Theo AFP, đây là kết luận của các nhà khoa học Đại học British Columbia (Canada). Nhóm tác giả đã kiểm tra tế bào tinh trùng của 34 người đàn ông khỏe mạnh, trong đó một số người từng bị ngược đãi về tinh thần, thể chất hoặc lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Kết quả cho thấy ADN của nạn nhân bạo hành bị methyl hóa, để lại dấu vết như những vết sẹo.
"Nếu coi gene là các bóng đèn thì quá trình methyl hóa ADN giống như công tắc kiểm soát cường độ chiếu sáng. Nó ảnh hưởng đến chức năng của tế bào", Nicole Gladish, nghiên cứu sinh Khoa Di truyền Đại học British Columbia giải thích. Ở những nạn nhân bạo hành, các vùng ADN "mờ đi" một cách rõ rệt. Một phần gene của họ còn khác biệt đến 29% so với những người không bị bạo hành.
Vì mức độ methyl hóa thay đổi theo thời gian, các chuyên y tế có thể nhìn tế bào và đoán biết thời điểm xảy ra bạo hành. "Điều này giúp phát triển các xét nghiệm, thậm chí sử dụng làm bằng chứng pháp y", bà Gladish nói.
Bên cạnh đó, người đứng đầu công trình là Andrea Roberts cho biết nghiên cứu trên đưa con người đến gần hơn đáp án của câu hỏi liệu chấn thương có truyền qua thế hệ hay không.
"Rõ ràng là chấn thương do bạo hành ảnh hưởng tới hành vi của nạn nhân. Họ thường rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc rối loạn stress sau sang chấn, từ đó gây khó khăn cho việc nuôi dạy con cái cũng như sức khỏe những đứa trẻ sau này", bà Roberts chia sẻ. "Khả năng cao là sự thay đổi về tinh trùng cũng tác động không nhỏ đến thể chất và tinh thần của thế hệ tiếp theo".