Lạc vào “Ma trận” màu của Nguyễn Sơn

GD&TĐ - Với triển lãm mang tên “Ma trận”, họa sĩ Nguyễn Sơn thực sự đưa người xem lạc vào giữa một thuật toán của màu sắc acrylic với chất liệu chính là các mảng bo mạch phế thải.

Kẻ canh gác tương lai (bảng mạch, cao su, trên kính màu và tấm nhựa).
Kẻ canh gác tương lai (bảng mạch, cao su, trên kính màu và tấm nhựa).

Lột tả thời công nghệ bằng hội họa

Nguyễn Sơn sinh năm 1969, xuất thân là kiến trúc sư nhưng anh có niềm đam mê với hội họa từ thơ ấu. Trong những năm sống ở Vương quốc Anh, Nguyễn Sơn đã theo học những khóa chuyên về sơn dầu.

Thế mạnh của anh nghiêng về trừu tượng hình học, với concept và những kỹ thuật riêng độc đáo. Tất cả đã làm cho những tác phẩm trừu tượng hình học thêm kỳ ảo và đầy chất thơ.

Họa sĩ Nguyễn Sơn tiết lộ, hơn 200 năm phát triển nền công nghiệp và hơn 30 năm của công nghệ kỹ thuật số là quá ngắn ngủi so với lịch sử hình thành và phát triển của loài người. Tuy nhiên, nó lại tác động mạnh mẽ nhất đến sự biến đổi thần tốc và khôn lường ở mọi lĩnh vực.

Lợi ích của nền công nghiệp và công nghệ là không thể chối bỏ. Mọi vấn đề đều có tính 2 mặt của nó, công nghiệp càng phát triển bao nhiêu thì hệ lụy càng lớn bấy nhiêu. Đó là hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu, sự gia tăng của rác thải độc hại hủy hoại môi trường, những sự cố nguy hiểm trong phát triển năng lượng nguyên tử, biến đổi gen hay những nguy cơ từ chiến tranh sinh học.

Trong công nghệ số cũng vậy, chúng ta luôn phải đối mặt với những khía cạnh tiêu cực làm con người “lạc lối”, như virus, hacker, nghiện game, nghiện mạng xã hội. Con người có thể kiểm soát được quá trình phát triển của công nghệ do chính mình sáng tạo ra hay không?

Tinh thần cơ bản của “Ma trận” là tìm ra những quy luật của những lượng thông tin khổng lồ, rối loạn, nhiều tầng, nhiều chiều để tìm cách kiểm soát chúng, hướng chúng vào sự phát triển công nghệ số một cách bền vững và an toàn, phục vụ lợi ích của loài người. Một trong những tính chất đặc trưng của ma trận là sự kỳ ảo, luôn dịch chuyển và thay đổi.

Trong thời đại 4.0, ma trận hiện hữu trong mọi khía cạnh cuộc sống. Mỗi thay đổi nhỏ của lĩnh vực này sẽ tương tác và làm thay đổi đến lĩnh vực khác, khiến đời sống tinh thần con người phong phú và phức tạp hơn. Nghệ thuật cũng không nằm ngoài tương quan này.

“Ban đầu, ý niệm về ma trận xuất hiện trong tôi một cách vô thức. Là một kiến trúc sư, tôi thấy sự phát triển đô thị bền vững sao cho tương thích với chất lượng cuộc sống của cư dân như bài toán không có lời giải. Ai cũng mong muốn được sống trong môi trường phát triển, văn minh nhưng nếu phải sống môi trường như Hà Nội và Sài Gòn hiện nay, tôi tin rất nhiều người mong muốn được trở lại ngày xưa, dù có lạc hậu nhưng trong lành và thanh thản”, họa sĩ Nguyễn Sơn cho biết.

Chọn hướng đi hẹp

Dù triển lãm vừa khai mạc ngày 28/10 tại 32 Hào Nam (Đống Đa – Hà Nội) nhưng đông đảo công chúng yêu hội họa đã đến thưởng lãm. Người xem như lạc vào ma trận màu sắc với các bo mạch, phế thải. Những thông điệp, những cách nhìn khác của họa sĩ ẩn tàng đâu đó trong những tác phẩm đem đến sự thú vị chưa từng có cho người xem tranh.

Có lẽ nhiều người biết đến Nguyễn Sơn không phải trong vai trò là họa sĩ. Anh rất đa tài, mà ở lĩnh vực nào cũng để lại những dấu ấn khó quên. Người ta từng gọi anh là nhạc sĩ, anh kín tiếng đến nỗi những ca khúc còn nổi tiếng hơn cả người đã thai nghén sáng tác ra.

Với Nguyễn Sơn, âm nhạc như một người bạn tri kỷ, có thể sẻ chia nỗi buồn, niềm vui và giúp anh quên đi những mệt mỏi. Không chỉ vậy, âm nhạc còn là niềm đam mê dù để gắn bó lâu dài với nó sẽ rất khó khăn cực nhọc. Nguyễn Sơn vẫn âm thầm theo đuổi và chẳng nói cho ai hay về niềm đam mê của mình.

Album “Không gian mù khơi” gồm 12 ca khúc được anh chọn ra từ hơn 100 bài hát mà anh sáng tác từng được ra mắt người yêu nhạc vào những năm 2009. Phong cách âm nhạc của Nguyễn Sơn chủ đạo là Pop, Rock Ballad, mang tính chất trẻ trung và mạnh mẽ.

Ca từ trong các bài hát của Nguyễn Sơn mang tính triết lý, được đúc rút từ những trải nghiệm cuộc sống. Ở đó có sự dằn vặt, quằn quại thể hiện những khát khao muốn vươn tới cái đẹp trong tâm hồn con người.

Thế rồi anh đến với hội họa cũng theo cách âm thầm và kín tiếng. Lúc đầu, Nguyễn Sơn vẽ sơn dầu hay acrylic trên toan như bao họa sĩ khác. Tranh của anh có hơi hướng tân biểu hiện, đôi khi có pha siêu thực, đôi khi lấn sang chủ nghĩa vị lai. Dòng tranh này thể hiện trình hội họa của anh ở mức khá cao, nếu anh tiếp tục con đường này sẽ hứa hẹn nhiều tiềm năng trên thị trường.

Thế rồi, anh chuyển hướng làm tranh với chất liệu chính là các mảng bo mạch phế thải và màu acrylic. Dòng mỹ thuật này chắc chắn kén khán giả hơn nhưng lại có đóng góp mới cho hội họa Việt Nam.

Tiến sĩ Bùi Quang Thắng - Giám đốc nghệ thuật Vicas artstudio cho rằng, tranh của Nguyễn Sơn đã thoát khỏi việc phản ánh cái gì đó mà anh bị hút theo những gợi ý, những logic và cái thẩm mỹ của vật liệu chính, đó là các bo mạch điện tử.

Từ một miếng bo mạch ngẫu nhiên, anh phát triển nó thành một hình thù nào đó và đổ màu lên đó sao cho có logic, hợp lý và thẩm mỹ, theo tư duy và cảm xúc của anh. Cách làm nghệ thuật này thoát khỏi quan điểm truyền thống về chức năng nghệ thuật dựa vào cặp phạm trù “cái phản ánh” và “cái được phản ánh”.

Với Nguyễn Sơn, quá trình làm ra tác phẩm cũng gây hứng thú không kém gì, nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả kết quả. Anh cho rằng, làm tranh kiểu này đầy khoái cảm như bị say, quên đi nắng nóng, mưa dầm, muỗi đốt, tiếng ồn, bụi ô nhiễm và cứ xong bức nào thì lại cuốn kỹ cất đi, đến khi nào cần mới giở ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ