Lãi suất vay mua nhà ở xã hội tăng lên 5%/năm
Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Quyết định 2081/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11 ngày 15/5/2013, Thông tư số 32 ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016 ngày 29/7/2016 của NHNN là 5%/năm.
Theo đó, Quyết định này sẽ tác động đến nhiều đối tượng vay gồm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được quy định tại Thông tư số 7 của Bộ Xây dựng.
Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 32, việc tăng lãi suất này còn ảnh hưởng tới là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1.050.000.000 đồng.
Đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình.
Ngoài ra, nhóm đối tượng hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp của tất cả các ngành, nghề thuộc các thành phần kinh tế cũng chịu tác động từ Quyết định trên.
Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở là 5%/năm. |
Theo quy định hiện hành, nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn ngoài ngân sách thì người mua, thuê mua chỉ được bán hoặc thế chấp sau 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Trường hợp trong thời hạn chưa đủ 5 năm thì chỉ được thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó. Trường hợp bán lại thì chỉ được bán cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định, với giá bán không được vượt quá giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán.
Kiến nghị người mua nhà dưới 2 tỷ đồng được vay gói giảm lãi suất 2%/năm
Một trong những vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay là thiếu nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp.
Bên cạnh đó, thị trường xuất hiện nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang thực hiện chính sách giảm giá bán nhà, chiết khấu sâu trên dưới 50% dẫn đến giá bán căn hộ tại một số dự án chỉ còn khoảng 2 tỷ đồng/căn. Dù đã giảm giá mạnh nhưng người mua nhà ở thương mại vẫn chưa vay được tín dụng với lãi suất hợp lý để mua nhà.
Trao đổi về vấn đề này, TS Sử Ngọc Khương, Phó Viện trưởng Viện Tin học và Kinh tế ứng dụng TP.HCM phân tích, hiện nguồn cung hạn chế, lãi suất vay tăng cao lên đến 12-14%/năm, room tín dụng không còn nhiều, giá nhà quá cao, tâm lý lo sợ và công việc bấp bênh cho nên việc dùng đòn bẩy tài chính để mua nhà sẽ khiến nhiều người ngần ngại.
Nếu Chính phủ không có chính sách thúc đẩy làm nhà giá rẻ, nhà ở xã hội và không được hỗ trợ vốn vay thì cơ hội sở hữu nhà của người thu nhập thấp, trung bình sẽ vô cùng khó khăn.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị cho phép người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 2 tỷ đồng/căn được hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay tín dụng (hoặc với lãi suất hợp lý).
Thời gian hỗ trợ tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.
Trước đó, Công điện số 1164 ngày 14/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế; cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các DN, dự án bất động sản đủ điều kiện nhưng chưa có chính sách hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất hoặc vay với lãi suất thương mại hợp lý cho người mua nhà ở thương mại có mức giá khoảng dưới 1,8 - 2 tỷ đồng/căn.
Trong khi đó, gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất vay theo Nghị định 31/2022 nhưng đến hết tháng 10.2022 mới chỉ giải ngân được khoảng 21.000 tỷ đồng, tương đương 52,5%, nếu không sử dụng hết thì lãng phí nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Vì vậy, HoREA đã đề xuất giải pháp trên nhằm tránh lãng phí nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.