoặc kéo dài thời gian cho uống. Thành công bước đầu trên chuột thử nghiệm mở ra khả năng phát triển một sản phẩm làm đẹp lành tính, hiệu quả cao, tận dụng được nguồn hoa thanh long đang thải bỏ với số lượng lớn ở các nhà vườn hiện nay.

“Quả thanh long đã được rất nhiều đơn vị nghiên cứu, từ thịt đến vỏ thanh long đều có những hoạt chất rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nghiên cứu hoạt chất ở hoa thanh long vẫn còn rất mới mẻ, chưa có tài liệu khoa học nào kể cả trong và ngoài nước.

Hướng đi của nhóm được cho là mới, do vậy cần thêm nhiều thời gian nghiên cứu chuyên sâu hơn. Hy vọng với những thành quả đạt được bước đầu sẽ mở ra hướng nghiên cứu mới, tạo ra sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống”, PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ