Trang bị kiến thức cho con gái ở tuổi dậy thì

GD&TĐ - Chuẩn bị kiến thức và dạy cho con gái đón nhận tuổi dậy thì, cha mẹ sẽ tạo nền tảng tốt cho sức khỏe và tinh thần của con sau này.

Bé gái vào tuổi dậy thì cần được cha mẹ quan tâm nhiều hơn. Ảnh minh họa
Bé gái vào tuổi dậy thì cần được cha mẹ quan tâm nhiều hơn. Ảnh minh họa

Kỹ năng bảo vệ bản thân

Bước vào tuổi dậy thì, bé gái bắt đầu phát triển tư duy trừu tượng, tò mò về những hành vi liên quan đến tình dục và những vấn đề “người lớn” khác mà con chưa từng được biết đến. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, bé gái thường dậy thì sớm hơn bé trai. Do đó suy nghĩ và tư tưởng của bé gái thường phát triển sớm hơn bé trai. Các em thường ý thức được rằng mình không còn là trẻ con nữa nên mong muốn được cha mẹ tôn trọng.

Một trong những thay đổi tính cách con gái tuổi dậy thì rõ ràng nhất là việc quan tâm đến những thay đổi của cơ thể khi so sánh với các bạn cùng lứa. Đặc biệt các bé gái sẽ thường trở nên nhạy cảm hơn. Dễ lo lắng và buồn rầu khi nhận ra những điểm mà mình không bằng các bạn. Các bé gái xuất hiện tâm lý so sánh nhau và bắt đầu quan tâm hơn đến việc làm đẹp, thay đổi phong cách.

“Ở độ tuổi từ 14 - 16, các bé gái sẽ dành sự quan tâm đặc biệt hơn đến ngoại hình, vóc dáng, ưu nhược điểm trên cơ thể. Bé muốn tự do khẳng định bản thân đồng thời muốn tách khỏi kiểm soát của gia đình. Để mở rộng hơn nữa các mối quan hệ trong xã hội”, bác sĩ Hằng lưu ý.

Cũng theo bác sĩ này, con gái dậy thì không còn vô tư, vô lo, vô nghĩ. Những rung động đầu đời, lo lắng, suy nghĩ về cuộc sống, áp lực từ việc học hành trong tuổi dậy thì khiến cho các con trở nên nhạy cảm và dễ xúc động hơn trước mọi vấn đề trong cuộc sống. Trong giai đoạn này, mẹ cần quan tâm bé hơn bằng cách ở bên cạnh con, tâm sự và chia sẻ về những khúc mắc.

Đặc biệt, khi những dấu hiệu của chu kỳ nguyệt san đầu tiên xuất hiện, chắc hẳn con sẽ cực kỳ bối rối và hoảng hốt. Mẹ nên tìm cách nói chuyện và giúp đỡ trẻ dần quen với chu kỳ sinh lý bình thường này của cơ thể.

Đôi khi, cha mẹ có thể cùng con tham gia các buổi tư vấn tâm sinh lý tuổi mới lớn ở trường lớp cùng bạn bè đồng trang lứa. Đây sẽ là cách dạy con gái tuổi dậy thì gián tiếp, giúp con trang bị thêm kiến thức và tự tin để vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi mới lớn.

Bên cạnh đó, cần giúp con tự tin về bản thân của mình, về tri thức, ngoại hình và cả tâm hồn. Bởi sự tự tin chính là chìa khóa giúp con mở những cánh cửa thành công và hạnh phúc. Mẹ có thể giúp con trau dồi tri thức bằng việc tặng con những quyển sách hoặc gây bất ngờ với việc đăng kí cho con học lớp năng khiếu yêu thích.

Hơn nữa, cha mẹ và thầy, cô giáo cũng cần phối hợp, trang bị những kiến thức, kỹ năng cho trẻ khi bước vào tuổi dậy thì. Cần tập cho con biết trân trọng và yêu quý bản thân mình, giúp con gái mình cảm thấy tự tin với ngoại hình của con và giúp cô bé cảm thấy hạnh phúc, hài lòng với những gì mà bản thân có.

Cũng theo bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ dậy thì là thời điểm có chu kỳ kinh nguyệt, nghĩa là đã có khả năng mang thai. Vì vậy, cha mẹ cần chia sẻ cũng như dạy con gái tuổi dậy thì cách phòng vệ và tự bảo vệ bản thân mình. Kiến thức tránh thai, việc quan hệ nam nữ ra sao cũng là rất quan trọng nên dạy trẻ. Không được ngần ngại chia sẻ vấn đề này, mà làm sao để con có kỹ năng tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Đừng làm bạn với con chỉ vì “dễ kiểm soát”

Cô giáo Nguyễn Thị Thương, Trường THCS Thuận Thành (Bắc Ninh), chia sẻ, trẻ vị thành niên thường bốc đồng và nhạy cảm. Những quy định nghiêm khắc hoàn toàn không khiến cho con ghét cha mẹ nhưng chính cách cha mẹ giúp con xử lý rắc rối và dạy con khôn lớn qua những sai lầm mới khiến con trưởng thành. Do vậy, nếu con có lỡ vi phạm thì cũng không cần đến những hình phạt nghiêm khắc mà hãy cho con một cơ hội để làm lại.

Ở độ tuổi này, con gái tuổi dậy thì thường dễ gặp áp lực từ nhiều phía như học tập, tình cảm, định hướng tương lai do con hay so sánh mình với mọi người xung quanh. Là một người cha, người mẹ, hãy luôn động viên con, cho con thấy thế mạnh của bản thân để tạo động lực cho con. Hãy cho con biết rằng áp lực cũng là một động lực giúp con phát triển. Vì vậy, hãy sẵn sàng đối mặt với nó.

Cũng theo cô giáo Nguyễn Thị Thương, nhiều cha mẹ cố làm bạn với con chỉ để dễ dàng can thiệp, kiểm soát. Việc này sẽ khiến con sợ cha mẹ hơn. Thay vào đó, nên quan tâm và dành thời gian cho con, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của trẻ.

“Lưu ý rằng, không nên dạy con gái tuổi dậy thì bằng cách la mắng, dùng roi vọt. Đây không phải là cách dạy con gái tuổi dậy thì hiệu quả vì những lúc như vậy trẻ sẽ không còn muốn nghe xem phụ huynh nói gì nữa. Thêm vào đó, con sẽ có thái độ chống đối và cố làm trái ý cha mẹ. Cách tốt nhất là cha mẹ nên giữ bình tĩnh rồi đặt mình vào vị trí của con để nói chuyện với con”, cô Thương nói.

Cô Thương cho biết thêm, điều mà nhiều cha mẹ băn khoăn khi con gái dậy thì là việc tiếp xúc với bạn khác giới. Do đó, nên trang bị cho con những kiến thức căn bản về giới tính. Dạy con gái tuổi dậy thì về tình dục an toàn và bảo vệ bản thân là điều mà cha mẹ nên làm.

Ngoài ra, độ tuổi dậy thì là khi trẻ bắt đầu biết suy nghĩ, bắt đầu nhạy cảm với mọi thứ. Cha mẹ không nên so sánh con với bạn bè khác bằng những câu nói nặng nề. Cần tìm ra thế mạnh của trẻ để phát huy thay vì chỉ nhìn vào những điều chưa hoàn thiện. Điều này giúp trẻ cảm thấy đỡ tổn thương hơn.

Ngoài ra, không chỉ dạy con gái mà bé trai cũng cần phải học khi dậy thì đó là cách tự chăm sóc bản thân. Bởi trong tương lai nếu con đi học xa nhà hoặc phải ở một mình, con vẫn biết cách tự lo cho mình từ những điều đơn giản, nấu vài món ăn hay sắp xếp quần áo gọn gàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.