Tập trung nguồn lực triển khai Chương trình
Năm học 2021-2022, huyện Phong Thổ có 13 trường tiểu học và 5 trường liên cấp Tiểu học – Trung học cơ sở. Toàn huyện có 405 lớp với hơn 10.000 học sinh tiểu học.
Thực hiện chương trình GDPT mới, đối với bậc tiểu học, ngành giáo dục huyện Phong Thổ đã tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đồng thời, tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đảm bảo để thực hiện chương trình.
Theo Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ, hiện tỷ lệ phòng học kiến cố và bán kiên cố của huyện đạt gần 98%. Trong đó, phòng học kiên cố đạt 58%.
Đối với cơ sở vật chất, các trường đã tận dụng tối đa những đồ dùng dạy học sẵn có theo chương trình cũ. Đồng thời, nhà trường đã tăng cường làm mới đồ dùng dạy học, sử dụng phù hợp với từng nội dung bài học nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục.
Năm học 2021-2022, phòng GD&ĐT đã mua bổ sung thiết bị dạy và học các lớp 1, 2 cho 9 trường. Xây dựng 3 phòng học bộ môn cho 3 trường. Tổng kinh phí đầu tư, xây dựng trên 3,7 tỷ đồng.
Công tác xã hội hóa sách giáo khoa (SGK) được ngành GD&ĐT chủ động. 100% học sinh các trường Tiểu học, trường liên cấp trong toàn huyện đã chuẩn bị đầy đủ SGK, đảm bảo 1 bộ/1 học sinh.
Bên cạnh đó, huyện Phong Thổ đã nỗ lực chuẩn bị tốt đội ngũ để thực hiện chương trình giáo dục lớp 1, 2. Đội ngũ giáo viên đã được bồi dưỡng thường xuyên theo các mô đun tập huấn của Bộ GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Đối với lớp 2, huyện đã bố trí đủ 141 giáo viên giảng dạy 94 lớp, đảm bảo thực hiện tốt Chương trình.
Ông Khổng Văn Thiện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ chia sẻ: “Đã có nhiều chính sách đặc thù đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như chế độ cho giáo viên và học sinh. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi triển khai Chương trình GDPT mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương”.
Theo kết quả đánh giá định kỳ, tỷ lệ học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt đạt trên 95%. Về phẩm chất, có trên 99% học sinh xếp loại đạt trở lên.
Sẵn sàng cho năm học mới...
Phát huy kết quả đạt được, ngành GD&ĐT huyện Phong Thổ đã tích cực chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 3, lớp 7 trong năm học tới.
Theo đó, toàn huyện đã bố trí đủ 1,5 giáo viên/lớp để dạy từ lớp 1 - lớp 3. Giáo viên đại trà đã được bồi dưỡng thường xuyên theo các mô đun 1, 2, 3, 4, 5 theo đúng lộ trình tập huấn của Bộ GD&ĐT. Đội ngũ giáo viên cốt cán đã được bồi dưỡng thường xuyên thêm mô đun 9.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các trường sử sụng kinh phí được cấp và huy động nguồn xã hội hóa để tiếp tục mua sắm bổ sung trang thiết bị tối thiểu đảm bảo công tác dạy và học. Đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ môn Tiếng Anh, Tin học” – ông Khổng Văn Thiện nói.
Còn tại huyện biên giới Mường Tè, năm học 2022 – 2023, địa phương này dự kiến có 44 lớp 3 với hơn 1.100 học sinh. Toàn huyện cũng sẽ có 30 lớp 7 với gần 1.000 học sinh.
Để chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới đối với lớp 3, lớp 7, Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè đã lựa chọn đội ngũ giáo viên có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường dự kiến dạy 2 lớp này cũng được tiếp cận với SGK mới. Họ cũng được tham gia Hội thảo giới thiệu SGK mới.
“Chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo bồi dưỡng cốt cán Chương trình GDPT mới lớp 3, lớp 7. Đồng thời, lựa chọn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia tập huấn Chương trình GDPT lớp 3, lớp 7 do Bộ và Sở GD&ĐT tổ chức. Sau đó, triển khai tập huấn cho toàn thể cán bộ quản lí, giáo viên dự để nắm bắt chương trình trước khi bắt đầu năm học mới” – ông Hà Đình Nhuận, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè nói.
Cũng theo ông Nhuận, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo nhà trường phối hợp với UBND các xã, thị trấn huy động học sinh ra lớp để duy trì tốt sĩ số học sinh. Đồng thời, nâng cao tỉ lệ chuyên cần ở những thời điểm nghỉ lễ dài ngày và cuối tuần. Huy động trên 95% học sinh lớp 3 về trung tâm học, hạn chế lớp ghép ở điểm bản.
Dự kiến năm học 2022 -2023, Trường phổ thông DTBT Tiểu học xã Thu Lũm, huyện Mường Tè sẽ có 53 học sinh lớp 3. Trong đó, có 2 lớp ở trung tâm và 1 lớp điểm bản.
Thầy Lỳ Xừ Po, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi đã huy động học sinh lớp 3 ở các điểm bản ra trung tâm học để thuận lợi cho việc triển khai Chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, vẫn còn 10 em ở điểm bản U Ma chưa ra trung tâm học. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động. Đồng thời, có phương án giảng dạy tại điểm bản trong trường hợp không thể huy động học sinh ra trung tâm học”.
Cũng theo thầy Po, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động phụ huynh tổ chức mua sắm SGK, thiết bị học tập cho con em mình.
Thầy Po chia sẻ: “Đối với SGK lớp 1, lớp 2, chúng tôi vận động phụ huynh có con em học năm nay để lại sách cho nhà trường. Hoặc những học sinh nào có em đi học thì lấy lại sách. Đối với SGK lớp 3, chúng tôi đã tuyên truyền tới phụ huynh chủ động mua sắm cho các em trước khi vào năm học mới”.