Điện Biên sau 70 năm phất cao ngọn cờ chiến thắng!

GD&TĐ - Từ chiến trường ngổn ngang bom đạn, sau 70 năm phất cao ngọn cờ chiến thắng, mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng đã khoác lên mình “áo mới”.

Một góc trung tâm TP Điện Biên Phủ.
Một góc trung tâm TP Điện Biên Phủ.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trò chuyện với ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên về hành trình “thay da đổi thịt” của mảnh đất lịch sử, anh hùng này.

Những nhiệm vụ trọng tâm sau chiến dịch

- Để có được một Điện Biên như ngày hôm nay, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiệm vụ trọng tâm mà địa phương đặt ra là gì, thưa ông?

Trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, sau 70 năm chiến thắng vĩ đại, gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới và 20 năm chia tách tỉnh, trong điều kiện với vô vàn khó khăn, thách thức từ một chiến trường ngổn ngang bom đạn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo cao, thì đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

Để có được những kết quả, thành tựu quan trọng như ngày hôm nay, ngay sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã bắt tay tập trung ưu tiên triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tỉnh tập trung khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống Nhân dân.

Giai đoạn 1955 - 1975, tỉnh Điện Biên tập trung vào phát triển nông nghiệp nhất là sản xuất lương thực. Đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng và phát triển cơ sở vật chất cho nông nghiệp.

Đặc biệt phải kể đến Công trình Đại thuỷ nông Nậm Rốm. Đây là công trình thuỷ lợi lớn thứ 2 sau công trình thủy nông Bắc Hưng Hải của miền Bắc, được xây dựng trong những năm tháng khó khăn, gian khổ do giặc Mỹ ngày đêm bắn phá. Công trình được khởi công từ cuối năm 1963, hoàn thành năm 1969.

Đập đầu mối công trình Đại thủy nông Nậm Rốm - công trình trọng điểm tưới nước cho cánh đồng Mường Thanh.

Đập đầu mối công trình Đại thủy nông Nậm Rốm - công trình trọng điểm tưới nước cho cánh đồng Mường Thanh.

Tỉnh củng cố, kiên trì xây dựng hợp tác xã ở vùng thấp, phát triển nông trường quốc doanh; tái thiết cơ sở hạ tầng giao thông được chú trọng. Đến năm 1973, hạ tầng giao thông đã tăng gấp 4 lần so với trước chiến tranh.

Điện Biên tập trung xây dựng hệ thống y tế, giáo dục và văn hóa. Quan tâm xóa mù chữ, mở trường học cho con em Nhân dân các dân tộc.

Đến năm 1973, các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Phong Thổ đã có trường cấp 3. Năm học 1974 - 1975, số học sinh phổ thông trên toàn tỉnh khoảng 25.207 em. Hầu hết các xã có trạm y tế; văn hóa báo chí được phát triển phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đời sống Nhân dân được cải thiện.

Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vừa sản xuất, vừa chiến đấu, làm tròn nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam chiến đấu chống quân xâm lược và tay sai...

“An sinh xã hội được đảm bảo, công tác giảm nghèo được quan tâm chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm trên 4%/năm (hiện còn 25,68%). Đời sống của nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện. Đến nay, Điện Biên đã cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và tiếp tục đầu tư đưa điện sinh hoạt đến các thôn, bản chưa có điện. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định... đã tạo môi trường thuận lợi để Điện Biên phát triển kinh tế - xã hội", ông Lê Thành Đô cho biết.

Điện Biên khoác "áo mới"

- Những thành tựu kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đạt được sau 70 năm qua là gì, thưa ông?

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân các dân tộc Điện Biên phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, chuyên cần trong lao động sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu, vượt qua khó khăn, thử thách và giành được nhiều thành tựu.

Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 42,98 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng dần qua các năm, năm 2023 đạt hơn 1.640 tỷ đồng, tăng hơn 11 lần so với năm 2004.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thu được nhiều kết quả quan trọng, việc khai thác các tiềm năng lợi thế về đất đai gắn với phát triển sản xuất bền vững cho người dân thông qua các mô hình liên kết sản xuất nhất là các mô hình trồng cây Mắc Ca bước đầu đã có kết quả tích cực, nông nghiệp, nông thôn phát triển khởi sắc.

Tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: Lúa, Gạo, Chè, Cà phê, Mắc Ca... với trên 10.000ha và 23 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

Xây dựng và hình thành 72 sản phẩm OCOP có chất lượng tốt. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục được duy trì, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân tăng 3-4%/năm. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 44%.

Chè Shan Tuyết Tủa Chùa là một trong những sản phẩm OCOP có chất lượng tốt.

Chè Shan Tuyết Tủa Chùa là một trong những sản phẩm OCOP có chất lượng tốt.

“Chúng tôi tập trung phát triển có trọng điểm, dồn trọng tâm vào những ngành, lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh, bao gồm: Nông-Lâm nghiệp; Du lịch; Xây dựng; Thương mại - Dịch vụ và Công nghiệp. Trong đó lấy Nông - Lâm nghiệp là nền tảng; Xây dựng là động lực và Du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn”, ông Lê Thành Đô nói.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện toàn diện, thực chất, có chiều sâu và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay toàn tỉnh có 4 xã nông thôn mới nâng cao, 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 28/115 xã cơ bản đạt nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, làm thay đổi diện mạo đô thị và nhiều vùng nông thôn.

Xác định mạng lưới giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Điện Biên chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo hướng hiện đại. Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm; 80 xã có đường xã đã trải nhựa, bê tông; 68 xã có đường thôn, bản được bê tông hóa.

Đặc biệt, với việc Cảng Hàng không Điện Biên chính thức hoạt động trở lại từ ngày 2/12/2023 sau khi hoàn thành việc nâng cấp góp phần rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa Điện Biên với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, TPHCM. Điều này đã mở ra cơ hội mới trong thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh.

Đây cũng là tiền đề để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội và tạo đà để tỉnh Điện Biên bứt phá vươn lên.

Công tác phổ cập giáo dục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao dân trí.

Công tác phổ cập giáo dục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao dân trí.

Sự nghiệp GD&ĐT tiếp tục được chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được rà soát, sắp xếp hợp lý; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, toàn tỉnh hiện có 482 cơ sở giáo dục với gần 210 nghìn học sinh, sinh viên. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt trên 95%; tỉnh Điện Biên đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào tháng 12/2020; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT tăng dần qua các năm; tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 77,6%...

Tỉnh đang tích cực phối hợp với Bộ GD&ĐT nghiên cứu, rà soát, bổ sung Trường Đại học Điện Biên Phủ vào Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Trường Đại học theo quy định.

Công tác giáo dục dân tộc luôn được tỉnh Điện Biên quan tâm thực hiện.

Công tác giáo dục dân tộc luôn được tỉnh Điện Biên quan tâm thực hiện.


Du lịch phát triển khá, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, năm 2023 tỉnh Điện Biên đón trên 1 triệu lượt khách, với doanh thu đạt trên 1.750 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 77,4% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; có 85,3% thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 92,9% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh, thể thao thành tích cao được quan tâm.

- Tỉnh Điện Biên đề ra những giải pháp nào để tạo bước đột phá, đưa Điện Biên phát triển vững mạnh trong thời gian tới thưa ông?

Để đưa Điện Biên phát triển vững mạnh trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên đã xác định tư tưởng “phát triển nhanh, vững chắc với bản sắc và giá trị lịch sử”. Về Chiến lược phát triển tổng quát: “Hạ tầng giao thông đi trước, liên kết phát triển, kiến tạo giá trị mới và đặc sắc”.

Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực.

Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực.

Để cụ thể hóa mục tiêu đưa Điện Biên phát triển vững mạnh trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 3 giải pháp đột phá phát triển.

Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tập trung vào việc nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động... Giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển như: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là hạ tầng giao thông, vốn đầu tư.

Việc nâng cấp cảng hàng không Điện Biên, đưa máy bay cỡ lớn vào khai thác đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi - đến Điện Biên.
Việc nâng cấp cảng hàng không Điện Biên, đưa máy bay cỡ lớn vào khai thác đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi - đến Điện Biên.

Song song với đó, thu hút giải phóng các nguồn lực, xây dựng giải pháp mới để tạo đột phá trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh với trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư.

Tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư của tỉnh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện mạnh mẽ các chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI, chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX…

Tỉnh Điện Biên chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc.

Tỉnh Điện Biên chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc.

Thứ 2, tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại với trọng tâm là hệ thống giao thông. Tập trung sớm đầu tư, nâng cấp và hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm. Bên cạnh đó là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại TP Điện Biên Phủ; các thị trấn, thị tứ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Giải quyết các điểm nghẽn phát triển tỉnh thông qua việc đầu tư ưu tiên, có trọng điểm vào các dự án hạ tầng. Thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như cơ sở lưu trú khách sạn, resort, kinh doanh dịch vụ… gắn với các điểm, khu vực du lịch trọng điểm.

Điện Biên đã sẵn sàng cho Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Điện Biên đã sẵn sàng cho Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thứ ba, tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nghiên cứu, phát triển các loại cây dược liệu có giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong chế biến nông, lâm sản; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao phù hợp trong nông nghiệp và phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh...

“Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng phấn đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững để từng bước cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, mục tiêu đã đề ra trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng và sự mong đợi của Nhân dân cả nước luôn hướng về Điện Biên Phủ”, ông Lê Thành Đô khẳng định

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.