Một năm nhìn lại
Năm học 2020 - 2021, ngành GD&ĐT TP Lai Châu (tỉnh Lai Châu) triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới trong điều kiện có nhiều thuận lợi hơn so với các huyện khác trong tỉnh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở đây được đánh giá có năng lực, đảm bảo về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới. Sau năm đầu thực hiện chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 1, đã đạt kết quả cao.
Bà Đặng Thị Nhài, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Lai Châu cho biết: Trước khi triển khai, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục, chủ trương, chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tuyên truyền thực hiện đổi mới chương trình, SGK, GDPT. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông qua hội nghị, loa truyền thanh, trang tin, thông báo, ... Quán triệt, triển khai kịp thời đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân.
Để sẵn sàng nhân lực cho giảng dạy, phòng chỉ đạo các trường tiểu học rà soát, xây dựng kế hoạch quy mô trường, lớp cụ thể năm học. Ngành đã xác định số lượng giáo viên cần bồi dưỡng để tham mưu, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên theo lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế.
Phòng cũng bồi dưỡng thường xuyên, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, đáp ứng yêu cầu. Tổ chức lựa chọn đội ngũ CBQL, giáo viên cốt cán làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng đại trà.
Trong năm học, TP. Lai Châu có 1.113 học sinh lớp 1 với 35 lớp học. Có 9 trường tiểu học và 1 trường liên cấp đã xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn. Nhờ đó, hoạt động giáo dục không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu đặt ra, đó là: Theo hướng mở, phát huy phẩm chất và năng lực người học. Đồng thời, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà.
Bà Đặng Thị Nhài cho biết thêm: “Qua thời gian triển khai thực hiện, học sinh tích cực hơn, nhiều em tiến bộ nhanh. Nội dung các bài học trong SGK đa dạng, ngữ liệu có tranh minh họa giúp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh dễ nhận biết, hiểu rõ nghĩa. Nhiều học sinh lớp 1 tự tin, tự chủ hơn trong giao tiếp, năng lực về ngôn ngữ (đọc - viết Tiếng Việt) và tính toán cũng phát triển nhanh hơn”.
Sau 1 năm triển khai chương trình GDPT mới, tỷ lệ học sinh lớp 1 của TP Lai Châu được đánh giá hoàn thành tốt các môn học và hoạt động giáo dục đạt 69,5% (tăng 15,8% so với năm học trước). Học sinh có năng lực tốt đạt 70,3% (tăng 12,7%). Học sinh có phẩm chất tốt đạt 88% (tăng 3%).
Sẵn sàng tâm thế đón năm học mới
Năm học 2021-2022, TP Lai Châu dự kiến đón 907 học sinh lớp 6, 1.113 học sinh lớp 2 và trên 1.129 học sinh lớp 1. Ngay sau khi UBND phê duyệt danh mục SGK, ngành GD&ĐT thành phố đã chủ động sẵn sàng triển khai chương trình.
Trường tiểu học Kim Đồng sẽ có trên 710 học sinh ở 19 lớp. Trong đó, 150 học sinh lớp 1. Bà Nguyễn Thị Út - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ kết quả đạt được sau một năm triển khai ở khối 1, Ban Giám hiệu đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chương trình đối với lớp 2. Mỗi phòng học được trang bị máy chiếu, màn chiếu, bảng tương tác. Học sinh được học 2 buổi/ngày.
Cô Trần Thị Màu - Hiệu trưởng trường Tiểu học số 1 cho biết: Nhà trường đã lựa chọn giáo viên có nhiều kinh nghiệm, năng động, sáng tạo trong đổi mới giáo dục để tham gia tập huấn. Những người này sẽ bố trí dạy lớp 2 năm học tới. Hiện trường đã tuyên truyền đến cha mẹ học sinh mua sách và đồ dùng học tập để chuẩn bị vào năm học mới.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho biết, ngành đã tăng cường tập huấn cho giáo viên để nâng cao chất lượng dạy học. Cùng với đó, rà soát, sắp xếp lại các điểm trường để tập trung tu sửa cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học. Thực hiện đổi mới về chuyên môn, dạy học sinh theo hướng tiếp cận năng lực, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh.
Thầy Lê Thế Hoài, Hiệu trưởng trường THCS Quyết Thắng chia sẻ: “Nhà trường đã chủ động chuẩn bị để dần tiếp cận và thực hiện chương trình GDPT 2018 từ năm ngoái. Trước tiên, cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong trường đã tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng (cả tập huấn trực tiếp và tập huấn qua mạng Internet). Trường cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu, học tập mục tiêu, nội dung của chương trình môn học, so sánh với chương trình hiện hành để rút kinh nghiệm trong triển khai chương trình mới".
"Chúng tôi đã triển khai tốt công tác tuyên truyền để nhân dân trên địa bàn, phụ huynh nắm bắt được chủ trương chung. Phụ huynh cũng chủ động mua SGK cho con em. Đây là điều rất thuận lợi giúp nhà trường thực hiện tốt kế hoạch của năm học. Cùng với đó, chúng tôi chủ động cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu vừa học vừa phòng chống dịch”, thầy Lê Thế Hoài cho biết thêm.
Bà Đặng Thị Nhài chia sẻ thêm: "Qua kiểm tra, đến nay các trường đã làm tốt công tác truyền thông đến với cha mẹ học sinh. Đồng thời, thông tin những điểm mới của từng môn học và phối hợp với các phụ huynh chuẩn bị các thiết bị học tập cho học sinh để các em sẵn sàng bước vào năm học mới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các trường triển khai công tác phòng chống dịch trong nhà trường, đảm bảo nan toàn, sẵn sàng các phương án khi học sinh trở lại học tập”.