Phạt vì thi… chui
“Ròm” “xuất thân” từ bộ phim ngắn mang tên “16g30”. Đây là phim ngắn tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn của Trần Dũng Thanh Huy vào năm 2011.
“16g30” đã được Thanh Huy “nuôi dưỡng” suốt 7 năm trong niềm khát khao được vun đắp từ những đạo diễn phim độc lập tên tuổi như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Anh Hùng ở Gặp gỡ mùa thu.
Và “16g30” cứ thể “lớn lên”, kinh qua lần được giới thiệu tại Góc phim ngắn ở Liên hoan phim Cannes, lần tham dự Liên hoan phim Ong Vàng của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và ẵm giải Vàng.
Đặc biệt, sau chương trình điện ảnh Gặp gỡ mùa thu 2017, bộ phim ngắn đầu tay đó đã trở thành “Thằng Ròm” và giờ là “Ròm” với độ dài gần 100 phút.
Hồi đầu tháng 10, “Ròm” đi dự Liên hoan phim quốc tế Busan ở Hàn Quốc giành giải Phim hay nhất tại hạng mục New Currents, hạng mục quan trọng nhất của liên hoan và cũng là bộ phim đầu tiên của một đạo diễn Việt Nam được giải thưởng này.
“Ròm” kể về những cậu bé bụi đời, bán vé số trên đường phố Sài Gòn đầy nhọc nhằn nhưng vẫn không nguôi nuôi hy vọng tìm lại được gia đình mình. Là người đã xem “Ròm”, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ rằng, anh thấy bộ phim này có một tinh thần rất lạ của một nhóm bạn trẻ tập hợp cùng làm phim với mức kinh phí tối thiểu đến… khó tin.
Thế nhưng, “Ròm” đã bị… tuýt còi. Cụ thể, Thanh tra Bộ VH,TT&DL đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Sản xuất phim Hoan Khuê (HKFilm) - nhà sản xuất phim “Ròm”.
Lý do bị tuýt còi là vì phim sửa những phân đoạn quá bạo lực theo yêu cầu của Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim chưa xong, chưa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến mà đã phát hành ở Liên hoan phim quốc tế Busan (trong 3 ngày 4, 9 và 10/10).
Hiểu một cách ngắn gọn là phim “Ròm” đã đi dự liên hoan… chui nên dù có thắng lớn thì vẫn phải nộp phạt lên đến 40 triệu đồng.
Cùng với đó, HKFilm còn phải khắc phục hậu quả là hủy tang vật vi phạm (bản phim gửi tham gia liên hoan phim). Thời gian chấp hành xử phạt là 10 ngày, nếu không sẽ bị cưỡng chế.
Rào cản?
Đến giờ, số phận của phim “Ròm” vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, trước quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ VH,TT&DL thì giới chuyên môn không khỏi lo ngại.
Là người trực tiếp tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho hay cả “Ròm” và “Thiên Linh Cái” đều phải qua công đoạn kiểm duyệt và được cơ quan chức năng yêu cầu cắt sửa.
“Ròm” được gửi đi tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan khi chưa cắt sửa. “Thiên Linh Cái” phải đổi tên, bị cắt nên có cảm giác như xem một phim tình cảm hài pha chút rùng rợn thay vì một phim hình sự hồi hộp như vốn được làm ra.
Thế nhưng, “Ròm” thì đoạt giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim Busan, còn “Thất Sơn Tâm Linh”, tên mới của “Thiên Linh Cái” thì ăn khách kỷ lục từ ngày đầu công chiếu.
Trong khi đó, phim thứ ba là “Everest - Người tuyết bé nhỏ”, một phim hoạt hình Trung Quốc vẽ hình lưỡi bò chín đoạn nhưng vẫn được Cục Điện ảnh cấp phép cho trình chiếu không giới hạn độ tuổi tại Việt Nam.
“Vậy bạn nghĩ xem, những người ở Cục Điện ảnh, họ đã giúp đỡ gì cho điện ảnh Việt Nam?” - đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chua chát nói.
Đạo diễn Phan Đăng Di cũng thẳng thắn cho rằng, cách cư xử của cơ quan quản lý văn hóa là nặng tay với tác phẩm của một đạo diễn trẻ.
Theo đạo diễn này, khi xem bản dựng gần cuối của phim, anh thấy phim không có vấn đề nghiêm trọng như những lo ngại từ cơ quan kiểm duyệt.
“Có lẽ đã đến lúc, chúng ta cần một cơ chế đối thoại rõ ràng, những người sáng tạo có quyền lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình. Nếu một bộ phim nào đó cảm thấy có vấn đề, thì hãy lấy ý kiến rộng ra từ những nhà chuyên môn” - đạo diễn Phan Đăng Di nhấn mạnh.
Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Trọng Văn cho rằng, phim “Ròm” đã đưa vào sản xuất chứng tỏ kịch bản đã có một bộ phận, một cơ quan nào đó đã biết, đã duyệt. Và bộ phim không phải là làm chui, không sản xuất chui, chỉ là đi thi chui.
“Cách quản lý sản phẩm văn hóa theo kiểu “đi thi thì phải xin phép” thể hiện lối làm việc theo kiểu cũ, hành chính hóa. Giữa lúc Nhà nước đang khuyến khích các nhà làm phim tư nhân bỏ tiền túi ra sản xuất thì lại bị những rào cản từ thẩm định, cấp phép ngáng đường chẳng phải sẽ làm nản chí họ sao?” – ông Nguyễn Trọng Văn đặt câu hỏi.
Kiểm điểm, xử lý nghiêm sai sót vụ việc để lọt hình đường lưỡi bò trong phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ”
Căn cứ kết quả báo cáo của Cục Điện ảnh về việc kiểm tra lại quá trình cấp phép phổ biến phim truyện hoạt hình “Everest - Người tuyết bé nhỏ”, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã có ý kiến chỉ đạo giao Thứ trưởng Tạ Quang Đông trực tiếp chỉ đạo Cục Điện ảnh khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm những sai sót của cá nhân và tập thể liên quan trong quá trình thẩm định, duyệt và cấp phép phổ biến bộ phim.
Cục có trách nhiệm tham mưu kiện toàn Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện; đồng thời nghiên cứu thành lập bộ phận giúp việc Hội đồng đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Thời hạn hoàn thành trước ngày 17/10.