Lạc quan vượt khó khăn, bệnh tật

Lạc quan vượt khó khăn, bệnh tật

Đại dịch Covid-19 ập đến, học sinh nghỉ học, đồng nghĩa những giáo viên như cô không có lương, trong khi gánh nặng bệnh tật, gia đình hàng ngày đè nặng lên vai. 

Cô Bùi Thị Nhung (SN 1980) là giáo viên Toán, Trường THPT Sào Nam, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Năng lực chuyên môn vững, lại có nhiều năm kinh nghiệm nên cô được nhà trường giao phụ trách hai lớp 12 và một lớp 11, đồng thời ôn thi THPT môn Toán. “HS đang nghỉ học nên tôi dạy trực tuyến. Các em ở vùng nông thôn, điều kiện máy móc, thiết bị không đầy đủ, ý thức tự học cũng chưa cao. Vì vậy, dạy học trực tuyến chủ yếu để HS không gián đoạn việc học là chính”, cô Nhung chia sẻ.

HS của trường là những em không trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Thậm chí môn Toán khi các em thi vào lớp 10 chỉ trên điểm liệt. Để vực dậy kiến thức và cả ý thức học tập của HS đã “mất gốc” vô cùng gian nan. Cô Nhung phải “cầm tay chỉ việc”, một bài phải ôn tập nhiều lần, dù chỉ là những điều cơ bản. Vất vả thế, nhưng trường ngoài công lập, nguồn thu chủ yếu để chi trả lương cho giáo viên là từ học phí. Mấy tháng qua, HS nghỉ học đồng nghĩa với việc thầy cô Trường THPT Sào Nam cũng không có lương.

Bình thường, mức lương của cô Nhung được xếp vào bậc cao vì có thâm niên, kinh nghiệm công tác, môn Toán có số tiết dạy/tuần nhiều hơn so với các môn khác. Nhưng cộng tất cả lại mỗi tháng cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng, chưa trừ bảo hiểm. Với giáo viên trẻ, tiết dạy ít, tiền lương còn không đủ đóng bảo hiểm. Giờ đây đồng lương ít ỏi đó của cô Nhung và đồng nghiệp cũng không có.

Không dám mua hết đơn thuốc

Năm học trước, cô Nhung mất tiếng, đi khám thì mới hay mình mắc bệnh hiểm nghèo. Từ đó, là những ngày vợ chồng liên tục đưa nhau đi bệnh viện, cô trải qua hai lần phẫu thuật, rồi tiếp tục xạ trị. “Đợt này đã đến hẹn quay lại bệnh viện kiểm tra các chỉ số và tiếp tục xạ trị. Nhưng vì dịch bệnh nên tôi vẫn ở nhà. Giờ đi lại khó khăn, vất vả, chi phí cũng tốn kém, trong khi thu nhập của mình giờ lại không có. Những lần điều trị trước đó, mọi người ủng hộ, thăm biếu và cũng vay mượn nhiều rồi”, giọng cô Nhung chùng xuống.

Chồng cô Nhung là bộ đội. Từ ngày cưới nhau đến nay đều đóng quân ở xa. Hết đi Lào quy tập mộ liệt sĩ, giờ lại làm nhiệm vụ tại đảo Mắt (Nghệ An). Mình vợ ở nhà nuôi 2 con, đứa lớn năm nay học lớp 9, còn đứa nhỏ mới hơn 3 tuổi và mẹ chồng già yếu đã hơn 80 tuổi. Từ ngày cô đổ bệnh, những ngày phép của chồng phải để dành cho dịp về đưa vợ đi điều trị. Cuộc sống gia đình trước kia vốn chỉ dựa vào lương trung úy bộ đội của anh là chính, nay lại càng chắt chiu, tính toán nhiều hơn.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng cô vẫn luôn lạc quan, chăm sóc 2 con và mẹ chồng già yếu.

Nhìn về phía trước mà sống

Nhiều đêm nằm cùng con, cô quay lưng khóc ướt gối, nghĩ sao đời mình khổ, bao nhiêu cái vất vả cứ dồn vào. Nhưng hôm sau, cô lại gạt hết mọi cảm xúc tiêu cực phía sau. Năm học này, do phải thường xuyên đi bệnh viện, nên cô Nhung xin nghỉ công tác chủ nhiệm. Nhưng khi sức khỏe ổn định, là cô xin đi dạy trở lại. “Tôi phụ trách ôn thi Toán lớp 12 nên lo lắm. Học trò thì vô tư, ham chơi hơn ham học, thời điểm này tâm lý lại đang xáo trộn. Cuối lớp 12 rồi còn hỏi “Cô ơi liệu năm nay có thi THPT quốc gia không, hay là xét tốt nghiệp thì đỡ phải ôn thi”, khiến các thầy cô cũng dở khóc dở cười.

Dạy học cho trò, hướng dẫn con gái lớn ôn thi vào lớp 10, chăm lo việc nhà, bán hàng online. Rảnh rỗi thì cô lại chơi thể thao, vừa để rèn luyện sức khỏe và không có thời gian mà nghĩ tới bệnh tật nữa. Trước kia, không ít lần cô so sánh, thấy mình thua thiệt nhiều so với đồng nghiệp ở các trường công lập. 

Nhưng nhìn lại ngôi trường nhiều năm gắn bó, nơi đó cũng có nhiều thầy cô đã hàng chục năm sống với nghề. Rồi nghĩ đến HS, dù đầu vào không tốt bằng nhiều bạn khác, nhưng các em cũng cần một ngôi trường tốt, cần thầy cô tận tụy, lo lắng dạy bảo trước khi học ngành nghề. Cô tự động viên mình, cố gắng để giữ nghề, để sống được với nghề sư phạm mà mình lựa chọn, theo đuổi.

Thời điểm khó khăn trong cuộc sống, hay khi bệnh tật, cô có gia đình ở bên cạnh, có đồng nghiệp giúp đỡ, san sẻ. Nhiều thế hệ học trò khi nghe tin cô khó khăn đã nhắn tin, gọi điện hỏi thăm, gửi quà về động viên. “Cho đến giờ, tôi vẫn luôn giữ cho mình sự lạc quan, vui vẻ. Bởi có nhiều người yêu thương bên cạnh. Đó là động lực để tôi không bỏ. Mọi chuyện khó khăn đến đâu, mình sẽ chấp nhận, cùng nhau tháo gỡ để vượt qua” – cô Nhung cho biết. 

Mỗi lần từ bệnh viện trở về, cầm đơn thuốc cô chia làm 2 loại. Một loại thuốc bắt buộc phải có để điều trị thì mua đủ liều. Một loại là để thải độc trong cơ thể, bồi bổ sức khỏe chỉ dám mua nửa đơn vì đắt quá. “Mỗi lần bố đưa mẹ đi khám lại phải đem con sang ngoại gửi. Sau khi xạ trị về, tôi còn phải tự cách ly ở nhà khoảng 20 ngày nữa, vì bác sĩ nói chất phóng xạ trong người mình có thể phát ra ngoài, ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Con gái lớn thì hiểu chuyện rồi, lo lắng đi chợ nấu cơm đem cho mẹ. Còn thằng bé sau nhớ quá đòi mẹ mà phải đợi mẹ hết cách ly mới được gặp”, cô Nhung kể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ