>>> Học cách làm bạn với con tuổi teen
>>> Ứng xử thế nào khi con tuổi teen tuyên bố 'mẹ không hiểu con chút nào hết'
Ở tuổi teen, nếu con gái tìm đến một đối tượng thiếu tin cậy để tâm sự, chia sẻ nhiều khi sẽ gây tổn thương, thậm chí khiến con đi sai đường.
Đừng để con tìm đối tượng thiếu tin cậy
Chị Nguyễn Phương Thanh (Hoàn Kiếm, HN) chia sẻ: “Tôi có 2 con gái. Các con đang trong độ tuổi trưởng thành nên rất muốn trò chuyện nhiều hơn với con. Tuy nhiên, với tâm lý lo lắng của người mẹ, mỗi cuộc nói chuyện dù ngắn hay dài tôi đều cố gắng nói nhiều nhất, phân tích nhiều nhất để có thể nạp vào đầu con những kiến thức mà các con chưa biết.
Lâu dần, tôi nhận thấy, cuộc trò chuyện đó chỉ có một người nói duy nhất là tôi, các con chỉ ngồi im”.
Đây có lẽ không phải là trường hợp hiếm gặp hiện nay, nhất là cha mẹ có con gái đang trưởng thành cả về suy nghĩ lẫn cảm xúc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, kỹ năng nói chuyện với con trẻ nói chung là hãy dành thời gian để hiểu con đang muốn gì trong câu chuyện, nhất là con gái thì nên gợi mở để rồi lắng nghe con nói nhiều hơn là việc giảng dạy.
Đối với con gái, việc có người để tâm sự vô cùng quan trọng, nếu thay vì cha mẹ mà con tìm đến một đối tượng thiếu tin cậy nào đó sẽ gây ra nhiều tổn thương lớn, thậm chí khiến con đi sai đường.
Cô Nguyễn Hồng Hà – Giáo viên dạy kỹ năng sống Trung tâm Phát triển cộng đồng dành cho Thanh thiếu niên chia sẻ: “Theo đặc tính, bé gái thường nhút nhát và ngại ngùng hơn so với nhiều bé trai. Vì vậy, bé gái nên được thoải mái thể hiện cảm xúc của mình, kể cả sự tức giận với người lớn và quan trọng là trẻ em gái dám đưa phản biện.
Nếu bé không dám làm điều ấy với mọi người trong gia đình thì cũng sẽ không thể ứng xử như thế với ông chủ, bạn trai hay những người khác phái khác trong cuộc sống sau này. Để giúp con rèn tính cách này, cha mẹ hãy cho phép và khuyến khích bé gái thể hiện cảm xúc trung thực, ý kiến cá nhân, thay vì trừng phạt mỗi lần con dám cãi lại hay tỏ ra giận dữ”.
Chính vì vậy, ở mỗi cuộc trò chuyện với con, cha mẹ không chỉ lắng nghe con nói và còn cần bình tĩnh để thấu hiểu được lúc con tức giận. Khi đó, các bé gái sẽ được bộc lộ cảm xúc thật, được nói hết ra những suy nghĩ của mình như một cuộc “nổi loạn”. Điều này còn ảnh hưởng đến tính cách tự lập, làm chủ cuộc sống sau này của con gái, vì vậy, người thân nhìn thấy con nổi loạn để có cách điều chỉnh.
Cho nên, chỉ có lắng nghe những tâm tư của con gái mới hiểu con đang ở ngưỡng nào để nói chuyện, chia sẻ và thấu hiểu.
Cô Hà cho rằng: “Khi nói chuyện, cha mẹ cũng cần có kỹ năng. Trong cuộc trò chuyện, dù là quan trọng hay chỉ là chuyện vui, cần chú ý hoàn toàn vào con. Khi ngồi xuống nói chuyện với con, cha mẹ hãy đảm bảo rằng không có gì có thể gây gián đoạn cuộc hội thoại.
Đừng để con bày tỏ trong khi bố mẹ đang dán mắt vào điện thoại hoặc vừa nghe con nói vừa liếc mắt xem dở tập phim nào đó, hãy hoàn toàn tập trung vào câu chuyện của trẻ. Điều này sẽ dạy con rằng, trong một cuộc giao tiếp, ai cũng cần được tôn trọng. Và con sẽ cảm thấy những tâm tư của mình thực sự quan trọng với cha mẹ, từ đó giúp con mở lòng hơn rất nhiều”.
Ảnh minh hoạ. |
Hãy đặt mình vào trẻ
Đôi lúc, chính cha mẹ cảm thấy “căng thẳng” khi bắt đầu cuộc trò chuyện, nhất là để giải thích về những việc con đã làm sai. Vì vậy, hãy biến cuộc nói chuyện thật thoải mái, gợi ý để con đưa ra nhiều câu hỏi hơn. Khi đó, câu chuyện sẽ dễ dàng mở ra các nút thắt, cũng chính là lúc cha mẹ hiểu con đang cần gì, nghĩ gì.
Mỗi câu hỏi của con, cũng là cơ hội để người lớn phân tích, giải thích và giải tỏa cho con, lúc này cuộc nói chuyện sẽ thực sự có hiệu quả.
Đặc biệt, con gái thường thích thể hiện tình cảm, trẻ em gái cũng vậy, vì thế, cách cha mẹ thể hiện tình cảm của mình trong mỗi cuộc nói chuyện cũng rất quan trọng. Điều này cũng là một cách dạy con nhìn nhận về cuộc sống và chọn cách ứng xử phù hợp.
Cha mẹ hãy luôn khuyến khích con làm hết sức nhưng đồng thời cũng để trẻ biết rằng dù thế nào thì bạn vẫn luôn yêu con. Hãy luôn dành thời gian và sự chú ý cho con, có mặt ở những sự kiện quan trọng với con gái, về nhà ăn tối và đừng ngại thể hiện tình yêu bằng những cử chỉ ân cần, âu yếm.
Từ những điều giản dị này, con gái cũng sẽ học được cách bộc lộ tình cảm, quan tâm tới mọi người xung quanh để cân bằng cảm xúc và sống sôi nổi hơn.
Hãy thử đặt bản thân vào một đứa trẻ, khi những niềm vui trong cuộc sống không được sẻ chia, khi những bức bối trong lòng không được giải thoát thì chúng ta sẽ ra sao? Vì thế, đừng nghĩ rằng con gái nên chuyện e dè, ngại giao tiếp, sống nội tâm cũng là chuyện bình thường.
Trong mỗi câu chuyện, hãy kéo con vào tham gia cùng, bàn luận về một vấn đề chung nào đó như môn thể thao, đi dã ngoại, chuyện bạn bè,… Khi đó con gái sẽ thấy vui vẻ và hướng ngoại hơn.
Theo chuyên gia chăm sóc sức khỏe vị thành niên Đỗ Minh Phượng - Trung tâm y tế dự phòng quận Ba Đình: “Nếu trẻ em gái ngại trò chuyện, không muốn giao tiếp, không bày tỏ được suy nghĩ chất chứa trong lòng, lâu dần sẽ ảnh hưởng lớn đến tính cách, tâm lý và sức khỏe. Thậm chí, có nhiều bé có nguy cơ trầm cảm, học tập sa sút, cáu gắt vô cớ,…
Vì vậy, cha mẹ là người quan trọng nhất trong tuổi trưởng thành của trẻ, không chỉ đóng vai trò là người lớn tuổi mà còn cần là người bạn để trẻ có thể tâm sự, nhất là với những bé gái”.
Chuyên gia Đỗ Minh Phượng cũng cho biết thêm, với bé gái, ngoài những hoạt động chung giúp con sống tích cực hơn, vui vẻ hơn, cha mẹ cũng nên có những buổi trò chuyện riêng tư về giới tính, chuyện tình cảm, quan hệ bạn bè, nam nữ, tiền bạc,… Bởi vì độ tuổi trưởng thành, con tò mò về rất nhiều điều xung quanh trong cuộc sống. Chính những tò mò này sẽ kích thích trẻ “thử”, nếu không để ý, cha mẹ sẽ vô tình để con gây ra những hậu quả nghiêm trọng.