Mang hương rừng về phố

Mang hương rừng về phố
Dưới bàn tay nghệ nhân những nhành hoa lan được thổi thêm hồn trở thành tác phẩm nghệ thuật
Dưới bàn tay nghệ nhân những nhành hoa lan được thổi thêm hồn trở thành tác phẩm nghệ thuật

GD&TĐ) - Đã ngoài “thất thập” nhưng trông dáng dấp ông khá nhanh nhẹn, dẻo dai trên chiếc Vespa rong ruổi khắp ngõ ngách của phố núi Đà Lạt mỗi ngày - Đó là nhà giáo Lê Văn Thành (nhà ở phường 10 - Đà Lạt, Lâm  Đồng). Sau hơn 20 năm rời bục giảng, ông giáo Thành lặng lẽ sưu tầm và đang sở hữu bộ sưu tập trên 200 loài hoa lan rừng quý…

Thú chơi tao nhã

Bước vào khu vườn nhỏ nằm khiêm tốn trong một con hẻm trên đường Yersin, tôi như “lạc” vào một khu rừng hoang sơ ngào ngạt hương hoa. Loài hoa phong lan (lan rừng) màu sắc vừa ý nhị vừa đẹp rất quý phái!

Đặc biệt, đa số các loài lan rừng đều có mùi thơm rất quyến rũ, dễ chịu và thanh khiết. Để có trên 200 loài phong lan rừng quý trong vườn nhà; mỗi loài đều có xuất xứ riêng và trong đó có nhiều loài cực kỳ quý hiếm của lan rừng Việt Nam và của các nước, chủ nhân của nó không hoài phí hơn 20 năm “săn lùng” tìm kiếm, sưu tập, thậm chí chắt cóp từng đồng tiền hưu ít ỏi để “tậu” về.

Rồi bỏ cả việc ăn uống, nghỉ ngơi để cần mẫn tháng ngày chăm sóc, nhân giống… Phải là người có thú chơi tao nhã và yêu hoa đến say lòng mới làm được!

Biết tôi cũng là người yêu phong lan và đang tập tành “nối gót”, ông giáo Thành như gặp được người tri kỷ nên câu chuyện giữa chúng tôi mấy chốc đã bắt nhịp.

Bên chén trà nóng, ông giáo ngồi trầm tư một lúc như để lục tìm ký ức một thời khó khăn của buổi đầu xa quê hương tìm đến rồi gắn bó đời mình với thành phố xinh đẹp này. Ông giáo kể lại: Cha mẹ ông đều là người gốc Quảng Trị đưa nhau vào Đà Lạt lập nghiệp từ những năm 1950 và ông được sinh ra, lớn lên trên thành phố này.

Năm 1961, đỗ Tú tài Ban A (các môn Sinh, Hóa…), thầy  giáo Lê Văn Thành bắt đầu bước vào nghề “gõ đầu trẻ” như một mối lương duyên. Thuộc thế hệ những giáo viên đầu tiên dạy Quốc ngữ cho con em người Việt khi Cao nguyên Trung phần còn nằm dưới quyền kiểm soát của chế độ cũ.

Sau những năm 1961 - 1962, dạy học tại Trường Bồ Đề (TP Bảo Lộc ngày nay), thầy Thành được chuyển về dạy học ở Trường Bồ Đề Đà Lạt (nay là trường THCS Nguyễn Du - Đà Lạt), rồi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường này cho đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Năm 1977, thầy Thành chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho đến nghỉ hưu (1990).

Nghề giáo, theo ông Thành hết sức thanh cao và cũng là một… nghệ thuật! Bởi đối tượng của nghề giáo là con người, giáo dục con người phải được xem là một nghệ thuật - nghệ thuật “trồng người”! Cũng như chơi hoa vậy - thú chơi nghệ thuật!...

Lặng lẽ tỏa hương

d
Thầy giáo Lê Văn Thành với vườn phong lan của mình

Cuộc đời ông giáo Thành: 30 năm “gõ đầu trẻ” và hơn 20 năm vui thú tuổi già gắn với tháng ngày tìm kiếm, chăm chút cho từng chồi cây, từng nụ hoa và thưởng thức thành quả lao động bình dị của mình đều là sự thầm lặng. Thầm lặng cống hiến, thầm lặng góp nhặt hương hoa làm đẹp cho Đà Lạt, làm đẹp cho đời!

Dường như ai cũng vậy: Nghỉ hưu hay thôi làm công việc nào đó mà mình đã gắn bó, tâm huyết đều bỗng thấy bùi ngùi và hụt hẫng?

Ông giáo Thành không ngoại lệ. Phải lấy công việc gì đó để “bù đắp” và sống có ý nghĩa trong “quỹ thời gian còn lại” của đời mình? Vốn có kiến thức chuyên ngành Sinh, Hóa và rất yêu thích thiên nhiên, cỏ cây của xứ sở ngàn hoa, ông giáo Thành bắt đầu tham gia làng “chơi” hoa, cây kiểng của Đà Lạt.  Đến với lĩnh vực nghệ thuật mới này đối với ông giáo cũng là một …mối duyên ! 

Để có được bộ sưu tập phong lan giá trị nhất hiện nay ở Đà Lạt (có lẽ trong nước hiện chưa có ai sánh được), ông giáo Thành đã lặng lẽ ngược xuôi vào Nam ra Bắc, len lỏi đến những buôn làng hẻo lánh, xa xôi của người dân tộc thiểu số; hay vào tận rừng sâu tìm kiếm, mua, trao đổi, sưu tầm…

Rồi mang về cần mẫn chăm sóc bằng cả tình yêu và niềm đam mê tuyệt vời. Chủ nhân này đã tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức kể cả những thất bại trước đó vì thú chơi hoa. Ông tâm sự: “Khi mới về hưu, tôi tích cóp một tháng tiền lương hưu đầu tư trồng một vườn địa lan, sau vài năm trật trầy bởi địa lan vốn nhiều sâu bệnh, rất khó chăm sóc nên thất bại thua lỗ; tôi bèn chuyển sang sưu tầm và trồng phong lan.

Theo ông Thành, trồng phong lan chủ yếu mất nhiều công sức; phong lan lại ít sâu bệnh có sức sống mãnh liệt. Vốn am hiểu từng giống loài và đặc tính sinh trưởng của phong lan, sau khi sưu tầm, tìm mua, trao đổi … mang về, chọn các gốc, hay cành cây khô (có dáng đẹp) nẹp chúng vào với ít dớn rồi tưới nước, bón phân, tạo dáng…

Vài tháng sau, rễ phong lan bám vào các nhánh cây khô phát triển xanh tốt là có được một cá thể hoa ưng ý. Ông cho biết, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 500 - 700 loài lan rừng; bộ sưu tập của ông chiếm trên 200 loài; ông sẽ tiếp tục sưu tầm để gia tăng số loài phong lan cho bộ sưu tập của mình.

Ông giáo già cười tươi và “khoe” rằng, hơn chục  năm qua, ông đã tham gia và đạt nhiều giải thưởng, huy chương các loại trong các dịp trưng bày hoa, bonsai tại các Lễ hội Festival Hoa Đà Lạt, Hội chợ Hoa xuân trong các dịp lễ, Tết…do Hiệp hội hoa Đà Lạt, ngành VH,TT&DL, tỉnh và thành phố Đà Lạt tổ chức.

Ông Thành vinh dự là thành viên “Câu lạc bộ bảo tồn giống lan quý” của Hiệp hội hoa Đà Lạt. Hiện nay, sản phẩm phong lan của ông giáo Thành được trưng bày, giới thiệu tại Công ty Rừng hoa Đà Lạt, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm hoa của thành phố hoa nổi tiếng này.

Nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Đà Lạt đều thích thú với các tác phẩm hoa phong lan của nghệ nhân Lê Văn Thành và đã có các nhà nghiên cứu, nhiều du khách yêu thích loài hoa rừng xinh đẹp, quý phái này tìm đến không gian hoa của gia đình ông giáo Thành để nghiên cứu, học hỏi, tham quan, thưởng thức… 

Thanh Dương Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ