Làm chủ không gian mạng: Tăng “sức đề kháng” cho học sinh

GD&TĐ - Với hơn 24 triệu HSSV, ngành GD-ĐT luôn xác định công tác giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống cho HSSV là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng sức đề kháng, chống lại thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Học sinh Trường THPT Đa Phúc (Hà Nội) trong buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về an ninh mạng.
Học sinh Trường THPT Đa Phúc (Hà Nội) trong buổi sinh hoạt ngoại khóa tìm hiểu về an ninh mạng.

Định hướng tư tưởng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 311/QĐ-TTg ngày 5/3/2022 phê duyệt Chương trình Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030.

Một trong những mục tiêu mà chương trình đề ra đến năm 2030, tất cả cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân xây dựng tài liệu và giảng dạy kỹ năng thích ứng và sử dụng không gian mạng an toàn, tích cực, hiệu quả cho HSSV; 100% trường học có các kênh thông tin trên không gian mạng để kết nối, tập hợp, tương tác, tuyên truyền, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu nhi.

Cô Lưu Thị Minh Lương - giáo viên Trường THPT Đa Phúc (Hà Nội) cho biết: Những năm vừa qua, nhà trường coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên môi trường mạng; tuyên truyền, phổ biến cho học sinh các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng; phòng ngừa và đấu tranh với việc lợi dụng không gian mạng, phòng ngừa và đấu tranh với việc lợi dụng không gian mạng đưa thông tin độc hại.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh ký cam kết thực hiện và chấp hành nghiêm túc Luật An ninh mạng; triển khai các chuyên đề văn hoá ứng xử trên mạng xã hội; thi tìm hiểu về dịch vụ công trực tuyến, Luật An ninh mạng nhằm giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong học tập, cuộc sống.

Cùng với đó, học sinh nhà trường còn có các buổi sinh hoạt ngoại khóa như: “Nhật ký mùa dịch” của học sinh khối lớp 12; “Ở nhà cũng vui” của học sinh khối lớp 11 và “Vẽ poster phòng, chống dịch Covid-19” của học sinh khối lớp 10 nhằm giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh, đặc biệt chú trọng về văn hóa ứng xử khi tham gia không gian mạng.

Nhà trường cũng thành lập và duy trì các trang Facebook, Zalo dành riêng cho học sinh đang học tại trường. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những trang thông tin này không chỉ giúp ích trong quá trình dạy và học online mà còn tạo điều kiện để học trò gần gũi nhau.

Trong bối cảnh Internet bùng nổ, mạng xã hội đã tác động mạnh mẽ đến giới trẻ, đặc biệt là học sinh. Thay vì ngăn cản các em tham gia mạng xã hội, nhà trường đã tiếp cận, giáo dục các em có việc làm đúng, cách ứng xử phù hợp.

Chia sẻ thông tin trên, cô Nguyễn Thị Nha Trang - giáo viên Trường THPT Nguyễn Thái Học (tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay: Những năm qua, nhà trường thành lập câu lạc bộ truyền thông, xây dựng trang fanpage chính thức để làm chủ không gian mạng, giúp giáo dục, định hướng tư tưởng, lối sống cho học sinh. Trên trang fanpage, thầy cô giáo và học sinh thường xuyên chia sẻ thông tin và phản bác những luận điệu sai trái, câu chuyện chưa đúng sự thật để học sinh hiểu, tiếp nhận thông tin chuẩn mực hơn. Những bức hình, clip kèm câu chuyện hay đã có sức lan tỏa tích cực đến học sinh trong trường.

Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đặc biệt quan trọng trong thời gian học trực tuyến.
Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đặc biệt quan trọng trong thời gian học trực tuyến.

Cụ thể hóa qua nội dung các bài học

Ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT tổ chức các nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho HSSV trên không gian mạng; xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trên không gian mạng cho HSSV trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho HSSV trên không gian mạng được ngành quan tâm từ nhiều năm nay. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức một số lớp tập huấn cho các cơ sở đào tạo về hướng dẫn HSSV khai thác, sử dụng Internet, mạng xã hội vào mục đích học tập, nghiên cứu khoa học, giải trí lành mạnh…

Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 3296/QĐ-BGDĐT phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với HSSV trên môi trường mạng đến năm 2025” nhằm tăng cường và phát huy hiệu quả công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục HSSV trên môi trường mạng, giảm thiểu tác động của những thông tin độc hại, sai trái trên Internet, mạng xã hội đối với HSSV.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”. Ngành Giáo dục cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để phòng, chống, phát hiện và xử lý sớm các trường hợp xâm hại trẻ em, nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống các công cụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Với vai trò của mình, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền giáo dục và hướng dẫn HS, SV các kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội an toàn, lành mạnh, hữu ích; nhận biết, sàng lọc và một số biện pháp tự bảo vệ bản thân trước những luồng thông tin không chính thống, chưa được kiểm duyệt.

Các chủ trương đó được cụ thể hóa trong nội dung chương trình học như: Đưa kiến thức tin học vào dạy cho học sinh phổ thông và Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nội dung giáo dục khai thác sử dụng Internet an toàn, lành mạnh được triển khai vào chương trình Tin học từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua chủ đề dạy học đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số.

Bên cạnh các biện pháp định hướng HSSV cách tiếp cận và tự bảo vệ mình trên không gian mạng, ngành Giáo dục cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học chú trọng giáo dục văn hóa ứng xử trên môi trường Internet thông qua các thông điệp, tin nhắn gửi qua mạng xã hội. - Ông Nguyễn Xuân An Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...