Lai Châu "phá băng" đón du khách sau đại dịch

GD&TĐ - Từ giữa tháng 3 tới nay, ngành du lịch tỉnh Lai Châu bắt đầu mở cửa, đón du khách. Nhờ việc mở rộng kích cầu, tăng điểm đến hấp dẫn mà ngành du lịch của địa phương này đã có những tín hiệu khởi sắc.

Liên tục các hoạt động kích cầu...

Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực tới ngành du lịch Lai Châu. Cũng trong năm này, lượng khách quốc tế đến Lai Châu giảm 81,5% so với năm 2019. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch có nguy cơ đóng cửa.

Đến năm 2021, toàn tỉnh đón khoảng 375.000 lượt khách nội địa, không có khách quốc tế. Chính điều đó dẫn đến tổng doanh thu từ du lịch tiếp tục giảm 55% so với năm 2020.

Sau Tết Nguyên đán 2022, du lịch của tỉnh Lai Châu mới bắt đầu khởi động sau khoảng thời gian “đóng băng”. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, chuỗi sự kiện nhằm kích cầu du lịch.

Khởi đầu cho đợt “kích cầu” là “Lễ hội đua thuyền đuôi én” được tổ chức tại huyện Nậm Nhùn vào ngày 19/2. Lễ hội gồm các hoạt động: Tế thần sông nước cầu may cho các đội đua thuyền; thi đua thuyền; thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian…

Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn - chia sẻ: “Lễ hội đua thuyền đuôi én là hoạt động thiết thực để quảng bá hình ảnh và bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Nậm Nhùn. Đây là một trong những tiền đề để phát triển du lịch của huyện trong những năm tới”.

Ngày 11/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Lai Châu đã thỏa thuận hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch an toàn với Tổng Công ty Du lịch Hà Nội. Hai bên đã xây dựng các chương trình sản phẩm thu hút khách trong bối cảnh mới.

Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lai Châu - cho biết: “Hai bên chúng tôi đã hợp tác nhằm khôi phục thị trường khách du lịch. Từ đó, thống nhất phát huy thế mạnh của mỗi bên để quảng bá, truyền thông về du lịch an toàn. Đồng thời chia sẻ kinh nhiệm phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực”.

Đầu tháng 4, huyện Phong Thổ tổ chức Lễ hội Then Kin Pang. Đến với Lễ hội, du khách được tìm hiểu nét đặc sắc trong các nghi thức cúng, dâng hương tại nhà Then, té nước, lễ gội đầu năm mới.

Du khách còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc Thái, đêm hội vòng xòe và những món ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái.

Tiếp đó, từ 14 - 17/4, địa phương này đã tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022 với chủ đề: “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ”. Đêm khai mạc với sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên, nghệ nhân đã tái hiện vẻ đẹp về miền đất, thiên nhiên, văn hóa, con người Lai Châu.

Trong không gian giới thiệu, quảng bá du lịch có 18 gian hàng của 5 tỉnh gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai và Yên Bái. Ngoài ra, còn có gian hàng giới thiệu ẩm thực của thành phố Hà Nội và tỉnh Phong Sa Ly (nước CHDCND Lào).

Điểm nhấn của Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu là tọa đàm liên kết phát triển sản phẩm du lịch của gần 100 doanh nghiệp lữ hành 3 miền: Bắc - Trung – Nam. Đây được xem như hoạt động trọng tâm nhằm mục tiêu kích cầu.

Thời gian diễn ra tuần du lịch, ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh đều có những hoạt động hưởng ứng. Từ đó mở ra nhiều tour du lịch hấp dẫn, như: Chinh phục đỉnh núi Pu Ta Leng (huyện Tam Đường), đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (huyện Phong Thổ), đỉnh Pu Si Lung (huyện Mường Tè)…

Theo số liệu từ Sở VH-TT&DL tỉnh Lai Châu: Trong thời gian diễn ra tuẫn văn hóa, địa phương này đã đón hơn 70 nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Lai Châu là điểm đến với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Lai Châu là điểm đến với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn

Tỉnh Lai Châu là điểm đến giàu bản sắc văn hóa với 20 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có những đặc trưng văn hóa, phong tục riêng độc đáo.

“Chúng tôi xác định xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó là du lịch tham quan danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp” – ông Trần Mạnh Hùng chia sẻ.

Những năm gần đây, du khách trong và ngoài nước yêu thích trải nghiệm thường tìm đến điểm du lịch cộng đồng. Điển hình như bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ.

Hàng năm, bản người Mông này đón hơn 20 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm với các hoạt động: Biểu diễn văn nghệ dân gian, ngắm hoa địa lan, ruộng bậc thang... Cũng tại địa danh này, không ít người đã tìm đến hoạt động du lịch mạo hiểm trên đỉnh núi Bạch Mộc Lương Tử có độ cao 3.045m.

Anh Giàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ - cho biết: “Ở đây, bà con dân bản đoàn kết cùng nhau phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, nhiều hộ có thu nhập khá, giàu. Từ hoạt động du lịch, các ngành nghề truyền thống đặc sắc của dân tộc Mông được quảng bá, sản phẩm nông, lâm sản địa phương cũng nhờ đó mà được tiêu thụ nhiều hơn”.

Bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường cũng là điểm bay dù lượn chinh phục và khám phá đỉnh Pu Ta Leng với độ cao 3.049m. Người dân tộc Dao ở đây vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm, phong tục tập quán, trang phục, lễ hội (tủ cải, nhảy lửa), nghề thuốc, nhà trình tường.

Bản có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Hàng năm, bản đón 5 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Lai Châu là nơi còn sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích danh lam thắng cảnh có giá trị. Có thể kể đến, như: Động Tiên Sơn, Pu Sam Cap, thác Tác Tình, đèo Hoàng Liên Sơn.

Du khách đến đây còn được trải nghiệm du lịch sinh thái và văn hóa vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Bản Chát. Nhiều du khách còn có thể lựa chọn du lịch lịch sử gắn với tâm linh tại một số nơi như: Đền thờ vua Lê Thái Tổ, hòn đá trắng, hang kháng chiến Nà Củng hay như đền thờ nàng Han, phế tích dinh thự Đèo Văn Long…

Vượt qua khó khăn của dịch bệnh, từ nỗ lực kích cầu nên chỉ trong 5 tháng đầu năm, địa phương này đã đón và phục vụ được gần 381 nghìn lượt khách tham quan, tăng xấp xỉ 37% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu trong 5 tháng vừa qua ước đạt hơn 325 tỷ đồng.

“Với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chúng tôi đã ban hành các chính sách thông thoáng cùng nhiều giải pháp thiết thực hướng tới môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Cũng nhờ đó mà du lịch Lai Châu vượt qua được khó khăn và đang trên đà khởi sắc” – ông Hùng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.