Bà Nguyễn Thị Thái Giang- Trưởng Phòng GD Mầm non, Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết: Bước đầu cha mẹ trẻ đã ủng hộ và tích cực tổ chức các hoạt động theo hướng dẫn của nhà trường, tổ chức và đồng hành trong các hoạt động vui chơi, phát triển kỹ năng cho trẻ ở nhà.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Sở, các trường mầm non đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ trẻ thực hiện việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ ở gia đình. Song song với đó, các cơ sở giáo dục mầm non tạo nhiều hoạt động tương tác qua mạng với các gia đình để cùng đồng hành với trẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thái Giang: Trẻ ở trong nhà nhiều ngày không có bạn chơi, đồ chơi ít và không phong phú nên trẻ nhanh chán, vì vậy việc hỗ trợ cha mẹ trẻ tham gia chơi với trẻ là điều quan trọng trong dịp này. Chính vì vậy, Sở đã chỉ đạo các trường mầm non tư vấn cho cha mẹ trẻ sắp xếp không gian cho trẻ, hướng dẫn các kỹ năng đơn giản thông qua các trò chơi giản đơn; tạo cơ hội cho trẻ được khám phá với những vật dụng an toàn như đồ chơi, giá vẽ, màu vẽ, đất nặn; các nguyên liệu an toàn, thân thiện của địa phương;
Đồng thời tùy vào lứa tuổi của trẻ, cha mẹ xây dựng chương trình phù hợp, như trẻ 2 tuổi, 3 tuổi nên chơi trò chơi vận động, chơi đồ hàng có cha mẹ hoặc anh chị tương tác cùng; trẻ 4 tuổi, 5 tuổi chơi các trò chơi vận động, thí nghiệm khoa học, lắp ráp hình, xây dựng, tạo hình...
“Để trẻ không nhàm chán trong các hoạt động thường ngày, các nhà trường đã hướng dẫn cha mẹ khuyến lệ trẻ tham gia trải nghiệm việc nhà cùng cha mẹ; Như: nhặt rau, rửa chén, quét nhà; gấp quần áo; cất đồ dùng, đồ chơi; chăm sóc vật nuôi... Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ bản thân: đi giày dép; lấy nước uống, đánh răng, rửa tay đúng cách; tự đi ngủ… đây cũng là cách rèn kỹ năng sống, tính tự lập cho trẻ”, bà Giang chia sẻ.
Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Lai Châu, tùy vào điều kiện của các địa phương, các trường hướng dẫn cha mẹ trẻ tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập ở nhà; nội dung hướng dẫn trình bày ngắn gọn, dễ hiểu giúp cha mẹ trẻ dễ dàng tương tác với con;
Cụ thể: Đối với vùng thuận lợi tổ chức biên soạn nội dung, tư vấn cho cha mẹ trẻ thông qua các video hướng dẫn cha mẹ trẻ ôn lại các kiến thức, kỹ năng đã được học và gửi vào các nhóm fb, zalo của nhóm/lớp.
Đối với vùng khó khăn, vùng cao, biên giới hẻo lánh giáo viên in các thẻ chữ cái, chữ số, bài thơ, truyện, bài hát, các con vật, hình học... gửi cho cha mẹ trẻ; hướng dẫn cha mẹ, anh chị của trẻ dạy trẻ tại nhà; cùng với đó việc tăng cường nghe - nói tiếng Việt cho trẻ phải được quan tâm đặc biệt.