Những trang sử sống
Trở về thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên ngày đầu tháng 5, khắp các con đường, ngõ phố, bản tin về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vang vọng. Tìm đến căn nhà nhỏ của cựu chiến sĩ Điện Biên Vũ Văn Tri, hình ảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là 3 “người lính già”, râu tóc bạc phơ, nụ cười hiền hậu, 2 bên ngực đeo đầy Huân, Huy chương kháng chiến.
Dù đã 98 tuổi nhưng ông Vũ Văn Tri vẫn còn nhớ như in về những trận đánh Him Lam, Đồi Độc Lập, A1. Lúc đó, ông ở Trung đoàn 316, sư đoàn 351 pháo binh. Ông Tri bồi hồi kể lại: “Trận đầu tiên ở Điện Biên, chúng tôi kéo pháo vào Bản Kéo. Sau 1 tuần rồi kéo pháo ra, bắt đầu giải phóng Him Lam. Sau Him Lam, chúng tôi hành quân sang đồi Độc Lập. Ở đây, bộ đội của ta kéo pháo 120 mm rất nặng, 4 người mới khiêng được 1 quả pháo. Lúc bấy giờ, chỉ mong chiến thắng quân địch, không nghĩ đến gì khác”.
Chiến sĩ Điện Biên Vũ Văn Tri kể về những năm tháng hào hùng trên chiến trường Điện Biên Phủ. |
Tiếp lời, ông Tri xúc động: “Dù rất mệt nhưng tinh thần “quyết chiến – quyết thắng luôn thôi thúc chúng tôi nỗ lực vượt qua. Sau một đêm, quân ta đã đánh chiếm được đồi Độc Lập”.
Còn ký ức sâu đậm của cựu chiến sĩ Điện Biên Trần Đức Luận - 92 tuổi là trận đánh đồi Độc Lập khốc liệt và hình ảnh đồng đội lần lượt ngã xuống vì pháo, đạn của địch. “Trận đánh Độc Lập, chúng tôi hy sinh một nửa số người…” nói đến đây, ông Luận nghẹn ngào.
Ông Hoàng Bá Miêng - 92 tuổi chia sẻ: “Tết năm 1954, khi chúng tôi từ Lào quay trở về Điện Biên, trên đường đi mỗi người được 1 nắm xôi bằng quả trứng gà, anh em vui sướng lắm. Đánh thắng Him Lam, chúng tôi hành quân sang đồi Độc Lập, A1, E, suốt ngày đêm, không kéo pháo thì anh em đào hầm, hào giao thông cho bộ đội tiến công. Lúc địch nhảy dù, thả đồ xuống, chúng tôi đi lấy, có hôm được hòm bánh mỳ thì anh em chia nhau ăn, tiếp sức đào. Cứ như vậy, chúng tôi làm việc không ngừng nghỉ cho đến khi chiến dịch thắng lợi”.
Bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu thăm hỏi chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Cư, (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu). |
Trong hồi ức của ông Tri, ông Luận, ông Miêng, năm tháng chiến tranh dù gian khổ, khốc liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh đến nhường nào. Thế nhưng, bằng tình yêu Tổ quốc, quê hương, đồng bào, họ và những đồng đội luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi, thương yêu nhau như anh em ruột thịt để chiến thắng kẻ thù với một tinh thần thép: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Lai Châu vươn mình…
Phát huy truyền thống yêu nước, Đảng bộ, quân, dân Lai Châu luôn tích cực cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975; làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào; nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh; anh dũng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước.
Ông Lê Văn Lương, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu thăm hỏi Chiến sĩ Điện Biên đang sinh sống tại huyện Than Uyên. |
Những hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ trong thời chiến, đặc biệt là đóng góp của cựu chiến binh, dân công hoả tuyến theo tiếng gọi của Tổ quốc, xung phong lên vùng đất Lai Châu khai hoang lập nghiệp đã đặt nền móng vững chắc cho Lai Châu phát triển như hôm nay.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh; Huy động 16.972 dân công với 568.139 ngày, 348 ngựa thồ, 62 thuyền, hàng trăm mảng, góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua.
Từ đôi bàn tay cần cù, chăm chỉ lao động, tinh thần bất khuất, kiên cường, không ngại khó, ngại khổ, những người lính Cụ Hồ cùng nhân dân các dân tộc Lai Châu biến vùng đất cằn sỏi đá, khu đồi hoang cỏ dại thành các nông trường chè xanh bạt ngàn, cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay…
Ông Vũ Mạnh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lai Châu (ngồi giữa) thăm hỏi, động viên Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Giang Lam, tại thành phố Lai Châu. |
Từ đôi bàn tay cần cù, chăm chỉ lao động, tinh thần bất khuất, kiên cường, không ngại khó, ngại khổ, những người lính Cụ Hồ cùng nhân dân các dân tộc Lai Châu biến vùng đất cằn sỏi đá, khu đồi hoang cỏ dại thành các nông trường chè xanh bạt ngàn, cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay…
Chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ, với đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Một góc thành phố Lai Châu. |
Ông Vũ Văn Tri tâm sự: “Năm nào cũng vậy, tôi luôn nhận được tình cảm quý giá, sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, huyện, thị trấn, thăm hỏi, tặng quà. Điều vui nhất là vừa qua, tôi được tỉnh tạo điều kiện để về thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Chuyến đi đầy ý nghĩa của cuộc đời khi được gặp lại đồng đội cùng tham gia chiến dịch”.
70 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn luôn là động lực tiếp thêm sức mạnh để Lai Châu vươn mình vững mạnh.
Đến nay, Lai Châu đã gặt hái được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 20 năm đạt hơn 9%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng 70 lần so với năm 2004, từ 31 tỷ đồng lên trên 2.000 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hình thành các vùng sản xuất hàng hoá lớn: hơn 3.800ha lúa hàng hóa, trên 9.800ha chè; khoảng 12.900ha cây cao su; gần 12.000ha quế và 11.063ha cây dược liệu. Công nghiệp tiếp tục phát triển theo định hướng, chiếm tỷ trọng trên 38% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.