Du lịch cộng đồng dưới núi Khau A

GD&TĐ - Dưới chân núi Khau A cao sừng sững, từ bao đời nay là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Tày. Xưa kia vùng đất này tuy nghèo khó nhưng đồng bào nơi đây đã vững tâm tạo dựng cuộc sống và hun đúc cho mình một bản sắc văn hóa đậm đà. 

Du lịch cộng đồng dưới núi Khau A

Để hôm nay, bằng vốn văn hóa cổ truyền, đồng bào bắt tay vào làm du lịch cộng đồng để làm cho cuộc sống nơi đây thay da đổi thịt. Đó là câu chuyện làm du lịch ở xã Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai)…

Nơi hội tụ những tiềm năng du lịch

Tiềm năng du lịch ở Nghĩa Đô khá độc đáo và phong phú. Ở đây, có sự hội tụ của cảnh sắc tự nhiên, văn hóa bản làng, ẩm thực, phong tục tập quán và văn hóa dân gian. Đó là bản sắc vốn có được chiết xuất từ trong lòng bản Tày của con người Nghĩa Đô. Bản Tày Nghĩa Đô đẹp và ấn tượng bởi những căn nhà sàn truyền thống nằm chênh vênh vững chãi bên dòng Nậm Luông đã tạo nên một khung cảnh hữu tình, thơ mộng. Ở Nghĩa Đô hiện nay có gần 100 căn nhà sàn có niên đại từ 60 - 70 năm. Theo các bậc cao niên trong các bản Tày, những căn nhà sàn ấy được làm từ thân những cây gỗ to trên núi cao tới hơn chục người ôm mới hết vòng.

Khung cảnh thiên nhiên ở Nghĩa Đô đẹp và cuốn hút bởi cảnh sắc tự nhiên vốn có của nó. Đứng trên cao nhìn xuống, Nghĩa Đô là một lòng chảo tuyệt đẹp bởi cánh đồng lúa bát ngát, xen giữa là những con đường nhỏ xinh đi vào các bản, dòng suối Nậm Luông với dòng nước trong mát uốn lượn quanh các bản làng. Trên suối, dàn cọn nước truyền thống của người Tày được dựng lên với nhịp quay đều đều đã tạo nên một bức tranh vừa truyền thống vừa độc đáo. Xung quanh là những triền núi nhấp nhô với thảm thực vật xanh thẳm đã tạo nên một không gian tươi mát và thanh bình. Đến Nghĩa Đô, con người như được thả hồn mình vào một vùng khí hậu trong lành đến yên ả.

Nghĩa Đô là vùng đất cổ, nơi lưu giữ kho trầm tích vốn văn hóa dân gian từ bao đời. Người Tày nơi đây có hàng trăm câu chuyện cổ, hơn 300 câu tục ngữ dân gian, câu đố, câu hát đồng dao, câu hát yếu và hàng trăm bài hát then cổ truyền cùng với các phong tục truyền thống như lễ ăn cơm mới, lễ cúng then, lễ về nhà mới, lễ đặt tên, hội cốm, lễ cưới, đám ma... Theo nghệ nhân Ma Thanh Sợi thì vốn văn hóa dân gian ở Nghĩa Đô là do người Tày nơi đây sáng tác và lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Văn hóa ẩm thực Nghĩa Đô từ lâu nức tiếng khắp vùng bởi sự đa dạng và độc đáo. Người Tày Nghĩa Đô ngoài những nét phong tục gắn với ẩm thực còn có những món ăn mang đậm bản sắc như vịt bầu lam ống nứa, nem măng đắng, gà xào kiệu, cá suối nướng, canh lá chua, lợn cắp nách… Các món ăn đều được chính người Tày nơi đây chế biến và lưu giữ bí quyết.

Phát triển du lịch cộng đồng

Ông Ma Thanh Hà - Phó Bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô - chia sẻ, Nghĩa Đô có nhiều tiềm năng du lịch, chính quyền và nhân dân Nghĩa Đô sẽ quyết tâm phát triển du lịch cộng đồng để làm thức dậy những tiềm năng vốn có.

Trên cơ sở định hướng chung trong chủ trương và đường lối phát triển du lịch cộng đồng, đồng bào Tày Nghĩa Đô đã trở thành những “hướng dẫn viên du lịch” làng bản. Chính họ sẽ là những người đi đầu trong lộ trình làm du lịch nơi đây. Vì thế, trong những năm qua, từ tư duy đến việc làm, người Tày Nghĩa Đô đã chủ động phát triển du lịch theo bản làng mà hạt nhân là mỗi gia đình người Tày.

Muốn phát triển du lịch, trước hết phải thay đổi, đó là cách nghĩ và cách làm của người Tày Nghĩa Đô. Những công việc được người dân các bản tiến hành như vệ sinh đường làng ngõ xóm, vệ sinh nhà ở, trang trí nhà sàn cho sạch đẹp, chuẩn bị giường chiếu đầy đủ để phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách, tăng cường quản bá các sản phẩm du lịch bản địa rồi cách chào hỏi, đưa đón, hướng dẫn khách du lịch… Chính vì thế, ngay từ đầu, Nghĩa Đô đã thu hút khá đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Hầu hết du khách đến Nghĩa Đô đều có chung cảm nhận khí hậu nơi đây trong lành, mát mẻ, cảnh sắc thơ mộng, hữu tình, con người hồn hậu, cởi mở và mến khách, món ăn đậm đà dư vị.

Đến Nghĩa Đô dù ở thời điểm nào, mùa nào trong năm, du khách có thể thong dong dạo bước trên những con đường làng để thư thái tâm hồn, chiêm ngưỡng những chiếc cọn nước khổng lồ, lội suối và vãn cảnh bản làng. Nếu du khách dừng chân ở gia đình nào, có nhu cầu ăn nghỉ tại đó thì chủ nhà sẽ sẵn sàng phục vụ. Ngoài việc chuẩn bị cho khách giường nằm bằng những tấm đệm phoi bào bằng gỗ quế truyền thống, các gia đình người Tày còn chế biến các món ăn mang đậm dư vị như lợn cắp nách, vịt quay, cá suối lam, thịt trâu sấy, măng rừng, xôi ngũ sắc… Toàn những món ăn do chính bàn tay người Tày chế biến để thết đãi du khách. Vì thế, ngay từ đầu, du khách đã cảm thấy ấn tượng, tự nhiên và ấm áp.

Bà Lương Thị Quyên - Bản Hón (Nghĩa Đô) chia sẻ: “Khách đến nhà mình, muốn thưởng thức món ăn gì thì mình làm món đó để phục vụ du khách”.

Đặc biệt, trên căn nhà sàn truyền thống, các gia đình người Tày có thể biểu diễn cho du khách xem những tiết mục hát then, hát yếu truyền thống, kể cho khách nghe về văn hóa bản địa, phong tục tập quán. Nhờ thế, không chỉ được nghỉ ngơi thư giãn mà du khách còn được khám phá vốn văn hóa mỗi khi đến Nghĩa Đô.

Những năm gần đây, du khách đến và trở lại Nghĩa Đô trong hành trình khám phá Tây Bắc ngày càng nhiều. Những sản phẩm du lịch của Nghĩa Đô đã để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng du khách mọi miền. Đó là tín hiệu vui để Nghĩa Đô đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, một hướng đi đúng đắn trong quá trình làm thay đổi diện mạo cuộc sống dưới chân núi Khau A.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.