Phim "Ròm" bị phạt 40 triệu, hủy bản phim gửi tham gia Liên hoan Busan

GD&TĐ - Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xử phạt 40 triệu đồng vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa đối với Công ty Cổ phần Sản xuất Phim Hoan Khuê (HKFilm) - đơn vị thực hiện phim điện ảnh "Ròm".

Một cảnh trong phim "Ròm".
Một cảnh trong phim "Ròm".

Phim "Ròm" của đạo diễn Trần Thanh Huy kể về cuộc sống trong khu lao động nghèo ở TP HCM. Nhân vật chính - một thiếu niên (Trần Anh Khoa đóng) - trải qua những cuộc đấu tranh trên đường phố.

Ngoài ra, phim quy tụ diễn viên Anh Tú Wilson, Cát Phượng, Hải Triều, Mai Thế Hiệp, Thanh Tú.

Mặc dù chưa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến tuy nhiên, ê-kíp thực hiện tự ý đưa bộ phim đi tham dự LHP Quốc tế Busan. Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất phim còn mắc tình tiết tăng nặng vì cố tình thực hiện hành vi mặc dù đã được Cục Điện ảnh yêu cầu chấm dứt.

Trước đó (tháng 9/2019), Công ty CP sản xuất Phim Hoan Khuê gửi Phiếu đề nghị cấp Giấy phép Phổ biến phim và bản phim trình duyệt tới Cục Điện ảnh cho bộ phim “Ròm” sản xuất năm 2018, chất liệu phim kỹ thuật số, độ dài 79 phút.

Ngày 11/9, Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện họp, thẩm định, đánh giá nội dung bộ phim.

Trước đó, tại buổi làm việc, Công ty Cổ phần Sản xuất Phim Hoan Khuê đã cam kết không gửi bộ phim “Ròm” tham dự Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019 dưới mọi hình thức, đồng thời xin phép được chỉnh sửa và trình duyệt lại để được cấp Giấy phép Phổ biến bộ phim.

Thậm chí, Công ty Cổ phần Sản xuất Phim Hoan Khuê đã gửi thư xin rút phim “Ròm”, không tham dự Liên hoan Phim Quốc tế Busan 2019 tới Giám đốc Liên hoan phim.

Dù dự thi "chui", ngày 12/10, tác phẩm đoạt giải cao nhất tại LHP Busan, đồng nhận giải với phim Haifa Street (của Iraq và Qatar). Lần đầu phim Việt thắng giải cao nhất ở LHP Busan - một trong những liên hoan lớn nhất châu Á. 

Ngoài khoản tiền phạt 40 triệu đồng, Thanh tra Bộ VHTTDL cũng yêu cầu nhà sản xuất hủy bản phim gửi tham gia Liên hoan phim. Yêu cầu này phải được thực hiện trong vòng 10 ngày, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ