Làm báo khó thay!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đúng là khó thật, nhất là thời buổi hiện nay khi sự cạnh tranh thông tin rất khốc liệt giữa báo giấy và báo mạng, cũng như giữa các báo mạng với nhau.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Các tổng biên tập nói chung và các nhà báo nói riêng như lạc vào ma trận thông tin. Nhưng điều cốt tử là làm sao để có thể tồn tại được với nghề, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Đây là điều không mấy dễ dàng.

Cách đây vài năm, một đồng nghiệp có phỏng vấn tôi nhân ngày 21/6: “Mỗi buổi sáng, mở tờ báo ra, thứ tự ưu tiên của anh khi đọc tờ báo ấy là gì?”. Tôi trả lời không một chút đắn đo: “Đọc quảng cáo, đúng ra là xem độ dày - mỏng của quảng cáo trước”. Người đang phỏng vấn tôi lấy làm ngạc nhiên vì câu trả lời hình như không nằm trong “kịch bản” mà anh chuẩn bị.

Lẽ dĩ nhiên, bạn đọc khi bỏ tiền ra mua báo, hẳn là họ không có cái kiểu “ưu tiên” xem quảng cáo trước như tôi. Đơn giản bởi vì tôi là nhà báo, đang làm việc ở một tờ báo “tự làm tự nuôi”.

Xem quảng cáo được ưu tiên hàng đầu của tôi là bởi chuyện cơm áo gạo tiền của tờ báo nằm trong đó. Hôm nào quảng cáo ít, dĩ nhiên nguồn thu sẽ ít. Nguồn thu từ quảng cáo và bán báo ít thì thu nhập của từng cán bộ, phóng viên của tờ báo giảm theo.

Và ngược lại. Tôi quan niệm, quảng cáo như cái máy đo “sức khỏe” của mỗi tờ báo vậy. Đó là nói những tờ báo “tự làm tự nuôi”, còn những tờ báo được bao cấp thì quảng cáo không phải là chuyện được đặt lên hàng đầu.

Quảng cáo phụ thuộc vào số lượng phát hành hàng ngày của mỗi tờ báo. Số lượng phát hành lại phụ thuộc vào nội dung mà tờ báo đó chuyển tải mỗi ngày. Nội dung hay, hấp dẫn thu hút độc giả thì lượng phát hành sẽ tăng theo. Mà lượng phát hành tăng thì thu hút quảng cáo càng nhiều.

Bây giờ, bộ phận marketing của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, giới thiệu sản phẩm, họ nắm rất kỹ số lượng phát hành của các báo. Mình không thể “khai thêm” về số lượng phát hành hàng ngày với họ được! Họ nhìn vào số lượng phát hành hằng ngày để quyết định quảng cáo sản phẩm của họ lên tờ báo đó với “diện tích” tương ứng.

Với báo mạng cũng vậy, hễ tờ báo nào mà lượng người truy cập nhiều thì sẽ thu hút quảng cáo nhiều. Vì vậy, không ít tờ báo mạng bất chấp sẽ bị liệt vào dạng “câu khách rẻ tiền”, họ vẫn cứ bám theo những chuyện gây tò mò cho bạn đọc để câu view hoặc giật tít rất “kêu” mà nội dung thì chẳng có gì. Nghĩa là họ làm tất cả để làm sao “câu” bạn đọc truy cập càng nhiều nhằm kéo quảng cáo về mình.

Vậy thế nào là một tờ báo được gọi là “hấp dẫn” để thu hút bạn đọc mỗi ngày đây? Rất khó để đưa ra một định nghĩa cho thật chu toàn về chuyện “hấp dẫn” này. Sự kiện Thích Minh Tuệ có “hấp dẫn” để thu hút độc giả không? Dĩ nhiên là có.

Nhưng sao các báo rất dè dặt khi đề cập đến chuyện này? Cái này thật không dễ để nói cho rõ ngọn nguồn. Các tổng biên tập là người quyết định cuối cùng để đưa lên mặt báo những vấn đề nóng nhất, nhưng trên các tổng biên tập còn nhiều cơ quan quản lý báo chí nữa. Đưa tin không khéo, rất dễ… mất chức như chơi!

Làm sao để vừa khỏi bị “tuýt còi” lại vừa “câu” được bạn đọc để bán báo và thu hút quảng cáo, đấy là khó khăn mà bất cứ tòa soạn báo nào cũng phải đối mặt. Làm báo bây giờ khó thay!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cảnh báo về ngộ độc rượu

Cảnh báo về ngộ độc rượu

GD&TĐ - Ngộ độc rượu xảy ra khi lượng rượu trong cơ thể đạt đến mức độc hại, không thể kiểm soát được, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và thường gây tử vong.