Lai Châu nỗ lực tháo 'nút thắt'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tiếng Anh và Tin học là hai môn học bắt buộc đối với lớp 3 từ năm học 2022 – 2023. Trước tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất, tỉnh Lai Châu đã tập trung các giải pháp “gỡ khó” để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho 2 môn học này trước năm học mới.

Cơ sở vật chất phục vụ Chương trình GDPT mới ở Lai Châu còn nhiều khó khăn.
Cơ sở vật chất phục vụ Chương trình GDPT mới ở Lai Châu còn nhiều khó khăn.

Năm học 2022 - 2023, tỉnh Lai Châu có 344 trường học, trong đó, 112 trường có lớp tiểu học. Toàn tỉnh có 455 lớp với gần 12 nghìn em thuộc diện học môn Tiếng Anh và Tin học bắt buộc.

Là địa phương còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Đặc biệt, nhiều trường thiếu phòng học chức năng phục vụ môn Tin học và Tiếng Anh. Theo đó, toàn tỉnh chỉ có 34 phòng tin học và 29 phòng học ngoại ngữ/112 trường có cấp tiểu học. Điều này đồng nghĩa tỉnh còn thiếu 175 phòng học (83 phòng tin học, 92 phòng ngoại ngữ). Bên cạnh đó, số lượng giáo viên dạy hai môn này còn thiếu dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai dạy và học.

Ghi nhận tại huyện Mường Tè, năm học 2022 – 2023, địa phương có 15 trường có lớp tiểu học, với 44 lớp 3, trong khi đó chỉ có 8 phòng (6 tin học và 2 ngoại ngữ). Huyện còn thiếu 23 phòng học để đáp ứng cơ sở vật chất dạy 2 môn này trong năm học tới.

Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè, cho biết: “Huyện thiếu nhiều biên chế giáo viên dạy hai môn nói trên đối với cấp tiểu học. Cụ thể, 15 trường có cấp tiểu học, môn Tiếng Anh chỉ có 9 biên chế (còn thiếu 10 giáo viên). Trong khi đó, môn Tin học chỉ 3 trường có giáo viên, 12 trường còn lại đều kiêm nhiệm”.

Phương án được các trường áp dụng trước tình trạng thiếu giáo viên là dạy học trực tuyến.

Phương án được các trường áp dụng trước tình trạng thiếu giáo viên là dạy học trực tuyến.

Còn tại huyện Nậm Nhùn, với 11 trường có cấp tiểu học, địa phương này chỉ có 4 giáo viên (2 Tiếng Anh và 2 Tin học). Ông Trần Quang Tráng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn, cho hay: “Chúng tôi đã bố trí giáo viên cấp THCS giảng dạy kiêm nhiệm và dạy học trực tuyến đối với những trường có thể triển khai. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời khi cơ sở vật chất, đường truyền mạng chưa đáp ứng”.

Thực hiện Chương trình GDPT mới trong điều kiện thiếu giáo viên và cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT Lai Châu đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố, chỉ đạo cơ sở giáo dục rà soát mạng lưới trường, lớp. Qua đó, đánh giá những khó khăn, thiếu thốn để tham mưu sắp xếp trường, điểm trường, lớp học phù hợp với tình hình thực tế.

Sở GD&ĐT Lai Châu cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục kịp thời xây dựng kế hoạch đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị, sách giáo khoa, tài liệu dạy học. Đảm bảo đáp ứng các điều kiện tổ chức dạy học môn Tiếng Anh và Tin học theo Chương trình GDPT mới.

Cùng với đó, chỉ đạo các phòng GD&ĐT tham mưu bố trí đủ giáo viên để tổ chức dạy học. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo nội dung, chương trình, kế hoạch. Bảo đảm 100% giáo viên được bồi dưỡng về chương trình môn học và tập huấn sử dụng SGK trước khi phân công giảng dạy.

Năm học 2022 – 2023, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Thu Lũm có 2 lớp 3 ở trung tâm và 1 lớp ở điểm bản với tổng số 53 học sinh. Nhà trường hiện không có giáo viên Tiếng Anh và Tin học. “Nhà trường bố trí 3 giáo viên kiêm nhiệm môn Tiếng Anh và 2 giáo viên để dạy Tin học. Còn về cơ sở vật chất, phòng GD&ĐT đã kết nối với đoàn thiện nguyện để cuối tháng 8 sẽ lắp đặt phòng tin học với 26 máy cho nhà trường”, thầy Lỳ Xừ Po, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?