Trên những trang báo, bằng chữ nghĩa cũng là một hình thức “gặp gỡ” trong cuộc đời, nhất là những người yêu văn chương. Tôi đến với Báo Giáo dục & Thời đại từ rất lâu, tính đến nay có lẽ cũng đã năm, sáu năm, có thể gọi là một chặng đường gắn bó cùng báo với vai trò là một cộng tác viên. Cũng như bao cộng tác viên khác, tôi chứng kiến được cuộc đổi thay rõ rệt của tờ báo uy tín này. Trong những đổi thay đó, điều mà tôi vui mừng là Báo Giáo dục & Thời đại đã chính thức dành ấn phẩm Chủ nhật để thầy cô cùng tham gia làm báo.
Trước đây, người ta vẫn nghĩ chỉ có nhà báo mới tham gia vào vấn đề báo chí, hoặc phải thật sự có tài năng, có sức viết, sức sáng tạo, sự “quen mặt” mới được đăng bài trên báo. Nhưng không phải như thế! Bất kỳ ai cũng có thể tham gia làm báo, trở thành người viết và có thể đăng bài trên các ấn phẩm báo từ Trung ương đến địa phương.
Tôi nghĩ ban lãnh đạo Báo Giáo dục & Thời đại đã hiểu được điều này, đồng thời đây là tờ báo quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục trong từng thời đại khác nhau của đất nước, nên đã “ưu ái” cho quý thầy cô trên khắp mọi miền đất nước trở thành “người nhà” của ấn phẩm Chủ nhật.
Từ đó, giáo viên cũng sẽ là một “nhà báo” khi có thể chia sẻ tâm tư nguyện vọng, phản ánh tình hình giảng dạy và học tập của thầy và trò trong nhà trường, với khát vọng lớn hơn là cải tiến giáo dục, tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp nhất để đạt hiệu quả cao song qua hình thức thể hiện ấn tượng: Là những trang sáng tác: Thơ, Truyện ngắn, Tản văn, viết thư, nhật ký, bình thơ...
Với thầy Duy, Báo Giáo dục & Thời đại - ấn phẩm Chủ nhật chính là “nhà” để thầy cô tìm về, gặp gỡ, chia sẻ, lắng nghe, đồng cảm. Ảnh: NVCC |
Bên cạnh một tác giả văn chương, một cộng tác viên báo chí ở nhiều tờ báo, tạp chí trên khắp đất nước thì tôi cũng là một giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn. Tôi vô cùng vui mừng khi biết rằng đồng nghiệp của mình sẽ có “đất” để đăng tải những bài viết mà thông qua đó, họ gửi gắm cả tâm tư, nguyện vọng, những khát vọng cao đẹp của một “kẻ trồng người”, “kỹ sư tâm hồn”, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Từ đây, Báo Giáo dục & Thời đại (Số Chủ nhật) chính là “nhà” để chúng tôi tìm về, gặp gỡ, chia sẻ, lắng nghe, đồng cảm thấu hiểu. Những bài viết về giáo dục được mong đợi sẽ xuất hiện, nhà giáo cũng là “nhà báo” không chuyên, cất cao tiếng nói của mình và lắng nghe tiếng nói của giáo viên khác.
Như đã chia sẻ, tôi là một người yêu viết lách và đam mê giảng dạy. Ở Báo Giáo dục & Thời đại, tôi có thể dùng lợi thế viết lách của mình để cộng tác, đăng tải những bài viết ở các thể loại khác nhau. Tôi viết truyện ngắn, để phù hợp với chủ đề tờ báo hơn, tôi sáng tác những truyện ngắn có nội dung về giáo dục, thầy cô, học sinh, mái trường, về nỗi buồn và niềm vui, những vất vả và vinh quang của người thầy giáo.
Tôi còn viết những bài phản ánh về thực trạng giáo dục hiện nay, chia sẻ cách thức giảng dạy, học tập từ kinh nghiệm cá nhân của mình. Ngoài ra, tôi còn viết lý luận phê bình văn chương trong và ngoài nhà trường để quý thầy cô và học sinh có thêm tư liệu hỗ trợ cho việc giảng dạy và học tập. Tôi tự nhận thấy điều này vô cùng ý nghĩa, bởi lẽ “người trong cuộc” mới thực sự hiểu rõ và nêu rõ mong muốn của mình trong vấn đề giáo dục.
Cuộc gặp gỡ bằng chữ nghĩa là cuộc gặp đầy thú vị, một cuộc gặp gỡ trí tuệ và đáng trân quý. Đằng sau những dòng chữ hiển hiện trên trang báo là những con người với trái tim đầy nhiệt huyết, yêu nghề và khát khao về một nền giáo dục như mong đợi; với trí tuệ cao, chuyên môn vững, luôn cầu thị và hết mình với nghề nghiệp đã chọn. Vì thế, những trang viết trở nên đáng quý hơn nhiều. Tôi hy vọng rằng những bài viết trên Báo Giáo dục & Thời đại (số Chủ nhật) sẽ ngày càng chất lượng hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của bạn đọc, để Báo Giáo dục và Thời đại xứng đáng là tờ báo chuyên về giáo dục hàng đầu của Việt Nam.