Nhiều trường hợp vô sinh - hiếm muộn nữ được chẩn đoán là không rõ nguyên nhân. Trong số đó, nhiều trường hợp được thầy thuốc Đông y chẩn đoán là do tử cung lạnh. Đây là khái niệm khá xa lạ với y học hiện đại nhưng lại quen thuộc với y học cổ truyền với những lý luận chặt chẽ của nó. Tử cung cũng như ngôi nhà để sinh trưởng, ở đây là bào thai, chỉ khi nó đầy đủ điều kiện thì mới có thể giúp thụ thụ thai, nuôi bào thai phát triển đầy đủ, khỏe mạnh được. Nửa người phía dưới lạnh (lạnh tử cung) khó thụ thai và sinh nở, hãy xem vùng đất băng giá thì cây cỏ làm sao sống nổi!
Khi “ngôi nhà” lạnh lẽo
Bình thường, khí huyết đóng vai trò quan trọng trong điều hòa kinh nguyệt và thụ thai. Khi người phụ nữ đã có thai, thai nhi cần rất nhiều huyết để đem chất dinh dưỡng đến thai. Bình thường, tử cung có nhiều khí huyết thì thai nhi được nuôi dưỡng và phát triển tốt.
Lúc này, người phụ nữ mang thai luôn cảm thấy “nóng” trong người. “Ngôi nhà” ở đây được ví von như là tử cung. “Ngôi nhà” lạnh - tử cung lạnh được hiểu đơn giản là khí huyết ở tử cung không tốt nên ảnh hưởng tới việc thụ thai và nuôi dưỡng thai nhi, dẫn đến việc khó thụ thai hoặc thụ thai rồi nhưng khó giữ, dễ bị sảy.
Hải Thượng Lãn Ông trong Hải Thượng Y tông tâm lĩnh thiên Phụ đạo xán nhiên có viết: “Bào thai liên hệ vào thận và tâm bào lạc, thận và tâm bào lạc đều là âm tạng cả, nếu hư thì phong hàn lọt vào tử cung sẽ tuyệt không có con”. Khi tử cung lạnh gây tử cung tắc trở ảnh hưởng rất lớn tới việc thụ thai, nuôi dưỡng thai của người phụ nữ.
Những phụ nữ mắc phải chứng tử cung lạnh thường khó có thai (có thể kiểm tra tây y vẫn cho kết quả bình thường), hoặc nếu có thai thường khó giữ thai. Tử cung lạnh có thể xuất phát từ bẩm sinh hoặc do người phụ nữ quá lao lực, căng thẳng, mệt mỏi, thường xuyên ăn uống kém, cơ thể suy nhược trong thời gian dài, làm khí huyết nuôi dưỡng bào cung kém cũng gây tử cung lạnh.
Ba kích
Có nhiều nguyên nhân khiến người phụ nữ có thể gặp trường hợp “lạnh tử cung”:
- Do sinh hoạt tình dục quá mức, gây hao tổn khí trong người nên không thể bổ sung đủ khí huyết cho tử cung.
- Do thiếu dinh dưỡng hoặc rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến nguồn dinh dưỡng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến khí huyết tới tử cung hoặc khí huyết đủ nhưng lưu thông không đều.
- Bẩm sinh: cha mẹ có bệnh hoặc có lối sống không lành mạnh ảnh hưởng đến việc thụ thai, mang thai làm cho đứa con khi sinh ra cũng có thể bị bệnh lạnh tử cung.
- Căng thẳng, suy nghĩ quá nhiều: lối sống ít vận động, ăn uống tạm bợ, suy nghĩ nhiều, áp lực làm cho tinh thần căng thẳng có thể khiến khí huyết trong cơ thể người phụ nữ không được lưu thông đều đặn và đầy đủ tới tử cung.
Bài thuốc giúp tử cung ôn ấm
Triệu chứng bị tử cung lạnh: bụng dưới lạnh hay bị đau bụng, kinh nguyệt chậm, màu kinh nhợt, lượng kinh ít, mạch trầm trì. Nếu kiêm thận hư thì đau lưng mỏi gối, ù tai, tiểu tiện nhiều, lãnh cảm, không thích thú với tình dục.
Bạch truật
Phương pháp điều trị: thiên Phụ đạo xán nhiên của Hải Thượng Lãn Ông có nói: “Nếu không lấy thuốc ôn ấm thì không lấy gì trừ được phong hàn, mà giúp sự sinh dục được thì nên dùng thuốc tân ôn kiêm thêm thuốc bổ dưỡng khí huyết. Nếu chỉ dùng riêng thuốc tân ôn thì tăng thêm cái táo nhiệt lấy gì để giúp cho việc sinh dục được, cho nên tử cung hư hàn mà không kết thai được, thì kiêng dùng thuốc ấm đơn thuần. Nhưng thai do dương tinh gây ra, phải có âm huyết giữ lại, tinh kết thai, huyết thành bào thai”.
Bài thuốc dùng cho phụ nữ tử cung lạnh: Ôn bào ẩm: bạch truật (sao vàng):1 lượng, ba kích nhục (tẩm nước muối) 1 lượng, nhân sâm 3 chỉ, hoài sơn (sao) 3 chỉ, đỗ trọng (sao đen) 3 chỉ, thố ty tử(sao rượu) 3 chỉ, khiếm thực (sao) 3 chỉ, nhục quế 2 chỉ, bổ cốt chí (sao muối) 2 chỉ, phụ tử 1/2 chỉ. Ngày một thang uống liền 1 tháng thì bào cung ấm áp sẽ thụ thai dễ dàng.
Qua kinh nghiệm, dùng bài thuốc nói trên cùng với bài Lục vị hoàn (làm thuốc tễ) sẽ có công hiệu cao. Nhiều trường hợp được chẩn đoán tử cung lạnh đã được chúng tôi điều trị thành công.