Lách tách vui nhộn thìa âm nhạc Nga

GD&TĐ - Từ xa xưa, đặc biệt là vào thế kỷ 18, người Nga đã biết dùng những chiếc thìa và muỗng - vốn để xúc thức ăn - làm nhạc cụ.

Lách tách vui nhộn thìa âm nhạc Nga

Họ thường gõ chúng trong những buổi tiệc và lễ hội, biến thìa gỗ thành loại nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống thường nhật bên cạnh đàn balalaika, accordion và lục lạc treshyotka...

Từ việc thấy thìa và muỗng khi va chạm, sinh ra những tiếng kêu lách ta lách tách, thật ấm áp, sâu lắng, người Nga luôn xem chúng là biểu tượng của sự ấm no, hạnh phúc, hoan hỷ, hòa đồng, thân thiện… Phần lớn thìa và muỗng đều được đẽo gọt từ những loại gỗ dương, gỗ đoạn, gỗ phong hay gỗ vân sam. Chính chất liệu này đã tạo nên thứ âm sắc đặc biệt.

Gỗ làm thìa (baklusha hay baklusja) lấy từ những cây lâu năm. Thìa gỗ (Lozhka) có cán dài, mặt bóng. Trên cán thìa nhiều khi còn gắn những quả chuông để khi rung lắc kêu lạo xạo, leng keng.

Lách tách vui nhộn thìa âm nhạc Nga ảnh 1

Bộ thìa âm nhạc không đều nhau như thìa ăn cơm bình thường, mà có ngắn dài, to bé, nhất là khi kết hợp cả thìa lẫn muỗng. Khi gõ từng cạnh dày mỏng với nhau sẽ phát ra những âm sắc trầm bổng riêng biệt song đều có nhịp khá nhanh, dồn dập.

Ở một xứ lạnh như nước Nga, kinh tế dựa nhiều vào nông nghiệp, lâm nghiệp, người ta thấy rằng, việc ăn uống, xới múc bằng thìa, muỗng gỗ vừa thơm vừa tiện lợi. Thế là ai cũng tự đẽo thìa, rồi trang trí trên đó những mô típ, biểu trưng về sự an khang, thịnh vượng, gửi gắm vào chúng bao ước mơ, tình cảm.

Hay gặp nhất trên mỗi chiếc thìa là hình ảnh của những cánh đồng lúa, đồng hoa nở rộ, những chú chim và hươu nai chạy nhảy, thậm chí là cảnh mùa đông tuyết rơi trắng xóa song thơ mộng, thanh bình. Tất cả đã như một trường ca bất tận, ngọt ngào và thanh khiết…

Lách tách vui nhộn thìa âm nhạc Nga ảnh 2

Khác với tiếng nhạc phát ra từ những nhạc cụ chuyên biệt như đàn, sáo, lục lạc, kèn, trống… âm thanh gõ thìa luôn khiến người ta nghĩ tới những bữa cơm bên gia đình, lúc cả nhà quây quần quanh cái bàn ăn bé nhỏ và một lò sưởi ấm cúng.

Trong lúc bố mẹ chuẩn bị bánh mỳ, súp nóng hay món gà hoặc cá rán thì bọn trẻ đi sắp đĩa, thìa, dao xếp lên bàn, tiện tay gõ đập leng keng, cười nói ríu rít. Mỗi bữa cơm như thế chất chứa bao điềm hoan hỷ.

Sau hay trước bữa ăn, họ đều có thể dùng thìa để tấu lên những bản nhạc dân ca vui nhộn. Riêng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp, họ thường dùng thìa có gắn thêm một, hai quả chuông nhỏ để âm thanh rộn rã, tưng bừng, đa cung bậc hơn.

Lách tách vui nhộn thìa âm nhạc Nga ảnh 3

Để chơi nhạc thìa, người ta sẽ cầm từ hai đến ba chiếc thìa. Hai chiếc kẹp ở hai kẽ tay của bàn tay trái, còn cái thứ ba cầm ở tay phải, cứ thế gõ vào hai chiếc thìa kia, lấy đáy gõ vào đáy. Khi hai bàn tay vung vẩy, những chiếc thìa sẽ lướt trên nhau, tạo ra những âm thanh cồm cộp, canh cách kỳ diệu.

Ngoài dùng thìa gõ trên thìa, nghệ sĩ cũng gõ thìa lên bàn tay, khuỷu tay hay vai của người kế cận nhằm ra những chuỗi âm thanh rạo rực. Qua đó, họ có thể chơi độc tấu hay kết thành ban nhạc gồm nam lẫn nữ.

Lách tách vui nhộn thìa âm nhạc Nga ảnh 4
Theo Russian Tradition

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ