Truyền thuyết Troh Bư
Chúng tôi đến Khu bảo tồn Troh Bư (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) vào một ngày cuối tháng 9. Sau cơn mưa của buổi sớm mai, Troh Bư như khoác lên mình một tấm áo mới với những hạt sương long lanh trong nắng. Quanh khu bảo tồn là hàng trăm loại cây khiến cho không khí nơi đây trong lành, thoáng mát.
“Lọ mọ” bên những gốc cây là một người đàn ông dân dã, mái tóc muối tiêu, tuy nhiên dáng người vẫn khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Tiến lại gần trò chuyện, chúng tôi mới biết ông là Đỗ Tuấn Hưng (SN 1972, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là chủ của khu bảo tồn này. Gương mặt phúc hậu, nụ cười hiền, ông Hưng tạm gác công việc chăm sóc lan lại rồi kể cho chúng tôi nghe về “truyền thuyết” Troh Bư.
Tên Troh Bư theo tiếng Ê Đê là Thung lũng cá lóc. Bởi thuở xa xưa, một làng nọ gặp khô hạn kéo dài triền miên khiến đất đai nứt nẻ, nước cạn kiệt. Khi đó con người không có nước uống, cây cối khô héo rồi chết dần. Vì đói, khát nên người dân trong làng phải vào tận những cánh rừng sâu để tìm nước uống và thức ăn. Tuy nhiên, lương thực ít nhưng người đông, do đó chỉ được thời gian ngắn, nguồn thức ăn lại cạn kiệt.
Nhận thấy, nếu tiếp tục ở đây mọi người sẽ không thể sống được nên tất cả lại rủ nhau đi tìm vùng đất mới. Sau nhiều ngày băng rừng, vượt suối, mọi người bắt đầu mệt, đói lả nên quyết định dừng chân nghỉ tạm một đêm. Tuy nhiên, sáng sớm thức dậy để chuẩn bị hành lý tiếp tục đi, ai cũng ngỡ ngàng bởi trước mắt là vùng đất màu mỡ, cây cối tốt tươi. Đưa tay hứng nước suối uống, mọi người phát hiện sau những tảng đá là vô số con cá lóc. Lúc này mọi người kéo nhau ra bắt cá, tuy nhiên, bắt mãi không hết. Chẳng ai nói ai, tất cả như vỡ òa hạnh phúc khi nhận ra rằng, đây chính là vùng “đất vàng” để dựng nhà, ổn định cuộc sống.
Từ đó, người dân đặt tên cho buôn mới là Buôn Niêng và gọi dòng suối chảy qua làng là suối Ea Nuôl, còn thung lũng đầy cá lóc suối đã nuôi sống dân làng khi mới đến là Troh Bư.
Tài sản vô giá
Dàn chiêng đá cổ xưa nguyên bản nhiều thanh nhất mà ông Hưng sưu tập được. Ảnh: T.G |
Khác với những bạn cùng trang lứa lúc bấy giờ, trong quá trình đi học ông Hưng đã thích tìm tòi, khám phá và mong muốn sau này ra trường sẽ có một khu vườn cho riêng mình.
Ông gom toàn bộ tiền bạc có được để vào Buôn Đôn mua một mảnh đất rộng 5ha. Lúc đó, nơi đây rậm rạp chỉ toàn là cây cỏ nên vị ThS Kinh tế Nông nghiệp một mình phát dọn, đào giếng, trồng cây xanh. Khi khu vườn dần hoàn thiện, ông Hưng bắt đầu đi sưu tầm, trao đổi các giống lan với những người yêu lan. Bên cạnh, ông cũng lân la khắp các chợ lan để mua những giống lan mới mang về trồng. Khi thấy những cây rừng xanh tốt, ông quyết định chặt cà phê và cây ăn trái để có không gian cholan rừng phát triển và sinh trưởng một cách tốt nhất.
Đến đầu năm 2013, vườn được xây dựng, phát triển hơn về quy mô và trở thành khu bảo tồn các loài lan rừng tự nhiên Việt Nam vùng Tây Nguyên. Hiện tại, ông Hưng có trong tay hơn 200 loài lan khác nhau với tổng cộng 100.000 giò lan. Trong hơn 200 loại lan của mình, ông Hưng cũng sở hữu một số loài lan quý hiếm, đang bị đe dọa như: Thủy tiên, Nghinh xuân, Giả hạc, Phượng vĩ, Hồng nhạn...
Bên cạnh bộ sưu tập lan rừng, vườn Troh Bư còn sở hữu chiếc thuyền độc mộc với chiều dài 9m, rộng hơn 1,7m. Chiếc thuyền này do một nghệ nhân ở Buôn Đôn chế tác từ một cây gỗ sao trong vòng 6 tháng và hoàn thành năm 1998. Mặc dù có nhiều người chơi đồ cổ đến hỏi mua với giá trị hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên, ông Hưng nhất quyết không bán vì muốn lưu giữ lại những nét văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, ông Hưng còn có một bộ chiêng đá cổ xưa 23 thanh, hàng triệu năm tuổi, phải lặn lội vớt từ các dòng suối lớn về. Khi dùng đá gõ lên bộ chiêng này sẽ tạo ra những âm thanh trầm bổng, vang vọng cả khu rừng.